Nhiều doanh nghiệp muốn dừng '3 tại chỗ'
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tổng hợp về những khó khăn và các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng của dịch bệnh và cho biết, nhiều hiệp hội, ngành hàng đã kiến nghị về việc điều chỉnh phương án ‘3 tại chỗ’ (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy).
Theo Bộ Công Thương, nhiều hiệp hội, ngành hàng đã kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn hiện tại để duy trì liên tục chuỗi sản xuất trước nguy cơ mất các đơn hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Một khó khăn khác của doanh nghiệp, theo Bộ Công Thương, chính là chi phí sản xuất tăng cao vì ảnh hưởng của dịch.Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc áp dụng phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.
Các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp ở phía Bắc, đang gặp nhiều vấn đề phát sinh mới, ví dụ như điều kiện ăn ở cho công nhân và người lao động không đảm bảo; trong thời gian sinh hoạt ngoài giờ làm việc đã làm nảy sinh nhiều phức tạp và có thể có hệ lụy về mặt tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu.
Cùng với đó, chi phí xét nghiệm tăng cao, thời gian bắt buộc áp dụng phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" có thể kéo dài đã dẫn đến các bất ổn trong nội bộ doanh nghiệp.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp ở phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn nên không đủ điều kiện áp dụng "3 tại chỗ" và nhiều đơn vị buộc phải đóng cửa tạm thời.
Theo Bộ Công Thương, các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương nên xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp phía Nam, với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện "1 cung đường, 2 địa điểm", không nên yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ".
Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra lây lan dịch bệnh.
Về việc thực hiện "3 tại chỗ", Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT báo cáo về việc chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ". 70% doanh nghiệp thuỷ sản khó thực hiện 3 tại chỗ nên đã ngưng sản xuất.
Theo VASEP, dù hoạt động được nhưng các doanh nghiệp đáp ứng "3 tại chỗ" cũng cực kỳ khó khăn trong duy trì sản xuất, vì chi phí tăng vọt. Cùng với đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
VASEP và các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, việc thực hiện "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong ngắn hạn, chỉ có thể kéo dài 2-3 tuần với các doanh nghiệp quy mô vừa, các doanh nghiệp lớn hơn cũng chỉ duy trì được tối đa 4-5 tuần.