Nhiều kỷ lục về nắng nóng bị xô đổ ở các quốc gia châu Á
Ngay khi mùa hè vừa bắt đầu, nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị xô đổ ở các quốc gia châu Á. Nắng nóng cực đoan đang tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Châu Á vừa trải qua tháng Tư nóng nhất trong lịch sử
Các chuyên gia quốc tế mới đây đã cảnh báo về tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, nhiệt độ những ngày qua đang dao động trong khoảng 40-41 độ C.
Tiến sĩ Soma Sen Roy - Chuyên gia Cục khí tượng Ấn Độ cho biết: "Nhiệt độ phổ biến ở mức 40-41 độ C trên khắp tây bắc Ấn Độ. Ở một số thành phố thậm chí đạt 43-44 độ C, có khả năng là khi vùng nhiễu động phía tây này di chuyển ra xa về phía đông, có thể sẽ có mưa giông. Sau đó, nhiệt độ lại tăng lên và các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra từ ngày 19-20 trở đi. Nhiệt độ cao ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân Ấn Độ.
Anh Rohit Saini - Người dân Ấn Độ nói: "Thời tiết nóng nực quá, không khí ngột ngạt. Giữa trưa, nhiệt độ cứ trên 40 độ. Việc ra khỏi nhà trở nên khó khăn, chúng tôi thậm chí không thể làm các công việc hàng ngày".
Ngày 13/5, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C và cảnh báo tình trạng thời tiết khô nóng này sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, Philippines đã ghi nhận nền nhiệt đạt đến mức "nguy hiểm" với sự kết hợp giữa nhiệt độ nằm trong khoảng 42-51 độ C và độ ẩm cao. Thủ đô Vientiane của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần qua với nhiệt độ 42,5 độ C. Thái Lan trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C vào cuối tuần trước.
Việt Nam cũng đã báo cáo nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 44,2 độ C vào đầu tháng 5. Ngay cả tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn đã đưa ra những cảnh báo nắng nóng. Đầu tuần này, nhiệt độ ở Bắc Kinh là 36 độ, tỉnh Vân Nam vốn nổi tiếng với thời tiết dễ chịu, thì gần đây cũng có nhiệt độ hơn 40 độ.
Chị Ma Juan - Người dân Trung Quốc cho biết: "Có cảm giác thời tiết nóng nhanh hơn so với các năm trước. Những năm trước tôi đưa con ra ngoài vào thời điểm này nhìn chung không quá nóng, nhưng năm nay bước ra ngoài thì có cảm giác ngột ngạt, đổ mồ hôi rất nhanh. Ban đầu, trời khá mát mẻ, sau đó có cảm giác như thời tiết đột ngột nóng bức, dường như không có giai đoạn chuyển tiếp".
Các cơ quan khí tượng đánh giá, xét theo nhiều tiêu chí, châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Còn trên phạm vi toàn cầu, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thu thập các dữ liệu quan trắc.
Với cảnh báo của các nhà khoa học, năm 2023 có thể đánh dấu thêm một năm nữa nhiệt độ thời tiết châu Á ở mức cao nguy hiểm. Mô hình thời tiết cực đoan gia tăng do tích tụ hiệu ứng nhà kính trong khí quyển. Đáng lo ngại hơn, các đợt nắng nóng kỷ lục được cảnh báo sẽ có khả năng xảy ra nhiều hơn gấp 30 lần so với trước đây.
Các nước đối phó nắng nóng
Để đối phó thời tiết nắng nóng đang diễn ra, một số nước trong khu vực đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn sức khỏe, đồng thời giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.
Thái Lan đã kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Ngoài ra, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới này đã yêu cầu nông dân chỉ trồng 1 vụ trong năm nay thay vì 2 vụ như thường lệ do El Nino có khả năng làm giảm lượng mưa. Nắng nóng cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, do đó, Chính phủ Thái Lan đã giảm giá điện từ 1/5, đồng thời thông qua kế hoạch trợ cấp chi phí điện cho khoảng 23 triệu hộ gia đình trong 4 tháng tới.
Trước dự báo về hiện tượng El Nino, Chính phủ Indonesia đã khuyến khích nông dân và các công ty đồn điền đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan. Các biện pháp đốt nương làm rẫy để khai phá đất đai canh tác sẽ bị cấm trong điều kiện thời tiết khô hạn hơn của năm nay.
Còn tại Ấn Độ, Bộ Lao động nước này yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho người lao động, đặc biệt là những người lao động ngoài trời và thợ mỏ trong điều kiện nắng nóng gay gắt. Một số bang của Ấn Độ cho phép đóng cửa trường học trước 13h, các cơ quan nhà nước chỉ hoạt động trong khoảng từ 7h đến 13h, người dân được khuyến nghị ở trong nhà từ 11 giờ đến 15 giờ.
Hệ lụy từ biến đổi khí hậu
Những biện pháp đối phó với nắng nóng chỉ mang tính chất cấp bách, tạm thời. Bởi thời tiết cực đoan chính là bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với hành tinh của chúng ta. Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng, các hình thái thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Tổ chức Khí tượng thế giới hôm qua cảnh báo, hiện tượng El Nino nóng lên dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới và điều này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có trong giai đoạn từ 2023 đến 2027.
Theo ông Leon Hermanson - Tác giả báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới nhận định: "Những gì chúng tôi dự đoán là El Nino trong mùa đông sắp tới và có thể là một hoặc nhiều mùa đông tiếp theo, khi cộng thêm khí nhà kính và sự nóng lên do nó gây ra, khả năng cao sẽ tạo nên một năm nóng kỷ lục".
Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao tại những nơi như Ấn Độ đang đẩy con người vượt quá một ngưỡng nguy hiểm gọi là giới hạn "bầu ướt". Khi đó, cơ thể không thể tự điều hòa thân nhiệt bằng mồ hôi được nữa, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Biến đổi khí hậu cũng khiến thời tiết khó dự đoán hơn, tháng 4 vừa qua Tây Ban Nha phải đối phó với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ, trong khi sông băng lớn ở Greenland (khu vực Bắc cực) đang tan chảy nhanh hơn nhiều so với dự đoán.
Ông Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức khí tượng thế giới cho biết: "Sự thay đổi đáng kể nhất mà chúng tôi lo ngại sẽ xảy ra là ở Bắc Cực, nơi đã chứng kiến sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn gấp đôi. Trong 5 năm tới, ước tính nhiệt độ ở Bắc Cực sẽ cao gấp ba lần mức trung bình toàn cầu. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy nhiều tác động mạnh mẽ ở đó".
Với mỗi phần nhỏ của 1,5 độ C nóng lên toàn cầu, những tác động sẽ càng tồi tệ hơn. Nhưng các nhà khoa học cho rằng con người vẫn còn thời gian để giảm sự nóng lên toàn cầu bằng việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để hướng tới năng lượng sạch.
Lãnh đạo các quốc gia dự kiến sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc ở Dubai vào cuối năm, ở đó họ sẽ thực hiện "kiểm kê toàn cầu" - đánh giá về tiến độ công việc đang làm với các mục tiêu đã thỏa thuận trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Theo NASA, việc hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 1,5 độ C có thể giúp giảm khoảng 420 triệu người phải tiếp xúc với sóng nhiệt cực đoan.