Nhân viên quèn nhờ sếp mời bố mình đi ăn, nào ngờ việc đó thay đổi số phận cả công ty

13/01/2019 21:51 PM | Sống

Cả ngày hôm đó, tôi cẩn thận quan sát sếp. Chắc chắn ông ấy không biết tôi, tôi nên mở lời thế nào đây? Liệu ông có chấp nhận yêu cầu nực cười của tôi không?

Yêu cầu kỳ quặc 

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc ở phòng hành chính của một công ty thương mại ở Tô Châu. Công việc hàng ngày là tạp vụ, đánh máy, phô tô và chỉnh lý tài liệu. Tôi cố gắng làm tốt công việc của mình chỉ mong đứng vững được ở thành phố này.

Vì tính cách hướng nội, không thích mạo hiểm nên thường thường hàng ngày ở văn phòng, tôi cũng không nói mấy câu. Các đồng nghiệp đều rất khách sáo với tôi, ai cũng giữ khoảng cách với nhau.

Hôm đó bố tôi gọi điện nói sẽ đến chơi 1 thời gian. Thực ra, tôi biết ông chỉ muốn lên xem tôi sống thế nào, sống ở đâu, môi trường làm việc ra sao, có bạn bè không?

Mẹ tôi mất sớm, một mình bố nuôi tôi khôn lớn. Ký ức tuổi thơ của tôi đều là hình ảnh mình ngồi trên thanh ngang khung chiếc xe đạp Phượng Hoàng của bố, cùng ông đi khắp các dãy phố bán đậu phụ.

Ở thành phố này, tôi không có người bạn nào, làm sao bố tôi yên tâm được? Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định nhờ sếp giúp đỡ.

Cả ngày hôm đó, tôi cẩn thận quan sát sếp. Chắc chắn ông ấy không biết tôi, tôi nên mở lời thế nào đây? Liệu ông có chấp nhận yêu cầu nực cười của tôi không?

Tôi vô cùng thấp thỏm. Mãi đến lúc hết giờ làm việc, tôi mới mặt dày gõ cửa phòng làm việc của sếp. Đây là lần đầu tiên tôi bước vào văn phòng của sếp sau hơn nửa năm làm việc ở công ty này.

 Nhân viên quèn nhờ sếp mời bố mình đi ăn, nào ngờ việc đó thay đổi số phận cả công ty - Ảnh 1.

Thấy tôi bước vào, ông hơi ngờ ngợ hỏi: "Cậu là…?" Tôi lúng túng, lắp bắp nói rõ thân phận của mình. Ông sếp nhìn tôi đỏ mặt mỉm cười nói: "Có chuyện gì, cậu cứ từ từ nói."

Ngập ngừng hồi lâu, tôi nói: "Sếp có thể mời bố tôi đi ăn cơm không? Hoặc là để người phụ trách công ty lấy danh nghĩa công ty mời ông ấy ăn bữa cơm?"

Tôi lấy hết dũng khí kể rất nhiều chuyện của bố con mình: "Bố tôi không yên tâm về tôi, luôn nghĩ tôi phải chịu ấm ức ở bên ngoài. Thực ra cuộc sống của tôi rất tốt, công việc ổn định, cũng được lãnh đạo và đồng nghiệp giúp đỡ…"

Vì căng thẳng, mặt tôi đỏ lựng sợ sếp không đồng ý nên vội lắp bắp bổ sung: "Đương nhiên, tôi sẽ tự chi bữa ăn đó…" Không đợi tôi nói hết, ông nói: "Tối thứ 6 cùng đi ăn được không?"

Tôi sững người, lập tức phấn khích: "Được, được ạ, ngày nào cũng được ạ." "Vậy tốt. Cậu nghỉ phép mấy ngày đưa ông cụ đi chơi loanh quanh. Tôi sẽ bảo lái xe. Mấy ngày tới, cậu cứ dùng xe của công ty mà đi."

Tôi vội vàng xua tay: "Không, không cần đâu, thật sự không cần đâu. Cảm ơn sếp rất nhiều." Không biết nên nói gì, tôi chỉ biết cúi người chào ông. Trước khi hết giờ làm việc ngày thứ 6, anh lái xe đến đưa tôi cùng đến ga tàu hỏa đón bố tới khách sạn.

