Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ

09/01/2024 10:51 AM | Kinh doanh

Sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh là sản phẩm phụ của mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 1.

Ảnh: Nikkei

Suốt 3 năm qua, đồng USD liên tục tăng giá. Với các nước châu Á, điều này làm tăng áp lực lạm phát và khiến dòng vốn chảy ra khỏi nhiều nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của đất nước họ vào đồng bạc xanh.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói với Nikkei Asia vào tháng trước: “Tăng trưởng tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp và các khoản đầu tư đang đổ về đất nước. Vậy tại sao đồng ringgit lại thấp?

“Điều này đang đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản”, Thủ tướng Ibrahim nói và chỉ tay về phía Washington: “Lý do chính là Fed”.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 2.

Theo nghiên cứu do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ công bố, khoảng 3/4 thương mại châu Á được giao dịch bằng đồng đô la. Khoảng 50%-60% tiền tiết kiệm ở châu Á, bao gồm dự trữ của ngân hàng trung ương, tài sản của quỹ đầu tư quốc gia và tài sản tư nhân, được giữ bằng đồng đô la. Các khoản vay cũng thường được tính bằng đô la.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 3.

Do đó, những thay đổi về giá trị của đồng đô hoặc lãi suất tính theo đồng đô sẽ ảnh hưởng đến tài sản và nợ của châu Á, theo Satyajit Das – cựu nhân viên ngân hàng và đồng thời là tác giả của cuốn “A Banquet of Consequences: Reloaded” và “Fortune’s Fool: Australia’s Choices. Chính sách tài chính và tiền tệ không mấy tích cực của Mỹ khiến sức mua lâu dài của đồng đô la không được đảm bảo.

Giá trị thực tế của các khoản đầu tư bằng đồng đô ở châu Á vẫn còn nhiều nghi vấn. Việc Trung Quốc bán 805 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng do giá chứng khoán sẽ giảm và tỷ giá hối đoái sẽ bị ảnh hưởng. Việc chuyển số tiền lớn về nước như vậy cũng có thể làm mất ổn định giá trị của đồng nhân dân tệ. Các nhà đầu tư lớn khác ở châu Á cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

Điều quan trọng là các khoản thanh toán bằng đô la phải chảy qua hệ thống tài chính của Mỹ. Điều này cho phép Mỹ áp dụng luật của mình đối với các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài. Từ đó, Washington ngày càng sử dụng các biện pháp trừng phạt, hạn chế thương mại và thậm chí tịch thu làm vũ khí kinh tế.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 4.

Tuy nhiên, quá trình phi đô la hóa khó có thể tiến xa trong thời gian tới, Satyajit Das nhận định.

Điều này có thể được giải thích một phần bởi mô hình mà các nhà kinh tế gọi là bộ ba bất khả thi Mundell-Fleming. Mô hình này cho rằng các quốc gia phải lựa chọn giữa việc duy trì chính sách tiền tệ tự chủ, cho phép dòng vốn tự do di chuyển và có tỷ giá hối đoái cố định. Trong đó, chỉ hai trong số ba yếu tố này có thể đồng thời đạt được.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 5.

Ngoài ra, còn có nghịch lý Triffin: để tiền của một quốc gia có thể hoạt động như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, quốc gia đó phải sẵn sàng chấp nhận thâm hụt thương mại lớn để cung cấp đủ nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ bằng đồng tiền đó của thế giới.

Các tiêu chí thiết yếu khác để xác định vị thế của một đồng tiền dự trữ bao gồm thị trường vốn sâu và thanh khoản; chất lượng tín dụng cao; cơ chế thanh toán bù trừ, lưu ký và chuyển nhượng phù hợp; có tính quản trị mạnh mẽ; khả năng thực thi pháp lý của các thỏa thuận; và được chấp nhận toàn cầu.

Các đối thủ tiềm năng, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ và đồng euro, không đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn. Điều này có thể là do những người ra quyết định không sẵn sàng thỏa hiệp việc kiểm soát kinh tế quốc gia ở mức độ cần thiết.

Kết quả là không có sự kế thừa rõ ràng nào cho đồng đô la.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 6.

