Nhiều hợp tác xã có doanh thu trên 100 tỷ đồng

12/12/2020 09:15 AM | Xã hội

Thời gian qua, Việt Nam đã có một số hợp tác xã (HTX) quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành, có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng như HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op)..., thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.

Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (KTHT, HTX) năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức ngày 11/12, tại Hà Nội.

 Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, khu vực KTHT, mà nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Trong mỗi giai đoạn khó khăn, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đều có đóng góp quan trọng.

 "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước càng phát triển, khu vực hợp tác xã càng phát triển", ông Phương cho biết. Trong 300 hợp tác xã có doanh thu lớn nhất trên thế giới tập trung nhiều ở Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Có được kết quả này là nhờ sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên, đối đầu khó khăn, thách thức cạnh tranh từ bên ngoài.

 Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, xu hướng hiện nay cũng là liên kết các hợp tác xã với nhau để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Khi các hợp tác xã lớn mạnh có thể tạo bình đẳng liên kết với doanh nghiệp.

 Đồng thời, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã cũng phải có chuyển biến quan trọng thích ứng để phát triển; nhận diện rõ hơn cơ hội để phát triển.

 "Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại khó đoán định, xu hướng bảo hộ đan xen, đại dịch COVID-19 tác động... Đồng thời, chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Để biến thách thức thành cơ hội, các hợp tác xã cần hợp tác liên kết, cùng nhau phát triển", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

 Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về pháp lý, hạ tầng, nhân lực để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.

 Đồng thời, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Theo Phó Thủ tướng, khu vực kinh tế hợp tác là tổ chức kinh tế nên phải có khả năng cạnh tranh, năng động, hiệu quả bền vững, thực sự là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đến năm 2025-2030, Việt Nam cần 10.000 tổ chức kinh tế hợp tác, thu hút 8 triệu thành viên tham gia, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác ứng dụng công nghệ (3.000 mô hình kinh tế hợp tác ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị).

Phó Thủ tướng đánh giá đây là nhiệm vụ nặng nề, vì vậy lãnh đạo các cấp, các ngành phải nhận thức rõ vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính thành lập, giúp hợp tác xã mở rộng quy mô; Rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật, các luật liên quan về thuế, đất đai, bảo hiểm, ngân hàng... Bổ sung sửa đổi chính sách hỗ trợ ưu đãi, thúc đẩy phát triển HTX.

"Mỗi địa phương phải xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp tác xã gắn với kế hoạch phân bổ không gian đất đai, nguồn lực, nguồn nhân lực... cho phát triển hợp tác xã", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Liên minh hợp tác xã Việt Nam theo thẩm quyền để thực sự là chỗ dựa, "ngôi nhà chung" cho hợp tác xã, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, đồng thời có khả năng hỗ trợ cho hợp tác xã.

Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM