Nhiều tiền như Hòa Phát: đưa gần 30.000 tỷ vào bảng cân đối kế toán trong chưa đầy 2 năm

04/11/2021 11:12 AM | Kinh doanh

Lượng tiền mặt và tiền gửi của Hoà Phát tăng gần gấp 6 lần trong gần 2 năm, hiện đạt mức 34.800 tỷ đồng, cao nhất trên sàn chứng khoán.

Vị trí "vua tiền mặt" trên thị trường chứng khoán lúc này đang thuộc về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Tính đến hết quý 3/2021, Hòa Phát nắm trong tay xấp xỉ 34.800 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chiếm 20% tổng tài sản.

Theo thống kê, tiền mặt & tiền gửi của Hòa Phát tăng trưởng mạnh trong gần hai năm qua qua, từ mức 5.900 tỷ đồng thời điểm cuối 2019.

 Nhiều tiền như Hòa Phát: đưa gần 30.000 tỷ vào bảng cân đối kế toán trong chưa đầy 2 năm  - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh thép của Hòa Phát sản sinh ra dòng tiền lành mạnh. Dòng tiền kinh doanh thuần trong năm 2020 đạt gần 11.600 tỷ đồng. Ba quý đầu năm 2021, dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh tiếp tục đạt mức gần 13.300 tỷ đồng.

Dù cho trong những năm gần đây, Hòa Phát chi tiền đầu tư hết sức mạnh mẽ cho dự án Nhà máy thép Dung Quất, tuy nhiên dòng tiền từ hoạt động tài chính (cụ thể là đi vay) đóng vai trò nâng đỡ để công ty của tỷ phú Trần Đình Long liên tục giữ được dòng tiền thuần dương ở mức cao.

Hoà Phát cũng được xem là doanh nghiệp gặp thiên thời, địa lợi. Cuối năm 2019, hai lò cao đầu tiên của Khu liên hợp gang thép dung quất chính thức được đưa vào vận hành nâng tổng công suất thép xây dựng của Hòa Phát lên 4,4 triệu tấn/năm.

Cuối năm 2020, Hòa Phát bắt đầu cung cấp sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) thương mại ra thị trường. Đến tháng 1/2021, lò cao số 4 của Khu liên hợp Dung Quất được đưa vào hoạt động nâng tổng công suất thép thô của Hòa Phát lên 8 triệu tấn/năm, lớn nhất Đông Nam Á.

Việc tăng cường công suất của Hòa Phát rơi vào đúng giai đoạn kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 đẩy nhu cầu tiêu thụ thép lên mức cao.

Tính từ đầu năm 2020, Hòa Phát lãi trước thuế 44.375 tỷ đồng, bằng tổng lợi nhuận kiếm được từ 2014 – 2019.

 Nhiều tiền như Hòa Phát: đưa gần 30.000 tỷ vào bảng cân đối kế toán trong chưa đầy 2 năm  - Ảnh 2.

Ở chiều ngược lại, Hòa Phát giữ lại hầu hết lợi nhuận để phục vụ đầu tư các đại dự án. Năm 2019 và năm 2020, mỗi năm Hòa Phát chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho các cổ đông, còn lại trả bằng cổ phiếu. Từ 2016 – 2018, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu, không trả tiền mặt.

Với số tiền mặt và tiền gửi "khổng lồ" thời điểm hiện tại, Hòa Phát đang tích lũy nguồn lực cho việc đầu tư Nhà máy Dung Quất giai đoạn 2 công suất 5,6 triệu tấn/năm, tập trung vào HRC. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng.

Mặt khác, từ quý 4/2021, Hòa Phát thành lập Tổng công ty Điện máy Gia dụng Hòa Phát, đầu tư lớn vào ngành điện máy. Ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát sẽ tận dụng xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc khi mà giá nhân công tăng và tình trạng thiếu năng lượng. Mục tiêu của tập đoàn là đạt mức doanh thu 1 tỷ USD từ sản xuất thiết bị gia dụng vào năm 2030.

Hoà Phát hiện cũng đang triển khai dự án nhà máy sản xuất container tại KCN Phú Mỹ 2, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 1/2023.

Hay như ông Trần Đình Long cũng từng chia sẻ rằng "không ai làm thép mãi được". Hòa Phát có kế hoạch lấn sâu hơn vào bất động sản nhà ở trong tương lai. Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực tài chính mạnh để có thể triển khai.

Hoà Phát, sau hàng chục năm tập trung vào lĩnh vực sản xuất thép để có được vị thế số 1 Đông Nam Á đang từng bước vươn mình để trở thành tập đoàn đa ngành: từ nông nghiệp, bất động sản, sản xuất công nghiệp với điện gia dụng và container…

Đông A

Cùng chuyên mục
XEM