Một khả năng trong tương lai có thể là một đồng tiền chung châu Á, giống như đồng euro. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã bộc lộ những sai sót cố hữu của phương án này. Các quốc gia châu Á với nền kinh tế và văn hóa rất khác nhau khó có thể chấp nhận sự hội nhập chính trị và tài chính cần thiết để củng cố một khối thống nhất.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 7.

Một lựa chọn khác, được Thủ tướng Anwar và những người khác ủng hộ, là quy định thương mại xuyên biên giới bằng nội tệ nhưng điều này rất khó thực hiện.

Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu mỗi bên sẽ ưa chuộng đồng tiền của mình, dẫn đến bất đồng. Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu giao dịch của được tính bằng đồng rupee, điều này sẽ khiến Trung Quốc có lượng tiền dư thừa của Ấn Độ mà nước này sẽ phải tìm cách giải quyết. Ngoài ra, nếu thương mại được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, Ấn Độ sẽ phải bù đắp cho khoản thâm hụt phát sinh.

Sự phụ thuộc vào đồng đô la của châu Á là sản phẩm phụ của một mô hình kinh tế cụ thể và sự mất cân đối đi kèm mà nó mang lại.

Kể từ khi bãi bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1973, chỉ có Mỹ mới có khả năng hoạt động như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Mô hình phát triển châu Á dựa vào tiết kiệm nhiều, xuất khẩu cao và đồng tiền bị định giá thấp. Người châu Á đã cho phép Mỹ đóng vai trò là người tiêu dùng cuối cùng. Đồng thời, tận dụng tiếp thặng dư thương mại của họ bằng cách đầu tư vào tài sản của Mỹ, từ đó tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của Mỹ một cách hiệu quả. Một số người gọi đây là mô hình “Chimerica”.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 8.

Việc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la sẽ đòi hỏi phải xem xét lại nền kinh tế cơ bản của châu Á, Satyajit Das nhận xét. Tiêu dùng trong nước sẽ cần phải thúc đẩy tăng trưởng và sự phụ thuộc vào xuất khẩu cần phải giảm.

Ngoài ra, tiết kiệm quốc gia cũng sẽ cần phải giảm. Để đạt được điều này có thể cần phải mở rộng mạng lưới phúc lợi vì thói quen tiết kiệm của người châu Á một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chăm sóc người già.

Nhiều nước châu Á tìm cách "cai nghiện" đồng USD: Có thể nhưng không dễ - Ảnh 9.

Sự phụ thuộc vào chi phí lao động thấp – lợi thế cạnh tranh chính của các quốc gia châu Á, sẽ cần phải giảm đi. Tình trạng mất cân bằng thương mại cần được giải quyết bằng cách cho phép điều chỉnh giá trị tiền tệ.

Vì các dòng vốn và thương mại có thể không được cân bằng hoàn hảo giữa các quốc gia nên cần phải phát triển song song các thị trường vốn trong nước và xuyên biên giới bằng các loại tiền tệ châu Á để có thể bơm vốn cho các dòng thương mại và đầu tư. Điều này sẽ đòi hỏi phải giảm bớt rào cản đối với quy định sở hữu nước ngoài.

Các bước thiết yếu khác hướng tới một mô hình kinh tế mới sẽ bao gồm củng cố các thể chế tài chính và cơ sở hạ tầng thị trường, cũng như cải thiện các quy định và quản trị.

Washington sẽ ít có khả năng sử dụng đồng đô la để gây áp lực kinh tế khi cuộc chiến giành quyền thống trị toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định không nên buộc châu Á phải đưa ra lựa chọn giữa hai cường quốc toàn cầu. Để duy trì quyền tự do hành động của khu vực, việc giảm sử dụng đồng đô la trong thương mại và cho tiết kiệm là rất quan trọng.

Để thực hiện được điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi mang tính thách thức sâu sắc đối với các thỏa thuận chính trị, kinh tế và xã hội hiện có. Nhưng châu Á có rất ít sự lựa chọn. Nếu không tìm ra con đường mới, cơ hội tiến tới một thế kỷ châu Á sẽ không còn.

Nguồn: Nikkei

Theo Yến Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM