Warren Buffett: Mất 20 năm để xây dựng uy tín, hủy hoại chỉ cần 5 phút
Trong một lần lái chiếc Lincoln Town đi ngang qua siêu thị đồ nội thất Nebraska lâu năm cùng với đứa con út Peter, tỷ phú Warren Buffett đã dặn dò con một điều hết sức quan trọng trong kinh doanh. Đó là giá trị của một uy tín tốt.
Berkshire Hathaway là một trong số ít những tập đoàn hàng đầu nước Mỹ được xếp hạng A về độ tin cậy và chính nhờ uy tín tốt của nó đã mang lại rất nhiều cơ hội đầu tư.
Nằm trong danh sách Fortune 500 công ty lớn nhất tại Mỹ, lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của Berkshire là đầu tư với vốn liếng luôn được phân bổ vào những doanh nghiệp có khả năng sinh lời tốt nhất.
Hai hình thức chủ yếu mà Berkshire đầu tư là sở hữu một phần và toàn phần. Hiện tại, Berkshire sở hữu toàn phần rất nhiều công ty con, như thương hiệu kẹo See Candies, cửa hàng trang sức Borsheim’s Jewelry, kem Dairy Queen, công ty bảo hiểm GEICO và lần gần nhất là vụ thâu tóm trị giá 37 tỷ trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ và dầu khí, công ty Precision Castpasts.
CEO của Berkshire Hathaway là Warren Buffett. Ông là người trực tiếp đưa ra quyết định vốn của công ty sẽ được rót vào lĩnh vực gì, ngành nghề nào và công ty của ai. Hai yếu tố cho sự quyết định đầu tư vào một công ty của Buffett là tính định lượng và mặt định tính.
Trong khi, định lượng là câu chuyện xoay quanh những con số biết nói thì về khía cạnh còn lại là sự đánh giá về tính cách của nhà quản lý, người sẽ chèo lái công ty để tạo ra lợi nhuận.
Trong cuốn tiểu sử về Warren Buffett, tác giả Rower Lowenstein đã đề cập ba phẩm chất mà Buffett muốn có ở nhà quản lý khi làm việc cho ông bao gồm sự chính trực, nghị lực và sự thông minh.
Tuy nhiên, Buffett cũng lưu ý rằng, “Nhưng nếu không có phẩm chất đầu tiên, thì phẩm chất thứ hai và thứ ba sẽ đẩy nhà quản lý xuống vực sâu”.
Vào thời đại mà sức mạnh của đồng tiền quá lớn khiến cho nhiều người dễ sa ngã hay đứng trước một lựa chọn khó khăn, thì những phẩm chất mà Warren Buffett kêu gọi sự chính trực ở các doanh nhân và lãnh đạo cũng như là tiêu chí đánh giá những ửng cử viên khi ông muốn thuê họ sẽ giúp mọi người vững tin trước cơn bão của kinh tế.
Trong cuốn tiểu sử của Buffett, một giám đốc điều hành từng nói, “Sự chính trực có tầm quan trọng giống như khí oxy vậy. Nếu không có nó, bạn sẽ không thể trụ lại và khó có cơ hội phát triển”.
Một lần nọ, khi ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ, Buffett cũng nói điều tương tự về sự chính trực rằng, “Sự chính trực giống như không khí mà chúng ta đang thở. Nhưng bạn chỉ có thể cảm thấy nó quan trọng cho đến khi không khí biến mất.”
Về sự thẳng thắn, Buffett từng nói, “Nếu sức khỏe của tôi có bất cứ vấn đề gì thì tôi sẽ lập tức đưa tin đó lên trang chủ của Berkshire Hathaway”. Đó là cách chính trực để ông đối xử với các cổ đông như những đối tác thân thiết, vì tất cả họ đều rất quan tâm đến sức khỏe của ông và cũng là “sức khỏe” của cả tập đoàn.
