Nhiều cô gái tại Mỹ trở thành nạn nhân của trò quấy rối thông qua tính năng AirDrop trên iPhone

08/10/2018 15:00 PM | Xã hội

Một xu hướng quấy rối mới đang nổi lên tại Mỹ, nó được gọi là "cyber-flashing".

Một xu hướng quấy rối mới đang nổi lên tại Mỹ, nó được gọi là "cyber-flashing". Những kẻ quấy rối gửi hình ảnh nhạy cảm cho những người lạ mà chúng thấy, thông qua tính năng AirDrop trên iPhone. Trong khi các nạn nhân không hề chấp nhận việc nhận những hình ảnh này.

Tính năng AirDrop rất hữu ích trong việc cho phép người dùng chuyển nhanh các file ảnh và tập tin giữa các thiết bị iPhone, iPad và Mac, chỉ cần kết nối Wi-Fi và Bluetooth được bật. Tuy nhiên nữ phóng viên Joanna Stern của Wall Street Journal đã trải qua một sự việc vào sáng thứ sau vừa qua, và cô nhận ra rằng AirDrop có thể bị lợi dụng để quấy rối.

Trên trang Twitter cá nhân, Joanna chia sẻ rằng cô đã nhận được một bức ảnh chụp bộ phận sinh dục đàn ông thông qua tính năng AirDrop, trong khi đang chờ tàu điện ngầm để đến nơi làm việc. Joanna không thể biết được rằng ai đã làm điều này.

Để có thể gửi file ảnh thông qua AirDrop, các thiết bị iPhone hay iPad phải được bật tính năng AirDrop. Có hai lựa chọn là "contacts only" (chỉ kết nối với thiết bị có trong danh bạ), hoặc  "everyone" (kết nối với cả các thiết bị lạ).

Theo mặc định, tính năng AirDrop sẽ được thiết lập là "contacts only". Tuy nhiên trong một số trường hợp bạn cần trao đổi file với một người không có trong danh bạ của mình, bạn sẽ cần chuyển sang thiết lập "everyone". Một số trường hợp sau đó có thể quên tắt AirDrop hoặc không chuyển lại thiết lập thành "contacts only".

Kể từ khi tính năng AirDrop được ra mắt vào năm 2011, một số người dùng iPhone đã phát hiện ra rằng họ có thể gửi bất kỳ thứ gì họ muốn tới một thiết bị iOS hoặc MacOS gần đó, có thiết lập AirDrop là “everyone”.

Báo cáo đầu tiên về việc bị gửi ảnh nhạy cảm quấy rối thông qua tính năng AirDrop là vào năm 2015, một người phụ nữ từ New York bay đến London cho biết trong thời gian chờ tại sân bay đã nhận được một bức ảnh nhạy cảm.

Mặc dù bạn có thể lựa chọn không lưu bức ảnh được gửi đến vào máy, nhưng thông báo bật lên trên màn hình chính vẫn đủ lớn để hiển thị toàn bộ bức ảnh. Do đó mục đích gửi những bức ảnh nhạy cảm để quấy rối vẫn có thể thực hiện.

Ngoài ra nếu từ chối lưu bức ảnh này, sẽ không có bất kỳ bằng chứng nào về việc hành vi quấy rối vừa xảy ra. Những kẻ quấy rối chỉ cần đến những nơi công cộng và tìm kiếm nạn nhân là những cô gái không am hiểu về công nghệ.

Theo TVD

Cùng chuyên mục
XEM