Thế vận mới của các nữ doanh nhân Việt

20/01/2015 08:12 AM |

Thực tế, trong xu thế hội nhập, nữ doanh nhân phải nỗ lực phấn đấu để nâng cao khả năng trên thị trường trong bối cảnh tương quan cạnh tranh giữa doanh nghiệp và thế giới còn khoảng cách khá xa.

Cẩn trọng và tinh tế

Năm 2014 được xem là đại thắng với các nữ doanh nhân, khi họ “san bằng tỉ số” với các doanh nhân nam ở top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Ðiều này cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của doanh nhân nữ trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp, cũng như mở ra một thế vận mới trong năm 2015.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong thế trận cạnh tranh, không có sự phân biệt người điều doanh nghiệp là nam hay nữ. Thị trường vốn dĩ không có sự bình đẳng và cũng không ai đòi hỏi sự bình đẳng.

Tuy nhiên, doanh nhân nữ có những ưu thế nhất định mà người ta gọi đó như là một quyền lực mềm trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Ðó là sự nhạy cảm với thị trường. Sự thận trọng cần thiết không bao giờ là thừa trước một quyết định kinh doanh, giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn. Điều này được chứng minh qua tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thương trường do nam điều hành là 75%, còn nữ là 25%”, bà nói.

Sự tinh tế của doanh nhân nữ được thể hiện rõ nhất trong sự tương giao với các đối tác, biết đặt mình vào cương vị người khác. Bởi trong kinh doanh, triết lý biết mình biết người là rất quan trọng.

“Ngoài ra, nữ doanh nhân còn có khả năng tạo sự đồng thuận trong đơn vị của mình khá tốt, sẽ thu hút được sức mạnh của cả đơn vị trong việc thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp”, bà Lan bổ sung.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc REE, khả năng truyền cảm hứng cho đội ngũ một cách khéo léo chính là sức mạnh của doanh nhân nữ.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh doanhnhansaigon
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc REE.

“Trao quyền cho người quản lý, chấp nhận sự vấp ngã trong đội ngũ quản lý, ai đứng dậy được sẽ rất vững vàng. Chính điều này đã giúp tôi thành công khi quản lý một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vốn ít nữ”, bà chia sẻ.

Thực tế, trong xu thế hội nhập, doanh nhân nữ phải nỗ lực phấn đấu để nâng cao khả năng trên thị trường trong bối cảnh tương quan cạnh tranh giữa doanh nghiệp và thế giới còn khoảng cách khá xa.

Ví dụ, xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015 mới chỉ đứng thứ 68 thế giới. Ngoài ra, các nhân tố thúc đẩy hiệu suất nền kinh tế, trong đó có độ sẵn sàng về công nghệ thì Việt Nam đứng thứ 99, các nhân tố sáng tạo đứng thứ 98, thậm chí đứng thứ 106 về độ tinh tế kinh doanh trên tổng số 144 quốc gia.

Chính trong bối cảnh đó, sự cẩn trọng lại là thế mạnh của nữ doanh nhân.

“Cẩn trọng để tránh thất bại. Tuy nhiên cẩn trọng quá thì mất cơ hội. Nhưng có những lúc vẫn thất bại mặc dù đã cẩn trọng. Tuy nhiên, những khi đối diện với thất bại, doanh nhân nữ có thể xử lý tinh tế hơn doanh nhân nam”, bà Thanh, REE, nhận xét.

Ðại diện REE chia sẻ, dù Công ty đã nhiều lần thất bại, nhưng trải nghiệm đáng nhớ nhất là vào năm 2008 khi REE cung cấp hệ thống cơ công trình cho bệnh viện Việt - Pháp.

“Ðối tác đòi hỏi rất hiện đại. Khi chào giá, REE lại không lường trước được khó khăn. Tuy nhiên phương châm của tôi là ký hợp đồng thế nào thì phải làm đến cùng. Kết quả là REE đã lỗ trên doanh thu 10%. Nhưng thất bại này đã giúp REE tiếp cận được với công nghệ cơ điện đòi hỏi sự vô trùng cao trong lĩnh vực y tế. Tôi không ngại thất bại, miễm là biết vì sao thất bại” bà Thanh kể.

Sức mạnh doanh nhân

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại EU và Bỉ, cho rằng do doanh nhân nữ có chỉ số cảm xúc cao hơn nam, vốn là tố chất rất quan trọng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Khả năng lắng nghe của doanh nhân nữ cũng rất tốt, phù hợp ở vai trò người đứng đầu.

Về nguồn năng lực và sức mạnh nội lực của nữ doanh nhân, bà Cao Ngọc Dung, Tổng Giám đốc PNJ, cho rằng nội lực hấp thu các kỹ năng là rất cần thiết đối với nữ doanh nhân. Những kỹ năng về chuyên môn sẽ có những chuyên gia trong đơn vị thực hiện. Quan trọng là khả năng hấp thu của nội tâm nhà quản lý. Nếu thành công, sức mạnh của doanh nhân sẽ lan tỏa cho các thành viên trong doanh nghiệp.

Bà Cao Ngọc Dung doanhnhansaigon
Bà Cao Ngọc Dung, Tổng Giám đốc PNJ.

“Truyền tư duy tích cực đến tập thể là điều tôi đã làm ở PNJ trong 2 năm qua. Chúng tôi phải phát huy được tư duy tích cực để cả tập thể cùng đem sức mạnh trí tuệ vào phát triển doanh nghiệp”, bà Dung tiết lộ.

Rõ ràng, ảnh hưởng của người lãnh đạo doanh nghiệp đối với nhân viên trong doanh nghiệp là rất lớn, giúp khơi được sức mạnh của từng cá nhân. Thủ trưởng không cần phải giỏi hơn nhân viên của mình, nhưng phải biết về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp để lãnh đạo. Quan trọng là biết khai thác hết tiềm năng của nhân viên. “Nữ doanh nhân có khả năng đặc biệt về đo lường khả năng của con người trong việc hoàn thành công việc được giao” bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.

Đánh giá về sức mạnh nội tâm của nữ doanh nhân, ông Phan Quốc Công, Tổng Giám đốc ICP cho rằng khi chuyển đổi năng lực cá nhân thành năng lực của doanh nghiệp, doanh nhân nữ sẽ có ưu thế hơn. Theo ông, sức mạnh của doanh nghiệp bền vững dựa vào ba yếu tố gồm con người; hệ thống quản trị; và văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để mọi thành viên phát huy tối đa năng lực của mình sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, khả năng lắng nghe của doanh nhân phải tốt để có thể điều phối và lôi cuốn mọi người. “Tạo được ước mơ của từng thành viên nằm trong ước mơ chung của doanh nghiệp. Từ đó, mỗi người phát huy được tối đa năng lực của mình”, ông nghiệm lại.

>> Các nữ doanh nhân Mỹ thường làm gì mỗi buổi sáng?

Theo ĐÌNH BẮC

Cùng chuyên mục
XEM