Nhiều doanh nghiệp '3 tại chỗ' thành ổ dịch mới
Nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” (tự lo ăn, ở và bố trí làm việc tại nơi sản xuất) ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang trở thành ổ dịch mới khi hàng loạt công nhân được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Các doanh nghiệp (DN) đang hết sức lúng túng và kêu cứu.
Hàng loạt ca dương tính
Ông Cheng Jiafu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Timberland (Thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, từ ngày 17/7 đến nay, công ty thực hiện “3 tại chỗ” với 1.478 lao động ở lại ký túc xá. Khi chuyển vào nhà máy để ăn, ở và sản xuất, Cty tiến hành xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân và phát hiện 233 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, đã có 65 trường hợp tại công ty được đưa đi điều trị, 168 lao động còn lại đang ở trong ký túc xá của công ty.
Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Công ty Long Việt) TP Dĩ An, Bình Dương có 300 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, Công ty yêu cầu công nhân có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được đăng ký ở lại và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch để tiến hành sản xuất. Ngày 20/7, một thợ điện sau hai lần test nhanh và xét nghiệm PCR đều có kết quả dương tính. Sau đó, ngày 21/7, Công ty Long Việt hợp đồng với Phòng khám quốc tế Long Bình xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân. Kết quả, có 248 người dương tính với SARS-CoV-2. Tối cùng ngày, cơ quan chức năng TP Dĩ An đã đến công ty, tổ chức đưa F0 đi điều trị. Riêng 40 người F1 có kết quả âm tính, cơ quan y tế TP Dĩ An yêu cầu tiếp tục thực hiện 5K và tiến hành phun khử khuẩn toàn công ty.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Nội thất New Fortune (khu công nghiệp - KCN Nam Tân Uyên mở rộng) cho biết, từ khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” đến nay, công ty đã phát hiện 37 ca dương tính, DN đã có đơn gửi UBND TX Tân Uyên và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TX Tân Uyên để sớm đưa các trường hợp F0 đi điều trị và F1 được đi cách ly tập trung hoặc về tự cách ly theo hướng dẫn. Đến chiều 28/7, ngành chức năng đã đến đưa những công nhân mắc COVID-19 đi điều trị.
Ngày 29/7, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, hiện tại còn một số DN đang gặp khó trong việc đưa các trường hợp F0 đi điều trị. Từ đó, công tác thực hiện “3 tại chỗ” trong DN có F0 gặp nhiều khó khăn.
Tại Đồng Nai, các DN “3 tại chỗ” cũng đang ngồi trên lửa khi những ngày qua phát hiện nhiều trường hợp công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, qua xét nghiệm nhanh 52 lao động tại Cty Friwor (KCN Amata), ngành y tế đã phát hiện 20 trường hợp dương tính. Tại Cty Unipax (KCN Amata) có 6 trường hợp dương tính; tại Cty Tuico (KCN Hố Nai- Trảng Bom) có 5 ca dương tính. Tại huyện Nhơn Trạch có 2 DN có nhiều ca nhiễm. Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, ngoài số ca dương tính được phát hiện qua xét nghiệm diện rộng tại các ổ dịch trong các khu vực phong tỏa, ngành y tế ghi nhận các chùm ca dương tính trong các DN đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Giấu dịch và lỗ hổng xét nghiệm nhanh
Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang kiểm tra, đánh giá nguyên nhân phát sinh các ca dương tính trong các DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” để có những điều chỉnh thích hợp, tránh đứt gãy sản xuất của DN và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành y tế, mặc dù các DN đã xét nghiệm sàng lọc và thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng việc xét nghiệm nhanh, xét nghiệm ngẫu nhiên thì nguy cơ bỏ sót ca dương tính vẫn khá cao.
Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm COVID-19 rất nhanh nên khi có một ca, sau một tuần đã có thể hình thành ổ dịch với quy mô vài chục ca. Vì vậy, dù nhiều ổ dịch đã quản lý và DN đã thực hiện “3 tại chỗ” nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca dương tính mới. Điều đó cho thấy phải tăng tốc độ xét nghiệm PCR diện rộng. Mặt khác, một số DN thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng nơi đông nhân công, không bảo đảm giãn cách dễ dẫn đến lây nhiễm hàng loạt.
Trong khi đó, tình trạng giấu dịch đang xảy ra tại một số DN. Ngày 29/7, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến ca mắc COVID-19 tại Công ty Cổ phần gỗ Long Việt, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An nói rằng, DN không báo cáo kịp thời cho địa phương khi phát hiện công nhân dương tính SARS-CoV2. “Ngày 22/7, khi nhận được thông tin không phải do công ty báo, tôi đã chỉ đạo công an, y tế vào làm việc, lúc đó mới phát hiện sự việc. Nếu công ty báo sớm, chúng tôi đã xuống xử lý ngay. Biên bản vi phạm đã được lập và sẽ xử lý sau khi việc phòng chống dịch trong công ty ổn định”, ông Bảy cho biết. Theo ông Bảy, DN này bị xử lý vì “không cung cấp thông tin phòng chống dịch cho địa phương và không hợp tác trong phòng chống dịch theo quy định”.
Không để xảy ra tình trạng thả dịch về cộng đồng
Ông Phạm Văn Cường, Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, người lao động ở thời điểm xét nghiệm COVID-19 thì đang mang mầm bệnh sau đó mới phát bệnh và lây nhiễm là điều khó tránh khỏi và trong quá trình tiếp tục tầm soát trong DN mới phát hiện được. Hiện tại, ngành chức năng đang thống kê số lượng lây nhiễm trong các DN hoạt động 3 tại chỗ để có hướng xử lý phù hợp. Theo ông Cường, DN có ca nhiễm phải tạm dừng sản xuất để cơ quan chức năng truy vết, khử khuẩn, công nhân về nơi cư trú thì cũng phải thực hiện xét nghiệm, đảm bảo âm tính mới cho về cộng đồng. Ban Quản lý sẽ thông báo với địa phương tiếp tục thực hiện giám sát, cách ly theo quy định.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX Tân Uyên cho biết, ngay khi nhận được thông tin DN “3 tại chỗ” trên địa bàn có F0, ông đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đến hỗ trợ DN. “Thị xã đã gửi văn bản đến các DN để hướng dẫn công tác phối hợp xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19; Đồng thời, đề nghị DN muốn dừng hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” phải có kết quả xét nghiệm khẳng định người lao động âm tính mới cho về nơi cư trú để đảm bảo an toàn”, ông Tươi nói.