Anh ấy nói tên khách sạn khiến tôi rất bất ngờ. Đó là khách sạn vô cùng sang trọng ở thành phố này. Tôi chưa bao giờ đến đấy.

 Nhân viên quèn nhờ sếp mời bố mình đi ăn, nào ngờ việc đó thay đổi số phận cả công ty - Ảnh 2.

Mọi người nói chuyện tự nhiên, cười nói vui vẻ uống rượu cùng bố tôi.

Sáng sớm hai hôm sau, anh lái xe đã đợi dưới tòa nhà tôi thuê trọ, đưa bố con tôi đi thăm thú thành phố xinh đẹp này một vòng.

Hai ngày sau, bố tôi mua vé tàu về quê nói: Trước đây đúng là bố rất không yên tâm, vốn định ở lại 1 thời gian nhưng giờ thấy cuộc sống của tôi rất tốt, ông có thể yên tâm về rồi.

Bài học bất ngờ

Sau khi bố về, tôi chuẩn bị đến cảm ơn sếp nhưng chưa đợi tôi đến tìm thì lãnh đạo đã triệu tập đại hội nhân viên toàn công ty.

Trong đại hội, sếp đã nêu tên tôi. Trước tiên ông xin lỗi vì đã từng không hiểu những nhân viên như tôi rồi cảm ơn tôi đã đề xuất yêu cầu này với mình để ông biết được rằng là một tập thể công ty không chỉ là nơi làm việc mà còn là đại gia đình mà mỗi thành viên đều yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

Ngoài cạnh tranh, thăng tiến, lợi nhuận và phát triển ra, còn nên có sự ấm cúng của gia đình bình thường.

Như vậy mới là một tập thể tốt, một tập thể có thể mãi mãi bước về phía trước. Sau đó, sếp tổng đứng lên cúi gập mình cảm ơn tất cả các nhân viên.

 Nhân viên quèn nhờ sếp mời bố mình đi ăn, nào ngờ việc đó thay đổi số phận cả công ty - Ảnh 3.

Trong tiếng vỗ tay mãi không dứt, tôi đã khóc. Vì sự ấm áp này, từ đó về sau, tôi trở nên tích cực cầu tiến, nhiệt tình, chủ động.

Công ty cũng thay đổi, không chỉ là nơi đầy công việc giữa người với người nữa mà trở nên vô cùng ấm cúng, đồng nghiệp quan tâm lẫn nhau như người thân.

Năm 2009, khi khủng hoảng tài chính xảy ra trên toàn thế giới, rất nhiều công ty thương mại tổn thất nặng nề, thậm chí phá sản nhưng công ty của chúng tôi không những không tổn thất mà còn có lãi nhẹ.

Ba năm sau, tôi đã từ một nhân viên hành chính quèn trở thành giám đốc kinh doanh của công ty.

Tôi luôn nhớ mãi kỷ niệm này và mỗi lần kể cho nhân viên mới nghe câu chuyện đó lại là một lần thực hành khái niệm "sức mạnh của tình cảm chiến thắng tất cả". Đến giờ mỗi cá nhân trong công ty đều nói, đó là bài học quý giá nhất trong cuộc đời họ.

Người trí tuệ ắt khiêm tốn, người lương thiện ắt bao dung, chỉ có kẻ ngu dốt mới hùng hổ hăm dọa người khác, chỉ có kẻ không tốt mới so đo tính toán.

Người hào phóng không phô trương, kẻ phô trương thể hiện sự nhỏ mọn. Người chất phác không hào nhoáng, kẻ hào nhoáng không thật thà. Người thành đạt khiêm tốn, ôn hòa; kẻ kém cỏi cả đời không thể làm được gì.

Người tao nhã thật sự ắt có sự bao dung với vạn vật, lòng khoan dung với chúng sinh; người cao quý thật sự đối diện kẻ mạnh không cao ngạo, có chừng mực; đối diện kẻ yếu đối xử bình đẳng.

Theo Secret China

Theo Hồng Ánh

Cùng chuyên mục
XEM