Nhiều doanh nghiệp Việt chuộng chiến lược ‘thổi phồng’ chức danh, tuyển Giám đốc yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, thực tế có như mong đợi?
Nhiều nhà tuyển dụng đã lựa chọn phương án thổi phồng chức danh công việc, phổ biến nhất là các vị trí "Quản lý" và "Giám đốc" cho các công việc chỉ yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Song, những chức danh hào nhoáng này không phản ánh chính xác trách nhiệm, cấp bậc, thậm chí mức lương của vị trí, theo Robert Walters.
Theo ghi nhận của công ty cung cấp giải pháp nhân sự Robert Walters tại Việt Nam năm 2023, nhiều nhà tuyển dụng đã lựa chọn phương án thổi phồng chức danh công việc với mức tăng 23% đối với các vị trí có chức danh như "Quản lý" và "Giám đốc" cho các công việc chỉ yêu cầu 2 năm kinh nghiệm.
63% công ty chuộng xu hướng nâng chức danh công việc mong hút người tài
Mặc dù mục tiêu của chiến lược này là để thu hút và giữ chân nhân tài, nhưng kết quả đạt được còn khá nhiều hạn chế. Đây là những quan sát và nhận định từ Robert Walters Việt Nam về xu hướng thổi phồng chức danh công việc.
Việc các công ty lập ra nhiều chức danh hào nhoáng có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn, song cũng đi kèm với tác động không nhỏ như không phản ánh chính xác trách nhiệm, cấp bậc, hoặc thậm chí mức lương của vị trí.
Theo kết quả từ một cuộc khảo sát được thực hiện trên LinkedIn bởi Robert Walters Vietnam vào tháng 1/ 2024, 91% người lao động cho rằng chức danh công việc đóng vai trò từ quan trọng đến rất quan trọng khi ứng tuyển vào một vị trí nào đó. Ngoài ra, 33% người lao động mong đợi có cơ hội thăng chức trong vòng 12 tháng làm việc tại công ty.
Mặc dù nhiều công ty đã thử áp dụng chiến lược quản trị nhân sự bằng chức danh, tuy nhiên tỷ lệ thành công của chiến lược này lại không đồng đều.
Trong số các công ty được khảo sát, 63% công ty cho biết họ đã hoặc đang xem xét áp dụng chiến lược nâng chức danh công việc để thu hút hoặc giữ chân nhân tài. Ngoài ra, 45% công ty cho biết đã đạt được kết quả như mong đợi với chiến lược này.
Chiến lược 'thổi phồng chức danh' - con dao 2 lưỡi
Theo Robert Walters, trong thị trường lao động, việc xác định chức danh không chính xác, hay còn gọi là thổi phồng chức danh, thường không được đánh giá cao vì đối với nhiều nhân sự, chỉ số để phản ánh đúng cấp bậc của một người chính là khả năng quản lý đội nhóm (53%) và tầm quan trọng của công việc (22%).
Đồng thời, 25% cho rằng các chức danh quan trọng như C-level hoặc Trưởng bộ phận cũng phản ánh đúng cấp bậc của một người.
"Việc thổi phồng chức danh công việc có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt, chiến lược này có thể là công cụ hiệu quả để thu hút nhân tài bằng cách khiến họ cảm thấy quan trọng hơn và giá trị hơn trong tổ chức. Mặt khác, cũng cần đảm bảo việc phản ánh chính xác chức danh công việc với trách nhiệm thực tế. Việc phóng đại chức danh có thể dẫn đến sự "hoang mang" giữa các nhân viên về vai trò thực sự của họ cũng như của đồng nghiệp, gây ra tình trạng bỏ sót nhiều công việc và trách nhiệm", ông Phúc Phạm, Giám đốc điều hành của Robert Walters Việt Nam, chia sẻ.
Theo ông Phúc, việc phóng đại chức danh có thể khiến công ty bỏ lỡ cơ hội thu hút những ứng viên tiềm năng và phù hợp với công việc thực sự, những người có thể đóng góp lâu dài cho công ty.
"Đồng thời, điều này còn có thể dẫn đến sự bất mãn và mất động lực cho đội ngũ nhân sự hiện tại. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ việc xác định đúng chức danh tương xứng với vai trò và trách nhiệm sẽ giúp duy trì sự công bằng và rõ ràng trong môi trường làm việc", ông Phúc nói thêm.
Robert Walters cũng cho rằng các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng chiến lược thổi phồng chức danh để thu hút và giữ chân nhân tài, vì điều này có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong tổ chức, làm giảm động lực của đội ngũ nhân viên hiện tại, thậm chí có thể khiến họ rời bỏ công ty sớm.