Nhân viên công ty công nghệ chưa muốn trở lại văn phòng
Dù đại dịch đã dần được kiểm soát, nhưng thói quen làm việc của các nhân viên thuộc nhiều tập đoàn công nghệ lớn vẫn chưa thể quay lại như trước.
Chỉ 1/5 số nhân viên muốn đến cơ quan 3 ngày 1 tuần hoặc hơn, số còn lại đều muốn dành thời gian làm việc từ xa hơn là tới văn phòng. Số liệu này do Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ IBM của Mỹ tiết lộ mới đây.
Trong buổi phỏng vấn mới đây, CEO của tập đoàn IBM, ông Arvind Krishna, thừa nhận rằng số lượng nhân viên quay lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng chắc sẽ không bao giờ hơn 60% lực lượng lao động. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự linh hoạt của lĩnh vực công nghệ cho phép điều này.
"Tôi thấy rất thích thú khi các tập đoàn công nghệ tỏ ra linh hoạt và chấp nhận cho nhân viên làm việc từ xa kể cả sau đại dịch. Rất có thể làm việc từ xa sẽ trở thành một xu hướng vĩnh viễn", bà Christine Porath, Giáo sư trường đại học Georgetown, Mỹ, bình luận.
Các nhân viên từ Amazon, Google, hay Facebook đều nói rằng xu hướng làm việc từ nhà giúp họ tiết kiệm thời gian hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Từ Amazon cho tới Google, hay Facebook, các nhân viên đều nói rằng xu hướng làm việc từ nhà giúp họ tiết kiệm thời gian hơn, cụ thể là bớt được trung bình 40 phút đi lại hàng ngày. 77% nhân viên được hỏi nói rằng họ làm việc năng suất và hiệu quả hơn khi ở nhà.
"Đại dịch qua đi, tôi kỳ vọng làm việc từ xa sẽ trở thành một xu thế, thậm chí trở thành tương lai của thị trường lao động. Chỉ 5 - 10 năm nữa, một nửa số nhân viên Facebook có thể làm việc từ nhà", ông Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Meta, chia sẻ.
Điều này thôi thúc các tập đoàn công nghệ phải thay đổi thiết kế văn phòng để lôi kéo nhân viên của mình chăm tới công ty hơn. Cùng với đó, khái niệm hybrid working (mô hình làm việc kết hợp) ra đời, cho phép nhân viên vừa làm việc tại nhà và lên văn phòng vào một số ngày nhất định.
Khi họ tới văn phòng, những công ty công nghệ đã sẵn sàng thay đổi thiết kế, để vừa có không gian làm việc riêng tư, vừa có không gian chung cho làm việc nhóm, trao đổi thông tin, họp online, họp qua ứng dụng Zoom, lại vừa có chỗ thư giãn.
Đặc điểm của văn phòng thế hệ mới này là thiết kế rất linh hoạt. Các khu vực làm việc có thể di chuyển, thay đổi tùy theo nhu cầu và đặc biệt là có tính kết nối rất cao giữa các nhân viên, đồng thời có đủ không gian thư giãn để tăng sức sáng tạo. Các tập đoàn dẫn đầu trào lưu này có Google, IBM hay Salesforce.
83% số người được khảo sát của Accenture nói rằng họ ưa chuộng mô hình hybrid này. Tạp chí Forbes cũng kết luận mô hình làm việc kết hợp giữa nhà và công sở chính là tương lai. Cùng với đó, bất động sản văn phòng kiểu cứng nhắc như trước kia rất có thể cũng sẽ dần lùi vào dĩ vãng.