Nhiều sinh viên ở chung cư mini, nhà tập thể thừa nhận "mù mờ" về kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra
Dù nhận thức rõ về những tổn thất khi có hỏa hoạn xảy ra, nhưng nhiều sinh viên vẫn không có kỹ năng thoát hiểm.
Sinh viên mù mờ cách thoát nạn khi có cháy
"Giả dụ khi có cháy xảy ra, mình cũng không biết thoát ra kiểu gì!".
Đó là lời thừa nhận của Huy Cường (tên nhân vật đã được thay đổi) - sinh viên Học viện Tài chính, khi được hỏi về "cách thoát thân khỏi hỏa hoạn". Thuê trọ tại Bắc Từ Liêm với hình thức chung chủ (tức là chủ nhà và người thuê nhà ở cùng với nhau một tòa), nơi mà Cường ở có tổng cộng 6 tầng. Trong đó, tầng 1 chủ nhà cho thuê làm quán nước, tầng 2 làm chỗ ở cho gia đình, từ tầng 3 đến tầng 5 làm phòng cho sinh viên thuê, còn tầng thượng được tận dụng để làm chỗ phơi quần áo. Xung quanh tầng thượng của tòa nhà mà nam sinh thuê đã bị vây kín, tách biệt bởi những song sắt.
"Mình thấy bảo khi có chảy ở tầng dưới thì không được chạy xuống bởi rất nguy hiểm, phải chạy ngược lên tầng thượng để tìm sự trợ giúp, nhưng tầng thượng bị hàn sắt hết vào rồi không biết sẽ thoát ra kiểu gì nhỉ", nam sinh thắc mắc.
Trong suốt khoảng hơn 1 năm ở đây, Cường chưa từng được nhắc nhở gì về an toàn cháy nổ và cả tòa nhà dường như cũng không có sự xuất hiện của bình chữa cháy nào cả. Các biện pháp về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì không được trang bị, kiến thức về kỹ năng thoát thân khi có chảy nổ xảy ra thì thiếu hụt, vậy nên khi đặt giả định trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra, nam sinh này tỏ ra loay hoay không biết xử lý như thế nào.
"Chắc là chạy xuống tầng dưới đấy. Bởi đó là cách xử trí duy nhất mình có thể nghĩ được lúc đấy, chứ bản thân cũng không có nhiều kiến thức, kỹ năng về việc thoát hiểm khi có cháy xảy ra", Cường nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi có hỏa hoạn xảy ra, chúng ta chỉ chạy xuống tầng dưới khi có luồng khói tới từ trên cao. Còn nếu khói xuất phát từ tầng dưới thì phải tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng. Vậy nên, việc nhất nhất chạy xuống bên dưới của Cường trong trường hợp giả định khi có chảy xảy ra ở trên chẳng khác gì... tự đưa mình vào ngõ cụt cả.
Tương tự, Phạm Hà Thu (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thuê trọ theo hình thức chung chủ tại Triều Khúc (Thanh Xuân) - nơi khá gần với vụ cháy chung cư mini xảy ra ở tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân rạng sáng 13/9.
Ngay từ tờ mờ sáng sớm, mẹ của nữ sinh đã gọi "cháy máy" để hỏi han về tình hình của con. Không chỉ có vậy, mẹ của nữ sinh còn dặn con phải "mua ngay một chiếc thang thoát hiểm để phòng ngừa tình trạng không may xảy đến" vì phụ huynh này có nghe ngóng được thông tin một gia đình nạn nhân tại vụ cháy đã thoát thân trong gang tấc nhờ chiếc thang dây được dự phòng từ trước.
Biết được sự đáng sợ của hỏa hoạn, biết được nhưng thương đau mất mát khi có cháy xảy ra, nhưng khi được hỏi có kiến thức về kỹ năng phòng tránh và đảm bảo an toàn cháy nổ không thì nữ sinh này chỉ biết lắc đầu cười. Cho đến khi được mẹ nhắc nhở, nữ sinh này mới biết cách đầu tiên để thoát thân khi có cháy xảy ra: sử dụng thang thoát hiểm.
"Hồi học cấp 3, trường mình có tổ chức nhiều ngoại khóa về kỹ năng phòng chống hỏa hoạn, thậm chí còn đầu tư đến mức mang cả xe cứu hỏa đến trường, tạo dựng tình huống giả định dập tắt lửa như thật luôn. Nhưng trong suốt buổi tham gia ngoại khóa, mình chẳng tập trung nghe gì cả, chỉ đến khi phun nước mình mới thích thú tập trung. Kiến thức về kỹ năng thoát hiểm của mình hiện tại không có nhiều", Thu cho hay.
Nữ sinh bày tỏ sau vụ việc này, cô nhất định sẽ "tìm hiểu thêm các kiến thức về kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra vì trang bị những kỹ năng mềm cho bản thân chưa bao giờ là thừa thãi".
