Nhiều nhà xe bỏ bến, nghỉ chạy vì vắng khách

26/02/2021 08:21 AM | Xã hội

Sau một thời gian dài hoạt động không có khách, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong ngày 25/2 có đến 70% nhà xe đang hoạt động tại bến xe Hà Nội bỏ bến, không hoạt động. Ngoài việc cho người lao động nghỉ việc, hiện nghiều doanh nghiệp vận tải đang đối mặt với các khoản nợ vay ngân hàng mua xe.

“Thấm đòn” COVID-19

Với 20 “lốt” xe hoạt động tại bến Mỹ Đình, bình thường cứ 15 phút nhà xe Sao Việt - thương hiệu hoạt động vận tải của Công ty TNHH Minh Thành Phát có một lượt xe xuất bến đi Lào Cai. Tuy nhiên từ Tết Tân Sửu đến nay, tần suất này được nhà xe tăng lên 120 phút (2 giờ) mới có 1 lượt xe xuất bến, nhưng vẫn vắng khách. Do không có khách, từ đầu năm đến nay, từ 20 lượt xe xuất bến mỗi ngày, hiện nhà xe Sao Việt chỉ duy trì  5 lượt xe/ngày, giảm 75%.

Với mảng xe du lịch, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, để chuẩn bị cho dịp cao điểm tết và mùa du xuân sau Tết Tân Sửu, quý IV/2020 vừa qua, Công ty TNHH Minh Thành Phát đã đầu tư 10 xe chở khách loại hiện đại nhất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bùng phát trở lại, lô xe mới đầu tư của nhà xe Sao Việt hiện phải nằm trong bãi, chưa được lăn bánh chở khách du lịch ngày nào.

Đề cập khoản kinh phí đầu tư lô xe trên, ông Bằng cho biết, với giá trị 4,2 tỷ đồng/xe, đơn vị đã phải chi 42 tỷ đồng cho lô 10 xe trên. “Để huy động được khoản tiền này, 70% số vốn trên chúng tôi phải vay ngân hàng. Theo hợp đồng cam kết với ngân hàng, Công ty có trách nhiệm trả cả gốc và lãi trong vòng 48 tháng (4 năm). Như vậy, tuy xe không chạy nhưng hiện mỗi tháng trung bình cả lãi và gốc đơn vị đang phải trả cho ngân hàng 900 triệu đồng. Đó là chưa kể, lương nhân viên, phí bến bãi...”, ông Bằng nói.

Hợp tác xã vận tải Thăng Long hiện cũng đang có nhiều lốt xe hoạt động tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên hiện chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 40% tần suất. Cụ thể, bến xe Mỹ Đình có 10 lốt chạy đi các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang nhưng hiện đã nghỉ chạy 4 lốt, 6 lốt còn lại hoạt động 50% công suất. Bến xe Giáp Bát có 9 lốt chạy các tuyến Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hoá… Nhưng hiện đang hoạt động chỉ 50% tần suất. Bến xe Nước Ngầm có 7 lốt chạy các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng hoạt động 50% tần suất.

Với Cty TNHH vận tải Việt Thanh, hiện đang có hơn 30 lốt xe hoạt động tại bến Mỹ Đình, chủ yếu chạy các tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng, khi dịch bùng phát, từ sau tết toàn bộ các lốt xe này phải dừng hoạt động.

70% nhà xe bỏ bến

Ngày 25/2, có mặt tại bến xe Mỹ Đình, phóng viên Tiền Phong ghi nhận, nhiều khu vực thường dày đặc xe khách đỗ xếp khách đi các tuyến như Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh… nhưng chiều qua chỉ lác đác xe khách. Một số xe đỗ đến hết thời gian chờ lốt trong bến những vẫn không có khách. Tại các khu vực có cột biển báo đề xe chạy các tuyến như Lào Cai, Quảng Ninh, Tuyên Quang… còn không có xe hoạt động.

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, bình thường bến có 900 lượt xe xuất bến/ngày, nhưng hai tuần qua chỉ khoảng có 400 đến 500 lượt xe xuất bến/ngày (giảm khoảng 50%).

Tại bến Giáp Bát trong ngày hôm qua, chúng tôi cũng ghi nhận, khu vực đón khách của các nhà xe chạy các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… chỉ rất ít xe hoạt động. Khu vực xe khách về các địa phương như: Ninh Bình (từ cột biển hiệu tuyến số A1-17 đến A1-19),Vụ Bản (A1-14), Trực Ninh (cột A1-12)… còn không có xe hoạt động. Mỗi ngày bến có khoảng 800 lượt xe xuất bến, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 300 - 400 lượt xe xuất bến/ngày.

Với bến xe Gia Lâm, bình thường mỗi ngày bến có khoảng 700 lượt xe, nhưng nay chỉ khoảng 200 lượt xe 1 ngày, giảm 70% lượt xe. Ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc bến xe Gia Lâm cho biết, bình thường bến có 170 lượt xe chạy tuyến Hải Dương, 100 lượt chạy tuyến Hải Phòng, gần 100 lượt chạy Quảng Ninh… Khi dịch bùng phát, doanh nghiệp vận tải có xe đang khai thác trên các tuyến này đều phải dừng hoạt động. Với một số tuyến đi đến Quảng Ninh, Hải Phòng, tuy không bị dừng hoạt động, nhưng do khách vắng nên doanh nghiệp cũng dừng chạy xe.

Cùng với các khoản trả gốc, lãi ngân hàng do đầu tư mua xe, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách còn đang đối mặt với nguy bị Sở GTVT Hà Nội phạt, cắt lốt vì bỏ bến quá 30% tần suất hoạt động. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, đây là tình huống bất khả kháng do bến không có khách phải dừng hoạt động chứ không phải doanh nghiệp tự bỏ bến.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, trong ngày 25/2, Hiệp hội đã họp và đi đến thống nhất sẽ có văn bản đề nghị Sở GTVT, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn. Cụ thể, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 cần nới lỏng hoặc bỏ các quy định về phạt giám sát lượt xe hoạt động tại bến theo biểu đồ; giãn các khoản nợ cho doanh nghiệp vận tải...

Cùng với các khoản trả gốc, lãi ngân hàng do đầu tư mua xe, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách còn đang đối mặt với nguy bị Sở GTVT Hà Nội phạt, cắt lốt vì bỏ bến quá 30% tần suất hoạt động. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, đây là tình huống bất khả kháng do bến không có khách phải dừng hoạt động chứ không phải doanh nghiệp tự bỏ bến.

Trọng Đảng

Cùng chuyên mục
XEM