Nhân viên tín dụng ngân hàng và những áp lực chỉ người trong cuộc mới hiểu
Đằng sau vẻ hào nhoáng của nhân viên ngân hàng là chuỗi ngày “ăn không ngon, ngủ không yên” trước áp lực giải ngân. Ngoài áp lực từ khách hàng, áp lực từ chỉ tiêu, áp lực xử lý công việc thì áp lực pháp lý cũng đang đè nặng lên vai những con người này.
Là một nhân viên tín dụng Ngân hàng, bạn mong muốn điều gì? Mối quan hệ, tiền bạc, công danh hay đơn giản chỉ là kinh nghiệm, trình độ?
Có quá nhiều tham vọng mà một nhân viên tín dụng Ngân hàng nào cũng muốn. Thực tế đặt ra là không phải ai cũng có cơ hội đến một cách tự nhiên nhất. Nếu bạn may mắn và có đủ năng lực bạn sẽ có nó còn nếu không,việc “chạm tay vào điều ước” sẽ đánh đổi rất nhiều.
Mười đồng lợi nhuận không bằng một đồng nợ xấu
Nhân viên tín dụng Ngân hàng đang là một lực lượng trụ cột tại các Ngân hàng thương mại hiện nay. Tuy nhiên, họ là thành phần dễ chịu những tổn thương nhất. Ngoài áp lực từ khách hàng, áp lực từ chỉ tiêu, áp lực xử lý công việc thì áp lực pháp lý cũng đang đè nặng lên vai những con người này. Đây là một trong những lý do khiến nhiều nhân viên ngân hàng đã chấp nhận từ bỏ cơ hội, từ bỏ ước mơ của mình để ra đi vì cái giá của quá đắt.
Một khi nhân viên tín dụng đồng ý đặt bút vào hồ sơ giải ngân, đồng nghĩa cuộc sống của họ đang bị gắn liền với khách hàng, với khoản vay. Có người từng nói: “Không có nhân viên tín dụng giỏi, chỉ có nhân viên tín dụng may mắn”. Khi khách hàng sống tốt, họ cũng sống tốt còn khi khách hàng ốm yếu, nhân viên tín dụng cũng “hắt hơi xổ mũi”, ăn không ngon – ngủ không yên.
Tuy nhiên, không phải lúc nào may mắn cũng đến với bạn. Bạn cho vay, bạn được doanh số, được chỉ tiêu, được mọi người nhìn nhận năng lực tại thời điểm đó. Sau một thời gian, khi khách hàng chẳng may có những khó khăn, bạn sẽ phải sử dụng hết bản lĩnh của mình để tồn tại. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, phần lớn trách nhiệm sẽ thuộc về nhân viên tín dụng. Không ít nhân viên tín dụng chia sẻ rằng “Mười đồng lợi nhuận không bằng một đồng nợ xấu”.
Đâm lao phải theo lao
Trong quá trình làm việc, nhân viên tín dụng phải chịu những áp lực từ việc giải ngân, thu nợ đúng hạn, là những cám dỗ, cạm bẫy từ khách hàng hay thậm chí là cả áp lực từ cấp trên.
Các khách hàng khi có khó khăn họ đều chạy đến ngân hàng kêu hỗ trợ. Họ biết là khi họ có ra sao đi chăng nữa thì Ngân hàng cũng không thể ngồi yên. Có cách hỗ trợ họ đề nghị là hợp pháp những cũng có cách là phi pháp. Ngân hàng hoàn toàn có thể nhận thức được điều này nhưng nhiều trường hợp vẫn phải nhắm mắt làm ngơ.
Khi đó, áp lực đầu tiên sẽ thử thách lên bản lĩnh của nhân viên tín dụng. Họ có thể từ chối nhận tiền, từ chối sự chỉ đạo, chấp nhận làm phật ý cấp trên để đổi lại sự an toàn cùng với một tương lai chẳng mấy tươi sáng. Tuy nhiên, vẫn có người lựa chọn cho mình con đường khác. Họ có tham vọng và chấp nhận làm sai để có được cơ hội cho bản thân.
Ở một cái ngành mà cứ vài tháng là lại thấy có ông nọ bà kia đi tù, vụ nọ vụ kia được phanh phui thì đây là một cái giá quá đắt cho một cơ hội. Khi nhân viên tín dụng đã làm sai, họ sẽ phải loay hoay trong sai lầm mà không thể nào dứt ra được. Càng tồn tại trong cái sự loay hoay này sẽ càng làm cho con người ta trở nên liều lĩnh và bất chấp.
Có thể ban đầu, ước mơ chỉ là một sự trong sáng thì đến lúc đó nó đã có quá nhiều vết nhơ. Nhiều vụ việc khi đã được phanh phui cũng đồng nghĩa với đó là nhiều nhân viên, quan chức vướng vào vòng lao lý. Cái ranh giới giữa tồn tại và lụi tàn là quá đỗi mong manh.
Nhiều nhân viên tín dụng khi được hỏi đều trả lời: “Áp lực lắm nhưng là cái nghiệp, biết phải sao đây. Ngân hàng hào nhoáng vậy thôi nhưng bên trong là biết bao nhiêu cạm bẫy. Đây không phải là nơi để cho những người “yếu tim” thử sức. Cái thời hoàng kim của Ngân hàng giờ nó xa xôi rồi. Hôm nay chúng tôi có thể biết cuộc sống của mình nhưng ngày mai lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”
Trên thực tế, các ngân hàng ra sức tuyển dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là các vị trí tín dụng. Sự đào thải cũng đang diễn ra rất lớn với thời gian ngày càng ngắn lại. Nguyên nhân của vấn đề này phần nào cũng là sự “phũ phàng” của công việc. Những người tồn tại được đó phải là những người may mắn hoặc là những người đã ngã giá.
Quá nhiều bài học đã có và chắc hẳn nó vẫn diễn ra nhiều nữa. Tuy nhiên, người nhân viên tín dụng cần phải có sự bản lĩnh nhìn nhận thực tế, đánh giá tính chất của sự việc để đưa ra quyết dịnh hợp lý nhất. Chỉ khi đó, việc nhúng chàm mới có thể tránh khỏi, người nhân viên tín dụng mới có thể tự tin “chạy bền” trên con đường đã lựa chọn.