'Trùm' bất động sản Li Ka Shing: Đầu tư vào cổ phiếu công nghệ sẽ thấy mình trẻ trung hơn
Dù ở tuổi 84, người đàn ông giàu nhất châu Á, Li Ka Shing, vẫn ăn uống hùng hổ hơn hầu hết những người chỉ bằng nửa tuổi ông.
Thông thường, ông bắt đầu ngày mới với bữa sáng gồm mì, bánh bao và rau xào, đúng kiểu Hoa, tiếp đó là đọc bản tin sáng, một lượt golf ở gần ngôi nhà ông đã ở 50 năm qua, rồi tới văn phòng của ông trên nóc tòa nhà Cheung Kong ở trung tâm Hong Kong, nổi tiếng vì có một hồ bơi cá nhân và thang máy nhanh nhất thế giới (70 tầng trôi qua vùn vụt trong 45 giây).
Thắng lớn với Facebook
Li chia sẻ: “Một người đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sẽ thấy trẻ trung hơn”. Trong suốt một phần tư thế kỷ qua, ông đã kiểm soát một phần đất đai rộng lớn ở thành phố 7 triệu dân Hong Kong. Tính trung bình, cứ bảy ngôi nhà dân cư ở Hong Kong, thì có một là do công ty ông làm chủ đầu tư. Li còn nắm giữ 70% vận tải cảng biển tại Hong Kong và nắm giữ lượng cổ phần lớn trong các lĩnh vực thiết bị điện và dịch vụ điện thoại di động trên thị trường chứng khoán. Thành công của ông ở Trung Quốc đại lục, đáng kể nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản, cũng rất ấn tượng.
Sự trẻ trung và những quyết định dứt khoát là đặc điểm điển hình ở người đàn ông bát tuần này. Li nói ông chỉ mất năm phút vào tháng 12/2007 khi quyết định đầu tư vào Facebook, dù lúc đó trang mạng xã hội này hầu như chưa tạo ra doanh thu và tự định giá mình khá cao với một công ty công nghệ còn non trẻ: 15 tỉ USD. Cơ hội đến với ông thông qua cộng sự lâu năm Solina Chau, người đứng đầu công ty chuyên kinh doanh công nghệ của Li, Horizons Ventures.
Li ngay lập tức bị lôi cuốn bởi số người theo dõi ngày càng tăng của Facebook và tiềm năng của họ trong các dịch vụ điện thoại di động. Ông đồng ý nhanh chóng bỏ ra 120 triệu USD cho 0,8% cổ phần của hãng. Ông tiếp tục mua thêm một lượng cổ phiếu không công bố từ hãng công nghệ Mỹ này. Với việc Facebook sau niêm yết lần đầu được định giá hơn 100 tỉ USD, Li chắc ăn bỏ túi thêm 1 tỉ USD trong tài sản vốn đã khổng lồ của ông.
Li Ka Shing |
“Một trong những điều thú vị nhất về ông ấy và đội ngũ của ông ấy là họ có ý tưởng rõ ràng về việc họ cho rằng thế giới sẽ đi tới đâu”, Giám đốc điều hành Spotify Daniel Ek, mới 30 tuổi, tức là nhỏ hơn cháu trai của Li, bình luận. “Từ khoảnh khắc ông ấy ra quyết định đầu tư, ông ấy đã đảm bảo rằng chính ông ấy sử dụng Spotify hàng ngày. Đó là năm 2009, trước khi Spotify có ứng dụng cho điện thoại di động. Ông ấy sẽ đặt câu hỏi: Khi nào thì ứng dụng này sẽ xuất hiện trong mọi chiếc xe hơi? Với ông ấy Spotify sẽ có mặt khắp nơi, ông không thấy giới hạn nào cho công nghệ, và tin rằng thế giới sẽ vận động dựa trên điều đó”.
Am hiểu Trung Quốc
Với những mối quan hệ sâu rộng ở châu Á, Horizons cũng là một thỏi nam châm cho các công ty trẻ tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc tiến vào thị trường Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Tôi biết về họ qua những vụ họ đầu tư vào Facebook và Skype, chỉ có thế”, Noam Bardin, tổng giám đốc Waze, một công ty Israel - Mỹ đã nhận khoản đầu tư tổng cộng 30 triệu USD từ Horizons và Kleiner Perkins trong năm 2011, cho biết.
