Nhiều ứng dụng AI của người Việt
Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng hiểu và xử lý tiếng Việt được kỳ vọng trở thành trợ lý đắc lực cho người dùng cuối
Công ty CP VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup) vừa đưa vào hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ViGPT. Ứng dụng này được xem là "ChatGPT phiên bản Việt" đầu tiên với lượng tri thức rộng lớn, khả năng sáng tạo nội dung và tìm kiếm, tổng hợp, trích xuất thông tin, giải đáp các câu hỏi thường thức một cách hiệu quả.
Lợi thế của tính "local"
Điểm khác biệt và là lợi thế của ViGPT so với các ứng dụng khác là thông tin tập trung vào các lĩnh vực đặc thù của Việt Nam, bao gồm pháp luật, lịch sử, văn hóa, danh nhân, danh lam thắng cảnh, đặc trưng vùng miền... Đáng chú ý, với phiên bản doanh nghiệp, ViGPT được tích hợp trong nền tảng VinBase 2.0, là công nghệ mở đường cho sự ra đời của hệ sinh thái các giải pháp tích hợp AI tạo sinh của VinBigdata mang tên ViChat, ViVoice và trợ lý ảo ViVi.
Sau khi phát hành, ViGPT thu hút hơn 18.000 lượt đăng ký. Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, nhiều người dùng Việt Nam thích thú chia sẻ những trải nghiệm của mình với ứng dụng AI này. Họ nhận xét "ChatGPT phiên bản Việt" gần như hoàn toàn thể hiện được điểm mạnh về ngôn ngữ tiếng Việt.
Đánh giá ViGPT không phải là công nghệ mới nhưng ông Trương Ngọc Minh, nhân viên công nghệ thông tin ở TP HCM, cũng cho rằng đây sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực công nghệ có động lực sáng tạo, chủ động phát triển AI trong tương lai.
Bà Lê Thị Quyên (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho hay sau khi đặt câu hỏi về lịch sử, văn hóa, danh nhân, đặc trưng vùng miền của Việt Nam với ViGPT, kết quả bà nhận được vô cùng ấn tượng. "Tuy chưa hoàn hảo nhưng ViGPT đã đem đến những thông tin rất chính xác" - bà nhận xét.
Nhiều chuyên gia về công nghệ dự báo AI local (AI mang nét đặc trưng riêng của một quốc gia) sẽ là một xu thế phát triển mạnh mẽ bên cạnh việc ứng dụng những AI global (AI do các công ty toàn cầu phát triển).
AI chẩn đoán bệnh lao, ung thư
Việc ứng dụng AI trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền của Trường ĐH Y Hà Nội đã chứng minh tiềm năng của công nghệ này trong lĩnh vực y tế.
PGS-TS Nguyễn Thị Trang - giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội Di truyền Y học Việt Nam - cho rằng hệ thống y tế Việt Nam mặc dù đã có những thay đổi to lớn nhưng đầu tư vẫn còn rất hạn chế. Theo tính toán, năm 2018, cả nước chỉ có hơn 8 bác sĩ/10.000 dân - tỉ lệ thấp nhất tại khu vực Đông Nam Á. Với tốc độ đào tạo như hiện nay, cần 75 năm để chúng ta có thể bắt kịp Singapore, nơi có 23 bác sĩ/10.000 dân.
Ngoài ra, sự mất cân bằng về trình độ giữa các bệnh viện địa phương, tuyến xã, huyện, tỉnh so với bệnh viện trung ương ở Việt Nam vẫn còn lớn. Do đó, sử dụng công nghệ số với nòng cốt là dữ liệu và AI để xây dựng y tế thông minh được coi là chiến lược quốc gia trong phát triển y tế.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Trang, các chuyên gia tại Trường ĐH Y Hà Nội đã đặt mục tiêu phát triển phần mềm AI trên nền tảng di động, ứng dụng sàng lọc trước sinh nguy cơ mắc bệnh bất thường bẩm sinh hay gặp tại Việt Nam. Chẳng hạn, sàng lọc người mang gien Thalassemia, xây dựng mô hình học máy tự động đo khoảng sáng sau gáy.
"Phần mềm AI tự động phân tích dữ liệu giải mã gien đã được xây dựng để ứng dụng cho 5 bệnh ung thư thường gặp như ung thư phổi, gan, vú, tuyến giáp và đại trực tràng. Giao diện phần mềm phân loại từng bệnh ung thư với các tính năng giới thiệu bệnh học dịch tế dữ liệu gien, thuốc điều trị đích, các phương pháp điều trị" - PGS-TS Nguyễn Thị Trang thông tin.
Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng đã ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp. PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết với những tổn thương phức tạp như gãy xương chậu hay vỡ xương ổ cối, AI giúp dựng hình 3 chiều dựa trên phim cắt lớp. Qua đó, bác sĩ đánh giá được mức độ tổn thương, lựa chọn đường vào, lựa chọn vật liệu dự kiến cố định. Nhờ vậy, việc phẫu thuật đạt độ chính xác cao nhất, lợi ích cuối cùng là giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng cho hay các thầy thuốc đang nghiên cứu ứng dụng AI nhằm giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu...
Cách đây chưa lâu, VinBrain, nhà phát triển phần mềm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam thuộc Tập đoàn Vingroup, đã ra mắt mô hình AI phục vụ chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao với phiên bản đầu tiên ra mắt vào tháng 1-2021. Theo Sách Trắng về ứng dụng này, mô hình AI đạt độ nhạy 86% và độ đặc hiệu lên tới 96,1% trong việc đọc chụp X-quang phổi để chẩn đoán bệnh lao.
Theo trang MobiHealthNews (Mỹ), để phát triển mô hình chẩn đoán lao, VinBrain đã tận dụng nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft. Ban đầu, hơn 500.000 ảnh chụp X-quang phổi liên quan đến lao được thu thập từ Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau khi lọc ảnh chất lượng kém, khoảng 185.000 ảnh được sử dụng để đào tạo, đánh giá và thử nghiệm cho mô hình.
Mô hình AI này sau đó được tích hợp vào nền tảng DrAid của VinBrain, có khả năng phát hiện 21 bất thường và bệnh lý liên quan đến tim, phổi, xương với độ chính xác trung bình trên 88% trong vòng 5 giây.
Nhiều triển vọng ứng dụng
Ông Tạ Công Sơn, Trưởng Phòng Phát triển AI - Dự án Chống lừa đảo, cho rằng việc ViGPT ra đời sẽ thúc đẩy sự phát triển AI ngôn ngữ Việt để ứng dụng vào các ngành bán lẻ, ngân hàng, sản xuất.
Một giảng viên ngành công nghệ thông tin tại TP HCM nhận định "ChatGPT phiên bản Việt" có nhiều cơ hội để doanh nghiệp, tổ chức trong nước ứng dụng, giúp tăng trải nghiệm khách hàng, rút gọn quy trình, báo cáo thông tin, phát hiện mầm bệnh, hỗ trợ giảng dạy... Tuy nhiên, rủi ro đi kèm là có thể ảnh hưởng đến những người lao động ở những vị trí mà AI có khả năng thay thế.
Theo ông Giáp Văn Đại, nhà sáng lập và CEO của Nami Foundation, Việt Nam đã có một số mô hình AI nhưng gần như kế thừa từ các nước và phát triển thêm. Ưu điểm của việc "đi sau" là chúng ta có thể sở hữu cơ sở dữ liệu, nền tảng để phát triển AI một cách phù hợp.