Nhiều tài xế xin nghỉ việc do bị ngoáy mũi quá nhiều

17/08/2021 20:47 PM | Kinh doanh

Do phải ngoáy mũi quá nhiều để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, nhiều tài xế ở Lâm Đồng không chịu được phải xin tạm nghỉ việc để phục hồi sức khỏe và tinh thần.

Xoay xở đủ kiểu

Tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Viên Sơn (đóng tại thôn An Tĩnh, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là một trong những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn nhất địa phương.

Bình thường, mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 3.000 tấn khoai lang tươi nguyên củ và 3.000 tấn khoai lang cấp đông sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc… Ngoài khoai lang, doanh nghiệp cũng sản xuất và xuất khẩu các nông sản khác như: ớt chuông, cà tím, bí Nhật…

Ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viên Sơn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của doanh nghiệp không tránh được bị ảnh hưởng. Trong đó, nổi cộm nhất là việc lưu thông hàng hóa cả đầu vào lẫn đầu ra; container ùn ứ tại các cảng biển và máy móc, trang thiết bị nhập về không có chuyên gia lắp đặt.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Duy Đa, do hiện nay quy định các tài xế xe tải khi lưu thông cần khai báo y tế, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Thời gian hiệu lực của giấy lại rất ngắn nên nhiều tài xế di chuyển liên tục, phải thực hiện xét nghiệm nhiều lần khiến họ trở nên mệt mỏi, khủng hoảng tâm lý.

"Nhiều tài xế của công ty chúng tôi đã xin tạm nghỉ việc vì mũi bị chảy máu, đau nhức do lấy mẫu xét nghiệm quá nhiều lần trong tháng. Do đó, chúng tôi buộc phải tìm cách xoay vòng, luân phiên tài xế để cầm cự với dịch bệnh chứ anh em tài xế họ cũng khổ và áp lực rất lớn", ông Nguyễn Duy Đa tâm sự.

Cũng theo ông Đa, hiện doanh nghiệp đã chi 30 - 40 tỷ đồng nhập máy móc, trang thiết bị mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, máy đã về kho bãi nhưng các chuyên gia, kỹ sư ở TP. HCM không thể lên lắp ráp nên tiến độ công việc bị ảnh hưởng. Sản lượng hàng hóa vì thế cũng giảm khoảng 20% so với kế hoạch đề ra trong năm nay.

Trong khi đó, ông Tô Quang Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho hay, do dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong công đoạn cung ứng, vận chuyển hàng hóa.

Lực lượng tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính và xe vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu về "luồng xanh". Do dịch bệnh nên việc nhận hàng ở các hệ thống siêu thị cũng trở nên khắt khe, chậm hơn so với trước đây.

"Trước đây, siêu thị nhận hàng từ 8h đến 15h hàng ngày nhưng hiện nay chỉ tập trung vào lúc sáng sớm. Do vậy, có những ngày tài xế đã phải đi giao hàng từ 4h sáng. Cũng chính vì vậy mà người sản xuất phải chuẩn bị hàng sớm hơn", ông Tô Quang Dũng nói và cho biết thêm, để đảm bảo nguồn nông sản, doanh nghiệp phải thay đổi thời gian thu hoạch, thời gian đóng gói, bốc hàng. Việc này đã khiến nhiều sản phẩm rau ăn lá như súp lơ xanh, cải bó xôi… bị giảm chất lượng, thậm chí bị héo úa.

Nhiều tài xế xin nghỉ việc do bị ngoáy mũi quá nhiều - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lâm Đồng đã chủ động lên kế hoạch ứng phó. Ảnh: Minh Hậu.

Xây dựng nhiều kịch bản ứng phó

Để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, Công ty Cổ phần Viên Sơn đã lên kế hoạch phòng thủ theo phương án 3 tại chỗ. Đầu tiên, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn lều bạt, lương thực, thực phẩm để lực lượng công nhân có thể ăn ở tại công ty và làm việc nếu xảy ra trường hợp giãn cách xã hội. Thứ 2 là giữ trữ nguyên liệu và trữ bao bì để phục vụ khâu chế biến, đóng gói.

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc dự trữ nguyên liệu đầu vào rất quan trọng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc dự trữ này cũng có giới hạn và cũng khó kéo dài nên công ty phải nghiên cứu để linh hoạt trong từng giai đoạn", ông Nguyễn Duy Đa nói.

Đối với Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), nguồn sản phẩm chủ yếu là rau và ngoài việc xuất khẩu sang Hàn Quốc, doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên toàn quốc. Do vậy, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp chuyển hướng, tổ chức các gian hàng online để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.

Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp được Sở NN-PTNT và Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ kết nối kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Cùng với việc chuyển kênh bán hàng online, doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.

Cũng theo ông Dũng, các combo rau củ của doanh nghiệp hiện được tiêu thụ rất nhanh. Ở bao bì của mỗi combo có in chi tiết về trọng lượng, nhà sản xuất, chi tiết từng loại rau củ. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp thiết kế nhiều combo nên người dùng có thể lựa chọn theo sở thích.

Ông Lê Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã An Phú (thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, hiện hợp tác xã đang thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Trong đó, việc sản xuất đã được lên kế hoạch rõ ràng với các phân khúc hàng hóa cụ thể. Các vấn đề về đóng gói, chuyển giao hàng hóa cho đối tác cũng được hai bên lên kế hoạch vừa chi tiết, vừa linh hoạt để có thể duy trì trong trường hợp dịch bệnh căng thẳng hoặc kéo dài.

Ông Lê Văn Ba cho hay: "Ngoài việc chủ động tốt khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển, chúng tôi cũng thực hiện cùng lúc nhiều kênh phân phối. Ví dụ như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thực hiện các biện pháp bán và giao hàng đến tận tay người tiêu dùng trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp".

Minh Hậu

Cùng chuyên mục
XEM