Nhiều chế tài xử phạt bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10

02/10/2020 08:29 AM | Xã hội

Trong tháng 10/2020, nhiều chính sách quan trọng sẽ bắt đầu có hiệu lực như: Chỉ được gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h; Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng; Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can...

Chỉ được gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h

Nghị định 91/2020 có hiệu lực từ 1/10 lần đầu quy định không được phép gọi quá một cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được gọi từ 8h đến 17h mỗi ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận với người sử dụng. Trường hợp vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Nghị định này cho phép mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ. Quy định hiện hành là không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.

Khi người sử dụng đã từ chối nhận, người quảng cáo nếu tiếp tục gửi tin sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi.

Bán hàng xách tay không hoá đơn có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Nghị định 98/2020 có hiệu lực từ 15/10, quy định người kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Mức hiện nay tối đa là 100 triệu đồng.

Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu (hiện nay mức phạt 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng). Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, cột bơm mini...

Nghị định 99 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí có hiệu lực từ 11/10.

Nghị định quy định hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng (trước đây phạt từ 2 đến 4 triệu đồng), trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.

Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp

Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học có hiệu lực từ ngày 20/10.

Đối với học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

N Nga

Cùng chuyên mục
XEM