Ở một diễn biến khác, không phải ai cũng "mù mờ" trong việc thoát thân khi có chảy nổ xảy ra. Đơn cử như trường hợp của Giang Ngọc Anh (sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường), do có người quen là cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, nên cô bạn đã được phổ cập kiến thức thường xuyên. Ngọc Anh có thể đọc vanh vách cách đi đứng ra sao, xử trí như thế nào khi hỏa hoạn xảy tới.
"Mình nghĩ kỹ năng này quan trọng, mọi người nên học càng sớm càng tốt bởi chúng ta sẽ không biết được rằng bao giờ nguy hiểm sẽ rình rập đến vơ chúng ta", Ngọc Anh giãi bày.
Sinh viên cần làm gì khi hỏa hoạn xảy ra?
Hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và hậu quả để lại thường rất thảm khốc, đặc biệt khi hỏa hoạn xảy ra ở các tòa nhà cao tầng, khu vực đông dân cư... Chính vì vậy nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của bạn và người thân.
1. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Không chỉ chung cư mini, nhà ở tập thể, mà mỗi gia đình cũng nên tự trang bị phương tiện chữa cháy, bình chữa cháy để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, mở lối cửa thoát hiểm ra ngoài trên các chuồng cọp, lồng sắt, ban công và không sắp xếp hàng hóa, đồ đạc, tài sản cản trở lối thoát nạn.
2. Luôn giữ thái độ bình tĩnh
Khi xảy ra cháy nổ, không có gì quan trọng hơn việc phải thật bình tĩnh để xác định ngọn lửa và nguồn khói từ đâu tới. Ổn định tâm lý để xử lý với tình huống đang gặp phải, tìm cách rời đi nhanh chóng và an toàn càng sớm càng tốt.
3. Tìm cách di chuyển hợp lý để thoát thân
Khói trong đám cháy sẽ cản trở tầm nhìn, để tránh bị ngạt khói, mọi người di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất và men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách. Một điều đáng lưu ý là bò sát mặt đất cũng sẽ giúp bạn có nhiều không khí để thở hơn, tránh bị ngạt thở do khói.
Nếu nhìn thấy luồng khói tới từ trên cao, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và đi xuống các tầng dưới. Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, bạn hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng để tránh ngạt khí.
Ngoài ra, bạn cũng tuyệt đối không sử dụng thang máy để thoát nạn vì khi có sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng. Bạn cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ hay tìm đến nơi có ghi chữ Exit (Lối ra). Đây là những lối thoát nạn an toàn nhất.
4. Tránh ngạt khí độc
Nhiều trường hợp ghi nhận trong các vụ hỏa hoạn, nạn nhân không tử vong vì nóng mà do ngạt khí. Vậy nên để hạn chế điều này, các bạn nên bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt khí và quấn chăn thấm đẫm nước lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Nếu có thể, dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy.
Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy nằm xuống và lật người liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt, đồng thời che mặt càng nhiều càng tốt. Tuyệt đối không được chạy vì gió sẽ làm lửa cháy và lan ra nhiều hơn.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Khi xảy ra hỏa hoạn ở nhà cao tầng, bạn cần di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ và gọi to để cầu cứu. Bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý từ mọi người, hãy dùng khăn, áo, mũ màu sắc nổi bật để vừa hô cứu vừa ra hiệu. Đồng thời, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114.
Nếu muốn mở cửa khi xảy ra hỏa hoạn, bạn cần cẩn thận kiểm tra nhiệt độ của cửa trước. Khi mở cửa, cần tránh sang một bên để tránh trường hợp lửa tạt vào người. Còn nếu không thể tìm một lối thoát an toàn hoặc nhận được sự trợ giúp của người khác, bạn có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh. Để tránh tạm thời và chờ đội cứu hộ đến. Tuyệt đối không trốn những nơi kín và bí không khí như nhà vệ sinh vì đây là nơi dễ bị ngạt thở.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật chia sẻ:
Chung cư mini được hiểu là một tòa nhà được xây dựng trên một diện tích nhỏ và chia thành nhiều căn hộ cũng với diện tích nhỏ. Cách thức hoạt động của chung cư mini khá giống với chung cư bình thường, nhưng với quy mô nhỏ hơn và chất lượng sống thấp hơn.
Có thể thấy, căn hộ của chung cư mini được thiết kế và xây dựng theo kiểu khép kín, bao gồm phòng ở riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm, khu bếp riêng... và có diện tích mặt sàn tối thiểu là 30m2. Mô hình này có giá thuê hợp lý, phù hợp với tài chính của nhiều người dân cùng với vị trí nằm ở khu vực gần trung tâm thành phố nên thường được nhiều người ưa chọn.
Theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP "quy định một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy", các trường hợp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về PCCC bao gồm:
1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên;...
Như vậy, nếu chung cư mini cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép PCCC.
Điều kiện thực hiện thủ tục về PCCC cho chung cư mini
Theo Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini được quy định như sau:
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định;
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định.