Rất nhanh chóng, ông nhận ra và đánh giá cao tầm nhìn toàn cầu, khả năng ra quyết định nhanh chóng và sự mạnh mẽ của nhà tài phiệt Hong Kong. “Họ là những chuyên gia về Trung Quốc”, theo lời Yahal Zilka, đồng sáng lập công ty Israel Magma Ventures. Zilka khẳng định Horizons đã giúp họ khám phá văn hóa Trung Quốc. Từ đó tới nay ông đã cùng Li khởi động hai công ty công nghệ ở Israel.
Sự thông minh của Li không chỉ nằm ở chỗ ông chọn ai để đầu tư, mà còn bởi việc ông đầu tư thế nào. Ông thường lấp vào chỗ trống giữa những dự án quá rủi ro và quá an toàn, sự cân nhắc mà Norman Winarsky, một phó chủ tịch của công ty đầu tư SRI International và là cựu giáo sư Đại học Stanford, cho là “thung lũng tử thần”. “Li Ka Shing theo đuổi cuộc chơi từ đầu đến cuối”, Winarsky nói. “Ông ấy không chỉ là người lấp chỗ trống. Ông ấy tin rằng công nghệ là tất cả”.
Niềm tin đó đã khiến tài sản của ông phình ra nhanh chóng. “Làm ăn chỉ là ưu tiên thứ hai”, Li nói về việc đầu tư vào các hãng công nghệ. “Quan trọng hơn là chúng tôi học được rất nhiều điều”. Một ví dụ là việc công ty chuyên thiết kế điện thoại di động của ông, INQ, có thể tiếp cận dễ dàng các mẫu điện thoại có những ứng dụng Skype, Facebook và Spotify.
Để hiểu được sự quan tâm bền bỉ của Li với việc học hỏi và giáo dục, cần nhìn lại quá khứ của ông, một cuộc đời rất điển hình cho cuộc đại di cư của người Hoa suốt từ thời những đường ray xe lửa đầu tiên được xây nên ở Mỹ (Nhà sách lớn nhất Thượng Hải, Shanghai Book City, có 0 phiên bản sách không bản quyền về Li và các chiến lược đầu tư của ông). Sinh ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông năm 1928, Li và gia đình li tán trông cuộc chiến tranh Trung - Nhật.
“Khi tôi học tiểu học, những người Nhật ném bom Triều Châu”, Li nhớ lại. Cả gia đình chạy sang Hong Kong gần đó. Không lâu sau khi họ chuyển chỗ ở, bố của Li, vốn là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Trung Quốc, qua đời vì lao phổi. “Đó là trải nghiệm kinh hoàng nhất trong thời thơ ấu của tôi”, Li nhớ lại. “Tôi cũng mắc bệnh, Gánh nặng của nghèo đói, cảm giác không được giúp đỡ và đơn độc bủa vây tôi. Tôi cứ nghĩ liệu người ta có thể thay đổi số phận của mình? Liệu có thể giảm bớt những thử thách trong cuộc đời? Liệu có cơ hội thành công nhờ may mắn?”
Suy nghĩ toàn cầu
Li phải tự tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó mà không có được sự giáo dục chính thức đàng hoàng. Năm 12 tuổi, ông bỏ học và làm thợ học việc trong một nhà máy làm dây đồng hồ. Năm 14 tuổi, ông làm việc toàn thời gian ở một công ty buôn bán đồ nhựa để góp phần nuôi sống gia đình. Năm 1950, Li khởi nghiệp kinh doanh cho riêng mình, làm đồ chơi và đồ gia dụng bằng nhựa. Ông cấu trúc lại việc làm ăn tập trung vào sản xuất hoa nhựa sau khi biết về sự phổ biến của mặt hàng này ở Ý thông qua báo chí.
