Nhân viên ngân hàng tiết lộ 7 mẹo dùng thẻ tín dụng siêu uy tín: Điều đầu tiên cứu rỗi bạn khỏi “bẫy nợ nần” bế tắc
Thẻ tín dụng có tốt hay không, còn phụ thuộc vào cách tiêu xài của chủ nhân chúng.
“Có nên dùng thẻ tín dụng hay không?” - Đứng trước câu trả lời này, có người sẽ nói có, nhưng cũng có người lắc đầu.
Với thẻ tín dụng, mỗi người lại có mục đích riêng khi sử dụng chúng. Người thì nói thẻ tín dụng giống như “con dao hai lưỡi”, khiến họ chi tiêu nhiều hơn hay dễ bị lôi kéo vào vòng xoáy nợ nần. Có người lại bày tỏ, nếu biết làm chủ chi tiêu thì thẻ tín dụng mang đến nhiều ưu đãi và là hình thức thanh toán hiệu quả.
Để biết dùng thẻ tín dụng có tốt hay không, hãy cùng chúng tôi lắng nghe câu chuyện của người trong cuộc. Đó là Phương Liên (SN 1995) đang làm nhân viên ngân hàng, sinh sống tại TP. Thủ Đức, đồng thời là chủ nhân của 3 chiếc thẻ tín dụng.
Từng rơi vào “bẫy chi tiêu” khi dùng thẻ tín dụng
Phương Liên đang là chủ nhân của 3 chiếc thẻ tín dụng với các hạn mức khác nhau. Đó là thẻ tín dụng Standard Chartered hạn mức 37 triệu đồng, thẻ tín dụng HSBC hạn mức 50 triệu đồng và thẻ tín dụng Citibank hạn mức 50 triệu đồng.
Có 7 năm kinh nghiệm sử dụng, cô có thể liệt kê ra hàng loạt ưu điểm của chúng. Đó là thanh toán nhanh chóng và tiện lợi; chương trình cashback (hoàn lại tiền) và giảm giá sau khi mua một số sản phẩm nhất định; chương trình trả góp cho một số khoản chi tiêu lớn, từ đó giảm áp lực thanh toán món tiền lớn cùng lúc cho người mua.
Mặt khác, Phương Liên cũng đồng tình với quan điểm, nếu dùng thẻ tín dụng mà không biết kiểm soát chi tiêu thì có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán và mang nợ nần. Nói đâu xa, cách đây 7 năm, trong thời gian đầu mới xài thẻ tín dụng, Phương Liên thường xuyên quẹt hết hạn mức chi tiêu là gần 30 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cô nàng có những khoản “nợ chồng nợ" trong những năm đầu của tuổi 20.
Phương Liên nhớ lại: “Vì mất khả năng trả hết nợ tín dụng nên mình chỉ có thể trả dư nợ tối thiểu. Do mình chọn trả số tối thiểu nên vẫn phát sinh lãi từ khoản nợ, sau đó là ‘lãi chồng lãi’. May mắn đến tầm cuối năm, mình có thưởng nên đã trả đứt khoản nợ. Từ đó, mình bắt đầu chi tiêu có kế hoạch hơn".
Nghĩ lại quãng thời gian đó, Phương Liên rút ra được những bài học để không trở thành “con nợ” của thẻ tín dụng. Cô nàng chia sẻ: “Để hạn chế rơi vào nợ nần thẻ tín dụng, nếu có quẹt thẻ để tiêu dùng thì bạn vẫn phải tính toán khả năng trả nợ vào tháng sau. Bạn chỉ nên tiêu không quá 50% thu nhập của mình trong tháng để còn khả năng nợ.
Khi có thẻ tín dụng trong tay, mình sẽ dễ mắc phải sai lầm là mua những món đồ không cần thiết nên bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi mua. Ngoài ra, nếu sắm những món đồ giá trị lớn như xe máy, tủ lạnh, máy giặt, bảo hiểm,... thì có thể chuyển đổi trả góp, từ đó giảm đi sức ép tài chính".
Đi cùng những “cạm bẫy”, thẻ tín dụng cũng có thể mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn với Phương Liên đó mua trả góp khi trong tay đã không có tiền cho những khoản tiêu dùng giá trị lớn.
