Nhiều mặt hàng "neo" giá

21/02/2018 08:47 AM | Xã hội

Trưa mùng 5 tháng giêng, nhiều chợ lẻ tại TP HCM vẫn còn ê hề cá thịt, thủy hải sản và rau củ nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn cao.

Ở TP HCM, sức mua tăng đột biến trong những ngày cận Tết để rồi từ mùng 2 tháng giêng rơi xuống đáy và đang rất yếu, dự báo sẽ nhích lên dần trong vài ngày tới.

Chi gần 19.000 tỉ đồng sắm Tết

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết từ số liệu báo cáo mới nhất của các quận, huyện, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cho thấy sức mua thị trường Tết năm nay tăng 10%-15% so với Tết Đinh Dậu 2017, trong đó tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng 20%-30%. Ước tính, tổng doanh thu kinh doanh Tết trên địa bàn đạt 18.679 tỉ đồng, tăng 2.465 tỉ đồng (15,2%) so với Tết nguyên đán năm trước. Trong đó, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt hơn 7.500 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ đồng (16,3%) so với Tết 2017.

 Nhiều mặt hàng neo giá  - Ảnh 1.

Hàng thủy sản dồi dào sau Tết ở TP HCM Ảnh: Nguyễn Hải

Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng, thay cho ăn Tết bằng vui Tết, chơi Tết, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang hiện đại, mua sắm online và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa. Năm nay, sức mua bắt đầu tăng sau ngày 23 tháng chạp. Tại các siêu thị, từ ngày 23 đến 27 tháng chạp, sức mua tăng 100%-150% so với ngày thường; từ ngày 28 đến 30 tháng chạp, thị trường bước vào cao điểm mua sắm, lượng khách đến siêu thị gấp 3-4 lần ngày thường, doanh thu tăng 10%-20% so với cùng kỳ. So với siêu thị, chợ truyền thống tiếp tục lép vế trong mùa Tết. Đến tận 28, 29, 30 tháng chạp, lượng khách đi chợ mới thật sự đông, sức mua tăng 30%-50% so với ngày thường.

Lượng hàng hóa về chợ đầu mối thấp

Đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết (20-2), tổng lượng hàng nhập 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đạt 3.598 tấn/đêm, tương đương 38,9% ngày bình thường.

So với vài ngày trước, sức mua đã nhích dần lên nhưng vẫn còn rất thấp. Từ mùng 2 Tết, một số hệ thống siêu thị mở cửa hoạt động trở lại (hầu hết là mở cửa buổi sáng), dự kiến từ mùng 6 Tết mới hoạt động bình thường. Các chợ cũng mở cửa kinh doanh từ mùng 2 nhưng tập trung ở khu vực kinh doanh thực phẩm, hoa tươi, trái cây.

Gần đến trưa mùng 5 Tết, nhiều chợ lẻ tại TP HCM vẫn còn ê hề cá thịt, thủy hải sản và rau củ. Sức mua vào thời điểm này vẫn chưa cao, người mua vẫn còn thưa thớt. Bà Trần Thị Diệu, một tiểu thương ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), nhìn nhận nguồn hàng sau Tết vẫn về dồi dào, muốn bao nhiêu cũng có, giá cả ở chợ đầu mối cũng không cao so với ngày thường. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, người mua không nhiều, có thể nhiều người vẫn còn nghỉ Tết ở quê. Còn những người ở thành phố thì tranh thủ đi du lịch hay đi viếng chùa ở các tỉnh.

Tại chợ Hòa Bình (quận 5), sáng mùng 5 Tết, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn còn cao so với ngày thường từ vài ngàn đồng cho đến vài chục ngàn đồng/kg tùy loại. Chẳng hạn, phi lê bò 200.000 đồng/kg, thịt đùi bò 180.000 đồng/kg, thịt heo đùi 80.000 đồng/kg, nạc 90.000 đồng/kg, đùi dê 220.000 đồng/kg, nạc dê 320.000 đồng/kg. Các mặt hàng hải sản ở chợ khá nhiều do ít người mua như sò huyết, nghêu, ốc len, ốc hương, tôm càng xanh, tôm sú, hải sâm, mực lá, mực ống, cua biển...

