Nhiều phụ huynh Hà Nội "rần rần" làm điều này trước cả NỬA NĂM, người có kinh nghiệm khen: Thật khôn ngoan!

05/01/2025 09:39 AM | Giáo dục

Không ít phụ huynh đồng cảm với sự lo lắng này.

Dù còn khá lâu nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội mới diễn ra nhưng trên các diễn đàn, đề tài này đã được bàn tán rôm rả. Với nhiều phụ huynh có con không quá xuất sắc, việc con không vào được trường cấp 3 công lập như kỳ vọng càng khiến họ lo lắng và căng thẳng hơn bao giờ hết.

Một bà mẹ có con sắp thi vào lớp 10 mới đây cũng bày tỏ sự bối rối của mình. Theo chị, một mặt chị tin tưởng con sẽ đỗ cấp 3 công lập, nhưng mặt khác chị cũng muốn chuẩn bị phương án dự phòng trong trường hợp con không đỗ để đỡ bị hoang mang, không biết học ở đâu.

Chị đang tìm hiểu về các trường dân lập, quy trình đăng ký, thời gian nộp hồ sơ, và liệu có thể rút lại tiền đặt chỗ nếu con sau đó đỗ vào công lập hay không.

Nhiều phụ huynh Hà Nội "rần rần" làm điều này trước cả NỬA NĂM, người có kinh nghiệm khen: Thật khôn ngoan!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cẩn tắc vô ưu

Nhiều người nhận xét, bà mẹ này rất thấu đáo và cẩn trọng trong việc chuẩn bị cho con. Những lo lắng của chị hoàn toàn có lý khi mà kỳ thi vào lớp 10 ngày càng có sự cạnh tranh cao, và không phải em nào cũng đỗ vào trường công lập. Việc dự phòng cũng giúp con không phải chịu áp lực lớn, vừa giảm lo lắng cho bản thân.

"Đặt sớm đi ạ. Năm ngoái em muộn trường dân lập nào cũng hết rồi chỉ nhận học sinh giỏi thôi"; "Giờ này thì các trường dân lập đã khởi động tuyển sinh rồi ạ. Phụ huynh có thể đến trường trực tiếp tham khảo", một số phụ huynh nêu ý kiến.

Dù số tiền cọc để giữ chỗ khá lớn, song nhiều phụ huynh "cắn răng" chịu chi nhằm đảm bảo con có một suất vào lớp 10 dự phòng trong trường hợp trượt nguyện vọng trường công. Việc quyết định chi tiền giữ chỗ là lựa chọn, quyết định của mỗi gia đình tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp phụ huynh bỏ cọc, thậm chí bỏ cùng lúc nhiều trường sau khi con trúng tuyển vào trường công lập top đầu.

Do vậy, để hạn chế việc lãng phí trong bỏ tiền đặt cọc, hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu năng lực của con để xác định trường mục tiêu; tìm hiểu rõ về trường mình định đặt cọc (tầm nhìn, định hướng, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, loại hình lớp...) tránh tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến lãng phí.

Trên thực tế, từ cuối tháng 12, nhiều trường tư đồng loạt thông báo tuyển sinh lớp 10 năm học mới.

Chẳng hạn, Trường THPT Đoàn Thị Điểm thông báo phát hành hồ sơ tuyển sinh lớp 10 từ ngày 18/2/2025. Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn công bố tuyển 240 chỉ tiêu lớp 10, hình thức xét tuyển là học bạ THCS. Trường sẽ phát hành hồ sơ tuyển sinh từ ngày 17/2/2025.

Trường THCS và THPT Lý Thái Tổ tuyển sinh 480 học sinh lớp 10 cho năm học 2025-2026. Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu tuyển học sinh cho lớp 10AE (lớp Anh ngữ học thuật tăng cường). Trường Tiểu học, THCS & THPT Ngôi sao Hoàng Mai tuyển sinh 350 chỉ tiêu, trong đó ưu tiên tuyển thẳng học sinh có thành tích xuất sắc...

Một số trường ngoài công lập tổ chức kỳ thi riêng hoặc chỉ xét tuyển bằng điểm thi lớp 10 công lập như Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố cấu trúc, đề minh họa thi lớp 10 của 7 môn học, để học sinh có hướng ôn tập trước kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới. Bảy môn này gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.

Theo công bố, đề Ngữ văn và Toán có hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với 60 phút.

Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 110.000 học sinh đăng ký thi lớp 10. Trong 6 năm qua, có 4 lần kỳ thi được tổ chức với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; năm 2019 và 2021 thi thêm môn thứ tư là Lịch sử.

Năm học 2024-2025, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập của thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 8/6.

Theo Thư Hân

Cùng chuyên mục
XEM