Chẳng hạn cách đây 4 năm, do tài chính đã hết sau khi trả tiền mua nhà, cô nàng không còn một đồng để sắm nội thất mới. Khi đó, cô đã dùng thẻ tín dụng để mua trả góp nhiều món đồ như TV, tủ lạnh, máy giặt, sofa, giường đệm, với thời hạn trong 6 tháng, đi kèm lãi suất khá thấp.
“Vì đã chuyển sang trả góp nên áp lực trả nợ của mình được chia nhỏ. Mỗi tháng, mình sẽ tiết kiệm một khoản tiền để trả nợ thẻ tín dụng. Có người nói ‘Áp lực tạo kim cương’ mà. Thời điểm đó, mình hầu như không tiêu xài gì cả, chỉ tập trung trả nợ thôi. Sau 6 tháng, mình trả hết nợ".
Làm sao dùng thẻ tín dụng để không vướng nợ nần, còn tiết kiệm hơn?
Hiện, với 3 chiếc thẻ tín dụng trong tay, Phương Liên dùng chúng với nhiều mục đích khác nhau. Cô nàng dùng thẻ HSBC để trả tiền mua bảo hiểm, thẻ Standard Chartered nhằm chuyển đổi trả góp, còn thẻ Citibank lại dùng để đi siêu thị, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
“Vì mỗi dòng thẻ của từng ngân hàng có những ưu điểm riêng trong chương trình cashback (hoàn lại tiền). Do đó, mình thấy chương trình của thẻ nào tốt thì sẽ dùng thẻ ở khoản tiêu dùng đó ”, Phương Liên nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, bên cạnh thanh toán thuận tiện và chính sách trả góp, cô nàng còn được hoàn lại hơn 2 triệu đồng/năm sau khi mua sản phẩm bằng 3 chiếc thẻ tín dụng. Và dưới đây là 7 lời khuyên của Phương Liên để “làm chủ" thẻ tín dụng, tận dụng hết ưu đãi của hình thức thanh toán này mà không phụ thuộc hay lạm dụng chúng.
- Bạn nên chọn thẻ tín dụng có ngày thanh toán sau ngày nhận lương.
Bởi thời điểm vừa nhận lương, chúng ta sẽ có xu hướng trả nợ trước khi tiêu dùng, từ đó giảm thiểu rủi ro bị nợ tín dụng quá hạn. Ngược lại, nếu ngày thanh toán của thẻ tín dụng rơi vào cuối kỳ lương, bạn sẽ khó kiểm soát đồng tiền của mình. Vì khi đó, chúng ta thường lỡ xài hết lương tháng rồi và mất khả năng trả nợ, dẫn đến có thể hình thành “nợ chồng nợ".
- Khi chọn thẻ tín dụng, bạn nên ưu tiên thẻ có chương trình cashback (hoàn lại tiền) sau khi mua sản phẩm.
- Với những khoản chi tiêu có giá trị lớn hơn 5 triệu đồng, bạn có thể trả góp qua thẻ tín dụng, để giảm bớt áp lực tài chính. Khi đó, bạn nên chọn thẻ có chính sách trả góp với lãi suất 0%. Tuy nhiên, cần nhớ là dù mua hàng trả góp lãi suất 0% thì người dùng vẫn có thể bị mất phí chuyển đổi trả góp.
- Nên chọn thẻ tín dụng có chương trình miễn phí thường niên hoặc hoàn phí thường niên.
- Nên chọn mở thẻ tín dụng của các ngân hàng đang có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút khách hàng. Khi đó, bạn sẽ thường được tặng quà hoặc tiền khi chi tiêu đủ bằng thẻ tín dụng theo quy định của ngân hàng.
- Tuyệt đối không rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, bởi chúng có lãi suất cực cao và dễ hình thành “lãi chồng lãi".
- Cuối cùng, quẹt thẻ tín dụng thoải mái thế nào thì vẫn phải tính toán khả năng trả nợ vào tháng sau. Tránh việc sử dụng thẻ tín dụng “gối đầu", tức tháng trước chưa trả hết nợ nhưng vẫn cà thẻ cho các khoản tiêu của tháng tới. Như thế, bạn sẽ rơi vòng lặp nợ nần, mãi không thể trả hết nợ tín dụng.
Cảm ơn Phương Liên đã dành thời gian chia sẻ chân thành và hữu ích. Chúc bạn đạt được nhiều thành tựu tài chính lớn hơn trong tương lai!