Tại chợ Thái Bình (quận 1), nhiều mặt hàng thực phẩm có giá khá cao so với các chợ lẻ khác. Chẳng hạn, thịt heo đùi đến 100.000 đồng/kg, sườn 170.000 đồng/kg, cua biển 600.000 đồng/kg, cá kèo 120.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 150.000 đồng/kg, cá điêu hồng 90.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 đồng/kg. Các loại rau củ tại đây cũng có giá bán cao hơn các chợ khác vài ngàn đồng/kg.

Đại diện ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn cho biết lượng thịt heo về 2 chợ hiện khoảng 1.700-1.800 con/ngày (ngày thường 7.000-8.000 con/ngày). Lượng heo về giảm mạnh do sức tiêu thụ đang rơi vào thấp điểm. Riêng mùng 4 tháng giêng, 2 chợ này tiêu thụ tương đối tốt, sang mùng 5 yếu hơn nên giá cuối chợ giảm còn 35.000 đồng/kg heo mảnh, trong khi đầu chợ là 44.000-48.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Miền Đông, nhận định vào thời điểm này, các trại nuôi gà công nghiệp vẫn chưa có khách đến lấy hàng nên chưa có mức giá cụ thể. Nguồn gà công nghiệp hiện dồi dào, một số trại do chưa tiêu thụ được nên trọng lượng gà tăng, càng khó tiêu thụ.

Hà Nội: Giá thực phẩm ổn định

Sáng 20-2 (mùng 5 tháng giêng), nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội đã bán hàng trở lại. Tuy nhiên, mới có khoảng 50% quầy hàng mở cửa. Sức tiêu thụ hàng hóa khá tốt do người lao động từ các địa phương đã trở lại thủ đô làm việc và lượng người bán còn ít.

Khác nhiều năm trước, năm nay, giá các loại rau củ, thực phẩm giữ ổn định so với trước Tết, chỉ vài mặt hàng tăng giá nhưng không đáng kể. Tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa), tôm có giá từ 300.000-400.000 đồng/kg, thịt bò từ 300.000 đồng/kg trở lên, riêng thịt heo tăng khá mạnh lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg, ngao tăng giá nhẹ lên 25.000 đồng/kg,... Chị H.V, chủ quầy thịt bò tại đây, bộc bạch: "Tôi mở hàng từ mùng 4 Tết, cũng may là nhập hàng với giá bằng trước Tết nên giá bán ra khá dễ chịu. Nhiều gia đình không còn trữ đồ ăn Tết như trước, lại đến ngày bắt đầu đi làm, khai Xuân, mời bạn bè đến nhà nên có nhu cầu mua. Khách mua không quá đông nhưng từ sáng đến chiều cũng bán hết hàng".

Giá các mặt hàng rau xanh chỉ ngang bằng thời điểm trước Tết 2 tuần do thời tiết ấm áp, rau trồng sinh trưởng tốt. Thậm chí, các mặt hàng rau củ còn tươi ngon hơn trước Tết. Do rau xanh là mặt hàng không trữ được nhiều trước Tết nên sức mua trong 2 ngày mùng 4 và 5 tháng giêng khá lớn. Tại chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân), rau cần chỉ 15.000 đồng/kg, các loại cải mơ, cải cúc chỉ 3.000-4.000 đồng/mớ, su hào 4.000 đồng/củ, hành củ 30.000 đồng/kg. Giá hoa thậm chí còn giảm nhẹ so với trước Tết, như hoa ly 20.000 đồng/cành, cúc và hoa hồng 6.000 đồng/cành. Hoa cúng, cau, trầu… phục vụ đi lễ cũng giữ giá ổn định.

Tuy nhiên, tiểu thương một số chợ lẻ, chợ cóc như chợ tạm Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), Trung Kính (quận Cầu Giấy)… cho biết sức mua thấp hơn nhiều so với ngày thường. Người dân chủ yếu mua xương, thịt bò, một số loại cá và rau xanh về ăn lẩu. Ngoài ra, hoa cúng cũng đắt hàng do nhiều gia đình cúng hóa vàng.

Từ mùng 3 tháng giêng, nhiều cửa hàng bún, phở mở cửa phục vụ khách. Các quán có lượng khách quen lớn chủ yếu bán giá như ngày thường.

Hệ thống siêu thị Big C, Hapro... cũng mở cửa từ mùng 3 tháng giêng. Các mặt hàng được tiêu thụ lớn là rau xanh, củ, quả với mức giá ổn định. Một số cửa hàng quần áo, phụ kiện, cửa hàng online đã mở cửa trở lại và hầu hết đều có quà lì xì cho khách hàng.

Th. Dương

Theo Thanh Nhân - Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM