Vì sao Bill Clinton vẫn khiến kẻ cười, người khóc?
12/09/2012 09:41 AM
|
Khả năng khiến người nghe, người xem khóc, cười, vỗ tay và thậm chí nhảy lên vì họ.
Các diễn giả bước lên bục phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ đã minh chứng khả năng có thể khiến người nghe, người xem khóc, cười, vỗ tay và thậm chí nhảy lên vì họ.
Trong số các diễn giả ấy, người nổi bật nhất chính là cựu tổng thống Mỹ - Bill Clinton. Người có bài phát biểu quan trọng tại đại hội với thời lượng gần 50 phút - dài hơn tất cả các bài phát biểu khác - để bênh vực đương kim Tổng thống Barack Obama và chính thức đề cử ông Obama đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử nhiệm kỳ hai vào Nhà Trắng; người có bài phát biểu được đánh giá là hơn hẳn những gì cả đội ngũ tuyên truyền của ông Obama đã làm.
Tất cả diễn giả trong đại hội của đảng Dân chủ đều minh chứng rất hiệu quả sự khác biệt giữa Cộng hòa và Dân chủ là ở chỗ, một bên tôn thờ và ám ảnh vì những người đã đạt giấc mơ Mỹ với một đảng mong muốn đảm bảo rằng, tất cả mọi người đều có thể đạt được giấc mơ ấy.
Sử dụng ngôn từ, khớp chúng lại với nhau và trình bày chúng, truyền cảm hứng cho những người khác không phải là điều nhiều người có thể làm được. Nhưng Bill Clinton lại có thể có một bài phát biểu dễ dàng, đơn giản và tự nhiên giống như mọi người hàng ngày buộc dây giày vậy.
Không bao giờ phải nghi ngờ kỹ năng hùng biện của ông, nhưng lý do tại sao suốt gần 50 phút mà Bill Clinton đứng trên bục phát biểu vẫn đảm bảo gây ấn tượng và hiệu quả lại không đơn giản là vì ông có thể nói đùa, hay vì ông có khiếu ngôn ngữ.
Bill Clinton cơ bản là người “là một người như bạn hơn là một vị tổng thống”. Ông có được sự yêu mến của hàng triệu người không chỉ ở Mỹ mà ở khắp thế giới. Ông lập luận chặt chẽ và lôi cuốn, sử dụng những ngôn từ dễ hiểu mà đôi khi nghe chúng như tứ thơ. Ông khiến người nghe trong đại hội cảm thấy như nghe một người từng trải khôn ngoan nói chuyện ở bữa tối.
Phát biểu của Bill Clinton có ảnh hưởng rất quan trọng bởi ông là thần tượng của một nhóm đông cử tri mà ông Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục, bao gồm người da trắng và tầng lớp lao động, cử tri lớn tuổi ở các bang còn lưỡng lự, cân nhắc với lá phiếu bầu cho một Obama vì tên tuổi, gốc gác, quốc tịch...
Liệu người ta sẽ tin tưởng Sean Hannity (người dẫn chương trình nổi tiếng có thu nhập đứng hàng thứ hai trong lĩnh vực phát thanh ở Mỹ) hay tin tưởng vào Bill Clinton? Người ta sẽ trông chờ vào Rush Limbaugh (một người dẫn chương trình truyền hình có quan điểm chính trị bảo thủ) hay tin vào một vị tổng thống đã tạo ra thời đại hoàng kim của nước Mỹ, khi người dân Mỹ được sống trong hòa bình và thịnh vượng?
Và Bill Clinton khiến người ta hiểu rằng, cái giá cho sự thiếu hiểu biết trong cuộc bầu cử này có thể là rất cao.
Những gì ông đã có thể làm là chứng minh rằng, các giải pháp của Obama không phải là phát xít hay của châu Âu, chúng là những giải pháp Roosevelt, giải pháp Kennedy và dĩ nhiên là giải pháp Bill Clinton. Học thuyết kinh tế Keynes, chăm sóc y tế toàn dân, tập trung vào giáo dục, môi trường và dân quyền đại diện cho chương trình nghị sự Clinton, Kennedy và Roosevelt. Đó hoàn toàn là những ý tưởng Mỹ bắt nguồn từ nhiều thế hệ trong đảng Dân chủ.
Chắc chắn bài phát biểu có một ảnh hưởng, nhưng khi Bill Clinton nhìn vào camera và nói với mọi cảm xúc, sự chân thành ông có thể bộc lộ: "Mọi người, chuyện người Mỹ có tin vào những gì tôi nói hay không có lẽ không quyết định được cuộc bầu cử, tôi chỉ muốn các bạn biết rằng tôi tin tưởng, và với tất cả trái tim mình, tôi tin tưởng điều đó”. Ông có thể lần nữa chứng minh khả năng khác thường trong việc thuyết phục cử tri, để giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử và để giữ lại thành viên của đảng Dân chủ trong Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa.
Theo Thái An
vietnamnet/Huffington Post