Nhiều trẻ khó ghi nhớ, học kém tập trung, sang chấn tâm lý, sợ hãi hậu Covid-19: Chuyên viên tâm lý chỉ ra điều phụ huynh cần biết?
Nhiều trẻ khó ghi nhớ, học kém tập trung, sang chấn tâm lý, sợ hãi hậu Covid-19: Chuyên viên tâm lý chỉ ra điều phụ huynh cần biết?
Nhiều trẻ mất tập trung, mắc hội chứng "sương mù não" hậu Covid-19?
Những ngày gần đây, số lượng trẻ đến khám và điều trị hậu Covid-19 tại khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2, TP.HCM tăng lên. Đa phần, phụ huynh đều cảm thấy lo sợ khi trẻ đột nhiên giảm trí nhớ, kém tập trung so với trước đây, thậm chí nhiều trẻ còn có biểu hiện sợ hãi, lo âu dẫn đến tình trạng trầm cảm, stress, không muốn tiếp xúc với người khác.
Số lượng trẻ hậu nhiễm Covid-19 gặp phải vấn đề về tâm lý ngày một nhiều hơn
Theo cử nhân tâm lý Nguyễn Hải Uyên – khoa Tâm lý – Vật lý trị liệu, BV Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết đối với những trẻ từ 6 tuổi trở xuống, qua thăm khám cho thấy các bé ít tương tác, phản ứng hơn, thậm chí nhiều trẻ hậu Covid-19 gặp phải tình trạng chậm nói (2-3 tuổi), mất ngôn ngữ hoặc rối loạn ngôn ngữ. Riêng đối với trẻ bậc tiểu học trở lên, đa phần các bé không tập trung được khi đi học, nhiều bé gặp phải hội chứng "sương mù não", hay quên. Nếu trước đây các bé được học online thì giờ đi học trực tiếp, nhiều bé không tập trung được, trí nhớ kém. Các bậc phụ huynh cần có thêm thời gian để giúp các bé thích nghi lại với môi trường hiện tại, phía khoa Tâm lý sẽ hỗ trợ tư vấn, điều trị cho các bé.
"Một số bé gặp phải tình trạng trầm cảm, lo âu trong đó trầm cảm ít nhưng lo âu thì nhiều. Các bé cũng có những biểu hiện tâm lý không thường trực, đôi khi xuất hiện theo nhịp điệu, các con đột nhiên mất hứng thú, mất tập trung khi học hoặc làm một việc gì đó. Tình trạng này có thể xảy ra đối với bé đã nhiễm Covid-19 hoặc chưa nhiễm, có thể việc mất tập trung đã có trước đây rồi nhưng khi nhiễm bệnh thì biểu hiện nặng hơn vì thời gian cách ly điều trị làm trẻ mất đi một số nguồn lực từ bạn bè, thầy cô và các hoạt động ngoại khóa", cử nhân tâm lý Nguyễn Hải Uyên nói.
Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2 luôn tiếp nhận, hỗ trợ điều trị các bé hậu Covid-19
Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu rõ ràng về mối quan hệ giữa hậu Covid-19 và sức khỏe tâm thần, tuy nhiên dựa vào thực tiễn khi tiếp xúc với các bệnh nhi cho thấy sau khi mắc Covid-19, trẻ gặp phải vấn đề kém tập trung, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và các mối quan hệ xung quanh.
"Hậu Covid-19, nhiều trẻ có biểu hiện về mặt lo âu, nếu những trẻ nào mắc Covid-19 ở giai đoạn đầu, khi mà F0 ít thì trẻ có biểu hiện tự ti, đôi khi có những ám ảnh khi giao lưu lại với bạn bè. Một số trẻ khác có biểu hiện liên quan đến rối loạn lo âu chia ly khi đột ngột phải rời xa người thân trong một khoảng thời gian dài.
Nhiều đứa trẻ mất tập trung, trí nhớ kém, hay quên sau khi nhiễm Covid-19
Còn đối với những trẻ F0 sau này, hầu hết vấn đề các bé gặp phải là kém tập trung. Có lẽ sau một thời gian nghỉ dịch dài, sức ì tâm lý đè nặng trẻ khiến bé chưa bắt nhịp lại với cuộc sống ở trường lớp, các bé cần có một thời gian phù hợp để thích nghi lại với môi trường", cử nhân tâm lý Nguyễn Hải Uyên phân tích.
Phụ huynh cần tạo niềm tin, quan tâm trẻ thay vì quát mắng?
Vấn đề kém tập trung trong việc học, hay quên, không nhớ bài vở thường gặp ở trẻ hậu nhiễm Covid-19. Thay vì bực dọc, la mắng trẻ, phụ huynh cần phải nắm bắt được tâm lý, tạo niềm tin để lắng nghe con nhiều hơn, từ đó tháo gỡ khúc mắc trong tâm lý của trẻ.
