Tàu Hitachi suýt chìm, ai cứu?
Hơn 100 năm tuổi, nhưng Tập đoàn điện tử hàng đầu Nhật Bản Hitachi cũng không thể tránh khỏi "cơn sóng thần" suy thoái như những người anh em khác ở xứ sở anh đào.
Năm 2010 đã trở thành vết nhơ đen tối nhất của hãng này khi thua lỗ không chỉ dừng ở mốc 1.000 tỷ yên, tương đương 12,5 tỷ USD. Giữa tâm bão, Hiroaki Nakanishi xuất hiện.
Hiroaki Nakanishi đảm nhiệm vị trí CEO của Hitachi để sửa chữa sai lầm của toàn bộ Tập đoàn và ông đã làm nên kỳ tích.Trở thành một phần của Hitachi từ những năm 1970, Hiroaki Nakanishi hiểu rõ rằng Hitachi chính là xương sống của toàn bộ nền công nghiệp nước Nhật.
Cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ và hệ thống cung cấp năng lượng của người Nhật đều do Hitachi cung cấp. Do vậy, vị CEO nắm trong tay hai tấm bằng Đại học danh giá của ĐH Stanford(Mỹ) và Todai (Nhật Bản) không hề do dự, chèo lái con tàu khổng lồ đang chìm dần này.
Nhà lãnh đạo quyết đoán và táo bạo
Một hệ thống quản trị chính xác và bền vững thì không có lý do gì để phải thay đổi nó, những nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào suy nghĩ đó.
Nhưng Nakanishi thì không, ông sẵn sàng làm khác hoàn toàn với quá khứ. Việc đầu tiên ông thực hiện là không ngần ngại chia tách các bộ phận liên quan đến mảng tiêu dùng như điện thoại di động, linh kiện, phụ tùng máy tính và tivi màn hình phẳng, để tập trung vào mảng cơ sở hạ tầng có khả năng sinh lợi cao hơn như các dự án nhà máy điện, xây dựng đường ray, nhà máy xử lý nước.
Các mảng tiêu dùng dự kiến sẽ chiếm chưa tới 10% doanh thu của Hitachi trong năm tài chính này - gần bằng phân nửa tỉ trọng của cách đây 1 năm. Trong khi đó, các mảng liên quan đến cơ sở hạ tầng sẽ chiếm tới 2/3 tổng doanh thu năm nay và gần 80% lợi nhuận của hãng.
Tiếp đó, Nakanishi đưa quyết định gây ồn ào báo giới khi đề xuất chương trình cắt giảm chi phí. Ông tuyên bố sẽ tiết chế và giữ lại cho Hitachi 450 tỷ yên.
Đầu tiên là rà soát lại tổng thể cơ cấu chi phí của Tập đoàn và cắt giảm mạnh tay tất cả những khoản chi bất hợp lý để cạnh tranh với các đối thủ có thể dự thầu giá rẻ hơn trong những dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Tiếp đó, dự kiến sẽ tăng cường mua vật liệu từ thị trường mới nổi trong khu vực có giá rẻ hơn trung bình 40% so với tại Nhật.
Ông cũng đang tìm cách tiết kiệm chi phí từ việc thuê bất động sản ở Mỹ, nơi tập đoàn Hitachi đang thuê hơn 100 văn phòng cho 28 chi nhánh của mình. Nhiều người cho rằng sự mạnh dạn này Nakanishi đã đúc rút từ thất bại cay đắng trong dự án năng lượng hạt nhân của chính ông năm 2009.
Cú lội ngược dòng" thần kỳ
Không dừng lại ở công tác tiết kiệm chi phí, Nakanishi còn tìm ra nguyên do bộ phận sản xuất ổ đĩa cứng (HDD) mà Hitachi mua lại từ IBM từ năm 2002 sao lại gặp thua lỗ nặng nề.
Nakanishi sáp nhập bộ phận HDD với bộ phận sản xuất đĩa quang, và nhận ra rằng khâu quản trị đã gặp vấn đề, quản trị chất lượng không còn chính xác và sản phẩm đầu ra quá kém để sử dụng.
Ngay tức khắc, vị CEO đã tuyển mộ những nhà lãnh đạo mới cho bộ phận, thực hiện tái cơ cấu và bộ phận HDD đã hồi sinh. Sau 2 năm, mảng kinh doanh HDD đã dần hồi phục và có lãi, Nakanishi nay đã là Chủ tịch của Hitachi đã quyết định bán lại bộ phận này cho Western Digital với giá 4,8 tỷ USD.
Ông không chần chừ khi đặt bút ký bán bởi ông tin rằng sự thay đổi nhanh chóng của mảng kinh doanh này không giúp ích gì cho tập đoàn, thậm chí nó còn là một "khối u lành" không thể chữa khỏi nếu không "cắt bỏ".
Vị chủ tịch quyết đoán của Hitachi xác định rằng hãng này có nguồn thu chính là từ nước ngoài với 2/3 lực lượng lao động và doanh thu từ các nước láng giềng.
Vượt qua sóng gió, Hitachi - nhà sản xuất hàng điện tử lớn nhất Nhật với 121 tỷ USD doanh số bán hằng năm và 900 công ty con, sản xuất mọi thứ từ nhà máy điện hạt nhân cho đến nồi cơm điện.
Lợi nhuận ròng năm tài khóa 2011 được công bố hồi tháng 4 năm nay của hãng này đã đạt tới 4,3 tỷ USD. Chính Hiroaki Nakanishi là người đã tạo ra "cú lội ngược dòng" thần kỳ này!