Vĩ đại theo cách của Jack Ma (P1)

27/09/2014 08:45 AM |

Hàng xóm thường nhận xét cậu bé Jack Ma là một đứa trẻ nổi loạn và phiền toái, nhưng cũng trưởng thành hơn tuổi.

Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng nhắc rất nhiều tới hai cái tên Jack Ma và Alibaba, tuy nhiên theo những khía cạnh và sự kiện khác nhau. Bài viết này cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể về cuộc đời sự nghiệp của Jack Ma và những điểm mấu chốt trong quá trình doanh nhân này đưa Alibaba trở thành một đế chế thương mại điện tử ở Trung Quốc.

Thời niên thiếu của Jack Ma: Nổi loạn và trưởng thành hơn tuổi

Jack Ma là con trai thứ hai trong số ba người con của một gia đình nghệ sỹ biểu diễn Pingtan (1) ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Hàng xóm thường nhận xét cậu là một đứa trẻ nổi loạn và phiền toái, nhưng cũng trưởng thành hơn tuổi. Mãi tới khi lên 10 tuổi, khi bắt đầu làm quen và yêu thích bộ môn tiếng Anh, Jack bắt đầu ngưng các trò phá phách của mình, thay vào đó hàng ngày cậu đạp xe tới khách sạn Hàng Châu để thực hành nói tiếng anh với khách du lịch. Những ngày tháng đó đã giúp định hình cho cậu bé Jack Ma tầm nhìn rộng lớn về thế giới bên ngoài.

Jack Ma (ngoài cùng bên trái) cùng anh trai và em gái

Lớn lên, do học yếu môn toán, Jack Ma phải thi đại học tới lần thứ ba mới đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Hàng Châu. Tuy nhiên, cậu nhanh chóng tỏ ra là một sinh viên ưu tú và được bầu vào vị trí chủ tịch đoàn thanh niên. Tới khi tốt nghiệp năm 1988, Jack Ma tham gia giảng dạy tiếng anh ở Học viện Kỹ thuật Điện tử Hàng Châu và được đánh giá là một trong những giáo viên giỏi nhất trưởng.

Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng bắt đầu cất cánh, giảng viên trẻ Jack Ma sớm nhìn thấy cơ hội kinh doanh cho mình. Thời gian rảnh rỗi cậu đi bán thuốc, dịch thuật, thậm chí cả chơi chứng khoán. Từ những ngày tháng gian khổ ấy, Jack Ma đã nói với bạn mình rằng “Nếu tới năm 35 tuổi tôi chưa trở thành tỷ phú thì cứ giết tôi đi nhé”.

Trang vàng Trung Quốc và những nỗ lực ban đầu

Lần đầu tiên Jack Ma tới thăm nước Mỹ là vào năm 1995, theo lời mời của một đồng nghiệp tên là Bill Aho. Đó cũng là lúc Jack Ma được làm quen với cái gọi là mạng Internet. Khi ấy Internet đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển, nhưng đối với Ma thì vẫn là một trải nghiệm vô cùng mới lạ.

Trở về nước, Ma thành lập một trong những công ty cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Trung Quốc mang tên China Pages – Trang vàng Trung Quốc. Qua website này, các doanh nghiệp nội địa có thể tìm kiếm khách hàng từ khắp nơi trên thế giới và ngược lại.

Hình minh họa hàm ý Jack Ma là người dẫn đầu kỷ nguyên mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc

Thời gian đầu vô cùng khó khăn do hầu hết người Trung Hoa chưa từng tiếp cận Internet, họ cũng không mặn mà với việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Jack Ma đã phải làm việc như điên, gõ cửa từng ngôi nhà, chụp ảnh, thu thập thông tin và dịch tất cả những thứ đó sang tiếng Anh.

Tuy nhiên, khi China Pages bắt đầu hoạt động ổn định thì công ty của Jack Ma bị buộc phải sáp nhập vào liên doanh viễn thông Hàng Châu do chính phủ quản lý. Ma bị mất quyền kiểm soát đối với công ty của mình. Trong vòng mười bốn tháng sau đó, người đàn ông này mong muốn an phận tại một công ty khác trực thuộc Bộ thương mại Trung Quốc là Infoshare, tuy nhiên cuối cùng máu kinh doanh vẫn nổi lên và Jack Ma xin nghỉ việc.

Chiến lược táo bạo và khác biệt

Ngày 21 tháng 2 năm 1999, Jack Ma mời 17 người bạn của mình tới nhà và nói về những kỳ vọng của mình, về việc Trung Quốc cần có những doanh nghiệp tư nhân như thế nào, và về kế hoạch xây dựng một công ty mang tên Alibaba. Ma giải thích rằng đây là một cái tên mà bất cứ ai cũng biết tới, một chàng trai trẻ luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, tương tự như tôn chỉ hoạt động của công ty Jack Ma, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra thế giới.

Sự nỗ lực và ý chí sắt đá của tập thể nhân viên Alibaba đã gây ấn tượng với nhiều nhà đầu tư, trong đó có Shirley Lin, chuyên viên của ngân hàng Goldman Sachs, và điều này mang lại cho Alibaba khoản đầu tư 5 triệu USD. Tiếp đó, Masayoshi Son, chủ tịch ngân hàng Softbank Nhật Bản cũng rót cho Jack Ma 20 triệu USD. Khác với những ông chủ khác, Jack Ma chia khá nhiều lợi nhuận và cổ phần cho các nhân viên của mình. Điều này giúp ông có được sự gắn bó và tin tưởng của mọi người trong những ngày đầu vất vả nhất.

Thời gian đó, chính phủ Trung Quốc cấm các công ty nước ngoài đầu tư vào những ngành công nghiệp được coi là nhạy cảm, trong đó có dịch vụ Internet. Do đó Alibaba cho phép các nhà đầu tư ngoại mua cổ phần của mình và thu lợi tức theo một mô hình phức tạp gọi là VIE (Variable Interest Entity).Tuy nhiên Jack luôn kiểm soát sao cho quá bán số tài sản của công ty này nằm trong tay hai người sáng lập chủ chốt là ông và Simon Xie.

Các nhà đầu tư ngoại góp vốn vào Alibaba theo một mô hình sở hữu phức tạp mang tên VIE (Variable Interest Entity)

Chú thích:

(1) Pingtan: Một loại hình nghệ thuật kể truyện truyền thống của Trung Quốc

>> Jack Ma: '35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn!'

Hải Hà

Hải Hà

Cùng chuyên mục
XEM