Nhiều doanh nghiệp rời sàn chứng khoán
Phần lớn các trường hợp hủy niêm yết tại HoSE và HNX do một số nguyên nhân như kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, hoặc BCTC 3 năm liên tiếp có ý kiến ngoại trừ.
Sàn chứng khoán: Đến ít, đi nhiều
Trong tháng 6/2022, sàn HoSE và HNX đều không có cổ phiếu niêm yết mới. Nếu tính từ đầu năm đến nay, HoSE chỉ ghi nhận 5 doanh nghiệp niêm yết là CTCP Điện lực, CTCP Minh Hưng Quảng trị, CTCP Hạ tầng giao thông Đèo Cả, Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP, và CTCP Công trình Viettel.
HNX cũng không khá hơn khi chỉ có 4 đơn vị niêm yết mới gồm: CTCP Đá Hoàng Mai, CTCP Vận tải Transimex, CTCP Bảo vệ thực tế Sài Gòn và mới đây nhất là CTCP Dược liệu Việt Nam.
Trong khi đó, sau mùa BCTC kiểm toán năm nay, hàng loạt doanh nghiệp trên 2 sàn này đã phải hủy niêm yết hoặc nằm trong danh sách hủy niêm yết.
Cụ thể, tháng 5/2022, HoSE cho biết cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia sẽ bị hủy niêm yết do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục (2019, 2020 và 2021). RIC sau đó rời sàn HoSE vào ngày 16/5/2022.
Trước đó, HoSE cũng có quyết định hủy niêm yết bắt buộc với PXI của CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí, do bị thua lỗ trong 3 năm liên tục. Cụ thể, năm 2021, lãi ròng PXI là -30,3 tỷ đồng. Còn theo BCTC kiểm toán năm 2019 và 2020, công ty lỗ lần lượt 10,4 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
Tương tự, PXS phải rời sàn HoSE xuống giao dịch ở UpCOM, do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ với BCTC năm 2019, 2020 và 2021 của công ty, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày 23/6.
Ngoài ra, có thể kể đến một số trường hợp khác như PTL của CTCP Victory Capital, FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân….
Một trường hợp khác là mã VIS của CTCP Thép Việt – Ý hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 22/4. Trước đó, ĐHĐCĐ VIS (ngày 18/1/2022) đã thông qua kế hoạch huỷ tư cách công ty đại chúng và huỷ niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên HOSE.
Trên sàn HNX, trong 8 mã, chỉ duy nhất SIC của CTCP ANI hủy niêm yết với lý do cơ cấu cổ đông tại thời điểm này không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo Luật chứng khoán mới.
7 trường hợp còn lại gồm SD2, VXB, ACM, APP, C92, VIE, HPM hủy niêm yết do BCTC 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) có ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc kiểm toán từ chối cho ý kiến với BCTC.
Cẩn trọng từ cổ phiếu hủy niêm yết
Sau khi phải hủy niêm yết bắt buộc và phải sàn HoSE, HNX, doanh nghiệp sẽ được tự động giao dịch trên sàn UPCOM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn chưa thể khắc phục tình trạng nguyên nhân dẫn đến hủy niêm yết, các cổ phiếu này sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần cho đến khi khắc phục hậu quả.
Ở trường hợp không đáp ứng yêu cầu của sàn UPCOM thì chuyển về sàn giao dịch phi tập trung (OTC) – thị trường nơi người mua/người bán tự giao dịch, nên thanh khoản thường thấp.
Điểm chung ở những cổ phiếu bị hủy niêm yết là đều bị giảm giá rất mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu còn rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Chẳng hạn, sau khi nhận thông tin phải hủy niêm yết (phiên 14/4), cổ phiếu RIC đến ngày giao dịch cuối cùng tại HoSE (phiên 13/5) đã giảm gần 31%. Tương tự, PXI (-37,6%), PXS (-23,1%), VIS (-36%)….
Tuy giảm sâu, song giới đầu tư nhìn nhận vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận dài hạn ở một số mã có “game” tái cấu trúc, mua bán – sát nhập. Trường hợp tiêu biểu là RIC với hình bóng một tập đoàn lớn hoạt động ở lĩnh vực tài chính, bất động sản, ngân hàng, hàng không…
Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐQT RIC là ông Lin Yi Huang (Desmond) và Thành viên HĐQT Nguyễn Khoa Hoàng Anh là 2 thể nhân có liên hệ tới Group kể trên.