TGĐ Công ty Chứng khoán VNDirect: 'Tôi muốn già thật nhanh'

12/02/2013 10:03 AM | Nhân vật

Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ khó khăn nhất là tự cân bằng cuộc sống, đặt mục tiêu rõ ràng và vượt qua nỗi cô đơn.

Trở thành tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDIRECT vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng từ khi mới 24 tuổi, Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ khó khăn nhất là tự cân bằng cuộc sống, đặt mục tiêu rõ ràng và vượt qua nỗi cô đơn.

- Bước sang năm thứ hai lãnh đạo công ty ở tuổi đời rất trẻ và vượt qua nhiều sóng gió thị trường, cảm xúc của anh hiện tại thế nào?

- 2 năm vừa qua là thời gian khó rất khó khăn của thị trường chứng khoán do sự sụt giảm cả về thanh khoản lẫn niềm tin với thị trường. Nhiệm vụ chính của tôi trong hai năm qua khi được bổ nhiệm làm CEO của VNDIRECT là tập trung giảm tỷ trọng doanh thu của công ty ở mảng tự doanh và ưu tiên phát triển dịch vụ môi giới, giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Cung bậc cảm xúc thì có nhiều, từ hào hứng, thất vọng, chán nản rồi lại sung sướng.

Còn hiện tại, tôi rất vui, cảm thấy mình may mắn vì có một Hội đồng quản trị dày dạn kinh nghiệm cùng các anh chị trong công ty hỗ trợ nhiệt tình. Nhờ đó, suốt hai năm, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn và VNDIRECT giờ đây cũng đạt được một số thành quả nhất định theo định hướng đã đề ra trước đó.

- Là lãnh đạo trẻ, lại hoạt động trong lĩnh vực nhảy cảm như chứng khoán, khó khăn đặc biệt với anh là gì?

- Điều khó khăn nhất ở vị trí này là mình phải biết tự cân bằng và tự đặt mục tiêu, cộng với sức chịu đựng sự cô đơn trong công việc. Ngoài ra, việc kinh nghiệm sống còn hạn chế cũng khiến khả năng ra quyết định chậm hơn và không tránh khỏi những lúc bồng bột. Chính vì thế nên để làm tốt vị trí này, tôi phải cố gắng già thật nhanh.

Để vượt qua khó khăn tôi phải dựa vào đội ngũ anh chị em ở công ty rất nhiều. Mình xác định sự thành công của mình và công ty là nhờ một đội ngũ đoàn kết, cùng nhau chia sẻ và vượt khó. Tôi luôn xác định mình còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên cố gắng học hỏi từ những anh chị trong, ngoài công ty để có thể đưa ra các quyết định nhanh và tối ưu nhất.

- Vậy những khi cô đơn anh thường tâm sự, chia sẻ cùng ai?

- Vợ và một số anh em bạn bè thân thiết.

- Anh ấn tượng điều gì nhất trên thị trường chứng khoán năm qua?

- Điều hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán năm vừa rồi là sự biến động về cung bậc cảm xúc. Chúng ta có đủ sự dịch chuyển lớn về cảm xúc của nhà đầu tư, từ hy vọng đầu năm đến sung sướng ở tháng 5, rồi bất ngờ sợ hãi và chán nản, sau đó cuối năm lại gặp bất ngờ. Có thể nói, tôi chưa thấy năm nào thị trường chứng khoán trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như năm vừa qua.

- Thị trường chứng khoán năm 2012 trải qua nhiều thời khắc sóng gió, chẳng hạn ngày bầu Kiên bị bắt, đồng thời lại thêm nhiều thông tin liên quan tới Sacombank. Những lúc như thế, anh đã làm gì để định hướng cho công ty mình vượt qua sóng dữ? Và anh rút ra kinh nghiệm gì sau những lần như vậy?

- Thực ra sự kiện bầu Kiên bị bắt gây biến động đến điểm số thị trường nhưng không ảnh hưởng nhiều đến những công ty chứng khoán có sự chuẩn bị vững vàng. Chúng tôi tập trung xây dựng hệ thống quản trị rủi ro từ rất sớm và luôn trù bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đồng thời, việc định hưởng giảm dư nợ vay từ sớm giúp chúng tôi phòng ngừa các rủi ro về thị trường cũng như thanh khoản trong tình huống đó.

Thực tế, những sự kiện như vậy lại là cơ hội lớn cho chúng tôi phát triển tiếp thị phần. Tuy nhiên, qua sự kiện này, tôi cũng rút ra kinh nghiệm quý báu là thị trường luôn có yếu tố rủi ro bất ngờ, cần phải xác lập rõ và chuẩn bị kỹ tinh thần cho công ty cùng hệ thống để đảm bảo khả năng hành xử trước các rủi ro.

- Nhiều công ty chứng khoán đã rút khỏi thị trường, là lãnh đạo một doanh nghiệp chứng khoán, anh cảm thấy thế nào?

- Giai đoạn vừa rồi tôi cảm nhận được sự cạnh tranh khắc nghiệt và quy luật đào thải của thị trường chứng khoán nói riêng cùng lĩnh vực kinh doanh nói chung. Hiện nay, tất cả các công ty đều phải chạy đua phát triển, tăng cường khả năng quản trị và rủi ro.

Những công ty buộc rút phải cuộc chơi, theo tôi nguyên nhân chính là họ thấy làm chứng khoán không có đủ lợi nhuận kỳ vọng. Đầu tư phải có lãi, không có lãi và kỳ vọng phát triển khó khăn thì phải cắt lỗ và dừng cuộc chơi.

- Anh dự báo thị trường chứng khoán năm Quý Tị sẽ ra sao, có những cơ hội và rủi ro nào?

- Tôi luôn nghĩ năm 2013 là thời điểm năng động với thị trường chứng khoán. Kinh tế vĩ mô còn khó khăn, nhưng với những kỳ vọng chuyển đổi, năm 2013 sẽ tạo nhiều cơ hội, thị trường có thể xuất hiện nhiều biến động lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để nắm bắt các cơ hội này, nhà đầu tư cũng cần năng động và linh hoạt để hiện thực hóa lợi nhuận.

Cuộc chơi của thị trường chứng khoán sẽ ngày một phức tạp và khó lường, cơ hội trong năm nay là lãi suất có thể chuyển biến theo hướng tích cực để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời các công ty đầu ngành dựa vào lợi thế của họ để phát triển mạnh. Dù vậy, rủi ro vẫn nằm ở chỗ lạm phát có thể quay lại và nợ xấu ngân hàng vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể, rõ ràng.

- Anh có lời khuyên gì dành cho những người trẻ trong lĩnh vực chứng khoán?

- Theo cảm nhận của riêng tôi, chứng khoán là một nghề khó, tuy nhiên phần thưởng dành cho những ai kiên trì là không nhỏ. Chứng khoán là đỉnh cao của tài chính, lại yêu cầu tri thức cao nên để thành công cần tập trung phát triển kiến thức và trau dồi kinh nghiệm thực tế. Do đặc thù biến động nhanh của nghề, thành công sẽ chỉ đến với những ai thực sự yêu thích và bám trụ để phát triển.

Theo Tường Vi
Vnexpress

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM