Nhân viên y tế TP.HCM thôi việc vì bận ngập đầu, lương 'bèo bọt': 1 người lo 17.000 dân
Đó là thực trạng ở Trạm y tế Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nằm trong "top" phường, xã có số lượng dân cư đông nhất TP.HCM.
170.000 dân nhưng chỉ có 10 nhân viên y tế
Với 170.000 người dân sinh sống trên địa bàn, trạm y tế Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) phải phụ trách số lượng dân cư đông nhất TP.HCM nhưng chỉ có 10 nhân viên y tế.
Bác sĩ Phan Thanh Tùng - trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A cho Tuổi Trẻ hay: "Từ công tác tiêm chủng mở rộng, khám lao, điều trị HIV, chăm sóc người già... Rồi trong đỉnh dịch khó khăn nhất là thiếu nhân sự lấy mẫu, điều tra dịch tễ, tiêm chủng vắc xin. Và để đáp ứng nhu cầu của người dân, một người choàng nhiều công việc khác nhau, không khác gì một bác sĩ đa khoa ở bệnh viện".
BS Tùng còn cho hay 10 nhân viên của trạm 6 tháng nay phải ăn ngủ tại trạm, không được về nhà vì còn con nhỏ, mẹ già sợ ảnh hưởng.
"Nhiều tháng nay tôi và các anh em trong trạm chưa được nghỉ ngơi lúc nào, cũng chưa từng gặp mặt các con. Chúng tôi chỉ dám nhìn hình ảnh, nghe tiếng con qua điện thoại. Chúng hay hỏi tôi khi nào bố về? Cũng chỉ biết nói hết dịch bố về, còn khi nào dịch hết thì mông lung quá", bác sĩ Tùng trầm ngâm khi trả lời PV Tuổi Trẻ.
Đáng suy nghĩ hơn là mức lương của các nhân viên y tế tại đây dù khối lượng công việc vô cùng đồ sộ. Lương của bác sĩ Tùng (trạm trưởng với 20 năm kinh nghiệm) chưa đến 6 triệu đồng/tháng, có điều dưỡng làm vài năm mà lương chỉ 4,2 triệu đồng/tháng.
Lương thấp, công việc thì ngập đầu, những nhân viên y tế còn gắn bó tại đây hầu hết đều vì đam mê, lương tâm với nhân dân, với thành phố.
Những bác sĩ nghỉ việc vì mức lương thấp, không đủ để lo cho gia đình khi họ là trụ cột chính cũng khó trách vì họ phải đấu tranh nội tâm dữ dội giữa đam mê nghề nghiệp và cơm áo gạo tiền của cuộc sống.
8 người quản 78.000 hộ dân
Những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19, điện thoại anh Nguyễn Chí Trung (Trưởng trạm y tế phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) rung liên tục vì 100-120 cuộc gọi đổ về mỗi ngày.
Khu vực phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 hiện có 78.000 hộ dân. Tuy nhiên, số nhân viên y tế tại trạm chỉ còn 8 người, tính trung bình 1 nhân viên y tế phải lo cho hơn 9 nghìn dân.
Anh Trung cho PV Doanh nghiệp & Tiếp thị hay: "Tôi tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch rồi về trạm làm. Tính đến nay, mức lương của tôi là 7,5 triệu, có tháng gần 8 triệu. Đây là mức thu nhập quá thấp so với khối lượng công việc ở đây. Mỗi ngày, chúng tôi phải trực điện thoại 24/24, làm việc từ 7 giờ đến 8 giờ tối mới có thể nghỉ ngơi, tắm rửa. Bất kỳ khi nào có người dân đến, nhân viên y tế phải túc trực".
Khối lượng công việc lớn nên thời gian cho gia đình gần như không có. Các nhân viên tại trạm cũng tránh tiếp xúc với gia đình vì hàng ngày tiếp xúc F0 có thể là nguồn lây cho con nhỏ.
Xa nhà lâu mà đồng lương lại ít ỏi, không biết lấy gì để bù đắp cho gia đình là nỗi niềm trăn trở của không riêng anh Trung mà còn của hầu hết các nhân viên y tế tuyến cơ sở.
"Tôi không nhớ hết được số lần mình muốn bỏ việc, nhưng rồi lại thôi. Tôi cố gắng nghĩ "thoáng" ra rằng dù sao mình cũng được gia đình hỗ trợ chuyện con cái, có nhiều người còn khổ hơn tôi nữa kìa. Tuy nhiên, với mức lương và công việc như thế, tôi rất nản", anh Trung nói với phóng viên.
Trước đó, anh Trung từng đề nghị tăng lương nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. Thu nhập của anh vài năm mới tăng được 200-300.000 đồng trong khi khối lượng công việc kể từ khi có dịch Covid-19 chỉ có thể diễn tả bằng từ "quá tải".
Tổng hợp