Li Ka Sing đón tiếp Nữ hoàng Anh
Công ty đầu tiên của ông có đăng ký được đặt tên là Trường Giang, với ý nghĩa Trường Giang là sự tập hợp của vô số những dòng sông nhỏ. Lợi nhuận từ ngành nhựa giúp Li bắt đầu có tiền mua nhà xưởng ở Hong Kong trong những năm 1960, giai đoạn xã hội đầy bất ổn vì những biến động chính trị và đối đầu tư tưởng, và hưởng lợi lớn nhờ giá đất tăng khi tình hình ổn định trở lại.
Li là một người làm từ thiện có tiếng. Năm 2006, ông cam kết hiến một phần ba tài sản cho các dự án từ thiện trên toàn thế giới, tương đương 10 tỉ USD. Tính tới nay, Li đã cho đi 1 tỉ USD vì các mục đích thiện nguyện thông qua Quỹ Li Ka Shing và các quỹ từ thiện tư nhân khác. |
Li không ngừng mở rộng biên giới cho đế chế của ông. Năm 2010, công ty Trường Giang của ông có vụ thôn tính lớn nhất của hãng, mua lại U.K. Power Networks với giá 9,1 tỉ USD. Hãng này hiện đang cung cấp điện cho khoảng 8 triệu người Anh. Hơn một năm sau đó, Trường Giang mua lại Northumbrian Water, cung cấp nước sạch cho 4,5 triệu người ở Anh và dịch vụ xử lý nước thải cho 2,7 triệu người nữa. Hutchison Whampoa thì trả 1,7 tỉ USD vào tháng 2/2012 để mua lại nhà vận hành mạng di động lớn thứ ba ở Úc.
“Người làm kinh doanh không nên hạn chế tầm nhìn trong ngành của họ”, Li nói, giải thích về mối quan tâm của ông với châu Âu khi tình hình đang rất khó khăn ở đây. Thay vào đó, họ “cần một cái nhìn 360 độ và xem xét mọi thứ từ mọi góc cạnh”. Đó là lý do tại sao ngay cả bây giờ, hàng ngày Li vẫn đọc sách khoa học, kinh tế học, chính trị học và triết học. Vào tháng 2, ông đang nghiên cứu lịch sử của một lãnh đạo chính trị nhiều ảnh hưởng dưới thời Minh, Trương Cư Chính.
“Tôi có một cách đơn giản để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn”, ông nói. “Nếu tôi có một kỳ nghỉ hiếm hoi nào đó, tôi sẽ đọc sách suốt”. Sự tò mò về thế giới và cởi mở với tất cả tóm tắt tinh thần của bức tranh thư pháp đằng sau bàn làm việc của ông: “Đặt mục tiêu cao, làm bạn với nhiều loại người, tận hưởng những niềm vui đơn giản, đứng trên cao, ngồi dưới thấp, bước đi vững chãi”.
Tính trung bình, cứ bảy ngôi nhà dân cư ở Hong Kong, thì có một là do công ty của Li Ka Shing làm chủ đầu tư
Chính do ảnh hưởng quá lớn của Li, nhiều người lo ngại đại đế chế của ông ra sao khi ông từ nhiệm. Theo những gì báo chí Hong Kong nói, Li đã sẵn sàng để con trai lớn, Victor, là người thừa kế. Doanh nhân 48 tuổi này hiện là phó chủ tịch và giám đốc điều hành Trường Giang và là phó chủ tịch Hutchison Whampoa. “Nếu tôi nói với Victor trước hai phút rằng tôi sẽ đi nghỉ hai tháng, tôi tự tin rằng công ty sẽ vận hành trơn tru như bình thường”, Li nói về con trai. “Tôi đã dạy nó bằng cách làm gương, làm sao để trở thành thủ lĩnh ngay từ khi còn là một cậu bé”. Con thứ của Li, Richard, được chú ý nhiều hơn, cũng nắm giữ cổ phần của gia đình, nhưng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông của riêng mình.
Tuy nhiên, họ sẽ còn phải đợi một thời gian nữa. “Tôi chưa lên lịch nghỉ hưu. Tôi còn rất khỏe mạnh”, Li nói. Nhưng ông nói thêm là ngay cả nếu có về hưu, máu kinh doanh sẽ vẫn chảy trong ông và ông sẽ tiếp tục theo dõi thương trường cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay.
Theo Trần Trọng