Theo chuyên viên tâm lý, trước việc hay quên, trí nhớ giảm của trẻ, sau khi bày tỏ sự lo lắng, phụ huynh cần tìm cách giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhiều bậc phụ huynh cho biết, trong quá trình học tập, đột nhiên con em mình mất hết năng lượng, than phiền không muốn học, bày tỏ sự mệt mỏi hay không giải được một dạng bài toán tương tự, việc đầu tiên phụ huynh cần phải phân biệt được trẻ đang kém trí nhớ hay mất tập trung.
Môi trường sống, sự sẻ chia của các bậc phụ huynh đóng vai trò quan trọng giúp trẻ vượt qua những âu lo, bất ổn về tâm lý
Để giúp trẻ vượt qua được những bất thường về mặt tâm lý, kém tập trung trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, phụ huynh cần phải biết cách quản lý lại việc tiếp xúc của con trẻ trong cuộc sống thường nhật, nhất là phim ảnh, game, thay đổi không gian sống thân thiện hơn với trẻ.
"Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm con cái nhiều hơn, đặc điểm mỗi đứa trẻ là khác nhau, nếu đứa trẻ đó nhạy cảm thì gặp vấn đề tâm lý nhiều hơn trẻ bình thường, sự quan tâm của cha mẹ là yếu tố quan trọng giúp bé có sự phát triển ổn định về mặt tâm lý.
Nhiều đứa trẻ có biểu hiện run sợ, hốt hoảng, ít giao tiếp sau thời gian dài giãn cách xã hội...
Khi các bậc phụ huynh thấy bé có biểu hiện hốt hoảng, run sợ, nói nhiều hoặc không nói, khép mình lại… , bản thân phụ huynh cần giữ và thể hiện được sự bình tĩnh. Sự nôn nóng và thúc giục cộng hưởng với cảm xúc của trẻ sẽ tạo nên những căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tạo khoảng cách lớn để cha mẹ có thể trở thành nguồn lực giúp con vượt qua vấn đề.
Trải qua một thời gian dài với nhiều biến động về bối cảnh xã hội, bối cảnh gia đình và sức khỏe bản thân, những lo âu và căng thẳng, tự ti của trẻ là kết quả tất yếu. Thay vì chối bỏ và cấm đoán con nhắc đến những cảm xúc này, phụ huynh hãy cùng lắng nghe, tạo một không gian an toàn để chứa đựng vấn đề, chấp nhận như một cách cùng con nhìn thấy rõ hình dạng của hòn đá phía trước và nắm tay con vượt qua", cử nhân tâm lý Nguyễn Hải Uyên chia sẻ.
Cử nhân tâm lý Nguyễn Hải Uyên - khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, BV Nhi đồng 2, TP.HCM
Làm thế nào để phụ huynh nhận ra trẻ có biểu hiện bất thường về mặt tâm lý?
Theo cử nhân tâm lý Nguyễn Hải Uyên, sẽ căn cứ vào 3 mặtvề sự nhận thức – hành vi – cảm xúc của trẻ để nhận ra các dấu hiệu bất ổn về tâm lý ở trẻ. Bên cạnh đó, sự tham khảo thông tin từ những người xung quanh cũng là một yếu tố bổ trợ giúp phụ huynh nhận ra được vấn đề tâm lý mà con em mình gặp phải.
+ Về mặt nhận thức: Nó thể hiện qua chất lượng học tập, khả năng ghi nhớ, xử lý vấn đề hay hiểu biết của con trong cuộc sống, niềm tin của con về những người xung quan nó có đang bị méo mó, lệch lạc hay không?
+ Về mặt hành vi: Trẻ có la hét, co cụm lại, hạn chế tương tác hoặc tương tác quá nhiều với người khác. So với trước đây, trẻtìm đến các thiết bị điện tử, chơi game nhiều hơn hay không?
+ Về mặt cảm xúc: Trẻ hay bộc lộ cảm xúc con buồn, con sợ. Nhiều phụ huynh nghĩ đó là những cảm xúc của trẻ con, nó bình thường nhưng không. Đối với trẻ con, khi mà trẻ gọi tên được những cảm xúc (buồn, sợ) có nghĩa là thực tế nó đang diễn ra.Phụ huynh cần phải chú ý khi con em nói "con buồn, con sợ, tự nhiên con cảm thấy lo mà không biết lo điều gì…", thì phải đưa con em đi thăm khám tâm lý.
Ngoài ra, một triệu chứng khác là những biểu hiện trên cơ thể bé. Nếu trẻ có những biểu hiện đau đầu, nôn ói, mệt mỏi nhưng khi khám bệnh lý thông thường không tìm ra nguyên nhân thì khả năng, bé đang gặp phải vấn đề về tâm lý.
"Có thể trong một tình huống nào đó, phụ huynh thấy con có những cảm xúc hoặc hành vi quá mức so với trẻ đồng trang lứa hoặc so với chính con của trước đây thì cần phải lưu tâm đến những báo động về tinh thần của con. Sự quan tâm của các bậc phụ huynh rất quan trọng để giúp bé vượt qua được nỗi sợ hay bất ổn về tâm lý", cử nhân Nguyễn Hải Uyên nói.