Tỷ phú Warren Buffett vè Tổng thống Mỹ Barack Obama
Sự chính trực sẽ tạo ra một uy tín tốt
Robert Miles, tác giả của cuốn sách Warren Buffett Wealth, cho rằng ngoài sự bận rộn với công việc, Buffett còn khá tất bật tiếp những vị khách đến nhà xin lời khuyên hay được tư vấn.
Các ứng viên địa phương hay các ứng viên có triển vọng làm Tổng thống, thường bay đến Omaha để tìm kiếm lời khuyên và sự ủng hộ từ nhà tỷ phú nước Mỹ vì biết rằng mình sẽ nhận được câu trả lời thẳng thắn từ con người luôn đề cao sự chính trực.
Hay các CEO của các tập đoàn lớn cũng gọi điện hoặc đến thăm ông để mong nhận được sự tư vấn về những vấn đề tài chính và trong nhiều trường hợp còn đề nghị ông đầu tư vào công ty của họ.
Những tập đoàn lớn có Buffett nằm trong hội đồng quản trị thường đề nghị ông đánh giá và phê chuẩn trước các vụ thu mua công ty lớn, như trường hợp của Coca-Cola hay đế chế truyền thông Washington Post. Đó là lý do tại sao mọi người đặt cho ông biệt danh Nhà hiền triết hay nhà thông thái xứ Omaha.
Sự uy tín được xây dựng bởi tính chính trực đã thu hút khá nhiều người hâm mộ đến hỏi lời khuyên từ Buffett. Thậm chí, nó còn từng cứu cả một gã khổng lồ tài chính của Phố Wall tránh khỏi sự phá sản và cùng hàng ngàn nhân viên tránh khỏi nguy cơ mất việc.
Vào đầu những năm 90, cộng đồng tài chính chao đảo vì vụ bê bối trong giao dịch trái phiếu chính phủ Mỹ của ngân hàng Salomon Brothers. Buffett có một khoản đầu tư tại Salomon, cộng thêm mối quan hệ đối tác tốt đẹp đã có, nên khi được đề nghị giữ vai trò CEO tạm thời của công ty khi các lãnh đạo dính vào vụ bê bối đã bị sa thải, Buffett đã đồng ý và ông sẽ chỉ nhận 1 đô la cho công việc này.
Trước phiên tòa của Quốc Hội Mỹ nhắm vào Salomon, Buffett đã sử dụng uy tín của mình để cứu công ty, ông nói, “Làm mất tiền của công ty thì tôi có thể thông cảm, nhưng nếu làm mất uy tín của công ty thì tôi sẽ không khoan dung”.
“Tất cả nhân viên tại Salomon sẽ phải nổ lực để khôi phục uy tín tạm thời bị hủy hoại bời một vài nhà quản lý tham lam”, ông tiếp tục nói trước Quốc Hội. Buffett thay thế toàn bộ các nhà điều hành cấp cao nhất và đặt ra một bộ giá trị đạo đức mới tại Salomon.
Các nhà quản lý của Berkshire luôn đi theo tôn chỉ của Buffett và ông đã nhắc nhở họ sau bài học từ Salomon rằng, “Bạn có thể làm mất tiền, thậm chí rất nhiều, nhưng bạn không được làm mất uy tín, ngay cả một chút uy tín nhỏ. Berkshire đã hưởng lợi trong nhiều lĩnh vực nhờ uy tín đáng tin cậy, trong đó có nhiều vụ mua bán doanh nghiệp thành công lớn. Hãy luôn chú ý tìm kiếm các nhà quản lý và những doanh nghiệp có uy tín lớn để đầu tư hay mua lại”, trích từ cuốn sách của Miles.
Ngoài ra, ông cũng khuyên bảo các con của mình điều tương tự, “Phải mất 20 năm để xây dựng uy tín, nhưng chỉ cần 5 phút là có thể hủy hoại nó. Nếu con nghĩ đến điều này, con sẽ làm mọi việc khác đi”.