Nhiều người Việt không thể về quê ăn Tết vì Covid-19, các ví điện tử “tranh thủ” ra mắt tính năng lì xì online

01/02/2021 11:27 AM | Kinh doanh

Xu hướng lì xì online bắt nguồn từ Trung Quốc 4-5 năm trước, khi các ví điện tử tại nước này bắt đầu phát triển bùng nổ và có những người nhận đến vài nghìn bao lì xì trong dịp Tết. Trong bối cảnh Covid-19, đây có thể trở thành hình thức được người Việt ưa chuộng năm nay.

Ngay những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến không ít người dân Việt buộc phải ăn Tết trong khu cách ly hoặc lựa chọn không về quê để hạn chế đi qua vùng dịch. Điều này sẽ phần nào làm thay đổi những thói quen ngày Tết truyền thống như đi chúc Tết, lễ chùa hay lì xì.

Nhiều người cũng không khỏi băn khoăn làm thế nào để lì xì cho người thân khi không thể đoàn tụ. Tuy nhiên, có cung ắt có cầu, các ứng dụng lì xì online đã xuất hiện từ một vài năm qua được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong dịp Tết Nguyên đán 2021 này.

Các ứng dụng mừng tuổi online mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng như có thể tự tạo lời chúc, tự tạo những khoản tiền ngẫu nhiên cho người nhận, mừng tuổi qua mã QR, mừng tuổi theo nhóm hay mừng tuổi qua các trò chơi... Đồng thời, gánh nặng về số tiền lì xì cũng sẽ giảm bớt khi người mừng tuổi có thể tặng những khoản tiền nhỏ nhưng mang ý nghĩa biểu trưng, ví dụ như 12.688 đồng - có nghĩa 12 tháng tài lộc và may mắn.

Thay vì tạo ra các ứng dụng chỉ thuần phục vụ mục đích lì xì thì các ví điện tử phổ biến hiện nay như Viettel Pay, MoMo, Airpay,... đã nhanh chân tung ra tính năng mừng tuổi ngay trên ứng dụng của mình.

Viettelpay

Không thể về quê vì Covid-19, người Việt lì xì nhau bằng cách nào? - Ảnh 1.

Ứng dụng này tích hợp tính năng lì xì rất cơ bản, người dùng có thể tạo lì xì và gửi qua các tài khoản khác bằng việc liên kết số điện thoại hoặc mã QR. Tính năng có thể áp dụng theo cá nhân hoặc theo nhóm.

Zalopay

Ứng dụng Zalopay chú trọng đến việc lì xì cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Với thế mạnh nền tảng nhắn tin Zalo có sẵn, việc nhận và tạo lì xì trên ứng dụng này khá đơn giản. Người dùng có thể tạo một gói lì xì và phát ngẫu nhiên cho bạn bè trong nhóm chat, tài khoản cá nhân…

Grab - Moca

Moca là ví điện tử tại Việt Nam được Grab chọn làm đối tác trên siêu ứng dụng của mình, phục vụ cho hoạt động thanh toán không tiền mặt. Mới đây, Grab cũng phát triển tính năng lì xì, tiền lì xì này có thể được dùng cho mục đích di chuyển, mua hàng qua ứng dụng hoặc rút về thẻ.

Không thể về quê vì Covid-19, người Việt lì xì nhau bằng cách nào? - Ảnh 2.

MoMo

Với 23 triệu người dùng, MoMo vốn có kinh nghiệm dày dạn trong việc triển khai các tính năng như trò chơi, tặng tiền, thiệp mừng trên ứng dụng của mình.

Người dùng có hai hình thức để tặng và nhận lì xì. Cách thứ nhất, dùng tính năng chuyển tiền kèm lời chúc, thiệp mừng như thông thường đến qua số điện thoại. Người nhận lì xì có thể giữ nguyên số tiền này trong ví MoMo của mình hoặc chuyển về thẻ ngân hàng.

Không thể về quê vì Covid-19, người Việt lì xì nhau bằng cách nào? - Ảnh 3.

Cách thứ hai là tính năng lắc lì xì mới được MoMo ra mắt, kéo dài từ 28/1 đến 5/3/2021. Khi tham gia, người dùng phải làm các nhiệm vụ được giao. Trong lúc làm những nhiệm vụ, người dùng buộc phải lì xì và đòi lì xì từ bạn bè để hoàn thành nhiệm vụ. Đơn giản hơn, người dùng cũng có thể chỉ lắc điện thoại theo hướng dẫn là đã có cơ hội nhận về những voucher giảm giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng trên app store, Tiki, Lazada,... Ứng dụng đòi hỏi thời gian tương tác khá nhiều, các bước để phát lì xì phức tạp hơn, dù mang đến "tính năng" trộm lu và đặt bẫy khá vui nhộn.

Tổng giải thưởng mà MoMo dành cho người dùng chơi Lắc Xì năm nay lên tới 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi ích mà ví này nhận được cũng có thể không nhỏ. Bằng cách dùng voucher giảm giá làm phần thưởng mỗi lượt lắc điện thoại, đây là cách để đối tác của ví có thể tiếp cận hàng chục triệu người dùng mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí để quảng bá, tiếp thị - vốn khá đắt đỏ dịp Tết.

Airpay

Với mục đích tương tự MoMo, ví điện tử AirPay - vốn là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái của Shopee, cũng tung ra chương trình lì xì nhằm kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử này.

Xu hướng lì xì online bắt nguồn từ Trung Quốc 4-5 năm trước, khi các ví điện tử tại nước này bắt đầu phát triển bùng nổ. Năm 2018, tại Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây, một người đàn ông đã nhận về 3.429 bao lì xì online trong dịp Tết. Tại Trùng Khánh, một người khác lập kỷ lục với việc gửi đi 2.723 hồng bao ảo trong chỉ trong 5 ngày.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM