Sau những cải cách 'bề mặt', Kim Jong un có đột phá gì?

05/09/2012 07:41 AM |

Tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng du học ở nước ngoài, thích ăn pizza, không ngại sánh đôi cùng người vợ trẻ tới các sự kiện công cộng…, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, ông là nhà cải cách.

Thời gian gần đây, dư luận quốc tế xôn xao tin lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, Kim Jong-un đang lên kế hoạch cải cách. Các dấu hiệu của sự cải tổ xuất hiện trong việc nới lỏng sự kiểm soát về mặt tư tưởng.

Trước hết, đó là việc lộ diện người vợ trẻ, xinh đẹp của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, Ri Sol-ju, người được tạp chí New York Times so sánh với công nương Kate Middleton của nước Anh, trước công chúng.
 
Đây là sự đột phá so với truyền thống giấu giếm chi tiết đời tư các thành viên trong gia đình lãnh đạo Triều Tiên. Trước đó, thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, chưa từng có bất cứ bức ảnh hay thông tin nào liên quan đến phu nhân của ông lộ diện trước công chúng.
Ngoài ra, một buổi hòa nhạc theo phong cách đương đại phương Tây diễn ra hồi đầu tháng 7 trên sân khấu Bình Nhưỡng; việc cho phép phụ nữ Triều Tiên đi giày cao gót; người dân được nghe nhạc phương Tây, được mua sắm hàng hóa xa xỉ nhập khẩu và đặc biệt là vụ bãi nhiễm các chức vụ của lãnh đạo quân sự có ảnh hưởng nhất của quân đội Triều Tiên là Tổng Tham mưu trưởng Ri Yong-ho hồi cuối tháng 7 cũng được xem là những dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ tân Chủ tịch Triều Tiên quyết tâm cải cách.
Chưa hết, những chi tiết trên lại được kết hợp với việc ông Kim Jong-un từng du học Thụy Điển, nghiện món pizza, xem kịch Tây, thần tượng các ngôi sao bóng rổ NBA và đặc biệt, “thoáng” hơn cha khi thường xuyên xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện thể thao, văn hóa.
 
Đồng thời, ông cũng nỗ lực xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo thân thiện, cởi mở, khác hẳn so với hình ảnhcha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il.

Không có gì khó hiểu khi tất cả những tín hiệu trên khiến nhiều người lạc quan cho rằng, Triều Tiên đã sẵn sàng mở cửa đối với thế giới bên ngoài.

Tại sao Kim Jong-un không phải nhà cải cách?

Tuy nhiên, trong một bài bình luận mới đây đăng trên tạp chí Foreign Policy, Giáo sư Victor Cha, công tác tại ĐH Georgetown và đồng thời là chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về Triều Tiên của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), lập luận, tân Chủ tịch Kim Jong-un không phải là nhà cải cách của Triều Tiên.

Đầu tiên, ông Victor Cha khẳng định, những dự đoán về sự cải cách của Triều Tiên hiện nay tương tự như những gì từng xảy ra năm 1994, khi ông Kim Jong-il lên thay Chủ tịch Kim Nhật Thành chèo lái Triều Tiên.
 
Lúc ấy, ông Kim Jong-il 51 tuổi. Tuy nhiên, lịch sử chứng minh, chưa từng có bất cứ sự cải tổ nào xảy ra trong suốt giai đoạn ông Kim Jong-il lãnh đạo Triều Tiên .

Và ngày nay, kịch bản đó, theo Giáo sư Cha, sẽ lặp lại một lần nữa.

Với những nỗ lực củng cố quyền lực như hiện nay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm mọi cách để thu phục lòng người, kêu gọi sự trung thành tuyệt đối từ quân đội như ông nội và cha ông từng giành được.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, Chủ tịch Kim Jong-un đang có xu hướng lấy ông nội, Chủ tịch Kim Nhật Thành làm hình mẫu. Ông thường vận áo xanh sẫm kiểu cách Mao Trạch Đông, trang phục mà trước đây Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng thường mặc.
 
Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng có dáng người bệ vệ, kiểu tóc cắt tỉa cao, gọn gàng cũng như tính cách thân mật, gần gũi của ông cũng đều gợi nhớ đến hình ảnh Chủ tịch Kim Nhật Thành.

 
Tân Chủ tịch Triều Tiên thân mật, cởi mở với binh sĩ Triều Tiên.

Không những thế, ông Kim Jong-un cũng đang có xu hướng học tập và kế thừa hệ tư tưởng Juche của ông nội. Tư tưởng này đề cao các nguyên tắc: Độc lập về chính trị (chaju); Tự chủ về kinh tế (charip); Tự cường về quốc phòng (chawi). Ngoài ra, hệ tư tưởng Juche cũng yêu cầu sự trung thành tuyệt đối với đảng và lãnh đạo đảng.

Tuy nhiên, lấy ông nội làm hình mẫu, có nghĩa là ông Kim Jong-un cũng gợi nhớ lại một thời kỳ mà chính quyền Bình Nhưỡng tăng cường truyền bá tư tưởng, vận động quần chúng và thải hồi tất cả các nhân tố nước ngoài độc hại.

Bên cạnh đó, Giáo sư Cha nhấn mạnh, cho dù có muốn cải cách thì ông Kim Jong un cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn, thách thức và thậm chí, đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Đặc điểm của chính quyền Bình Nhưỡng là một chế độ kiểm soát chặt chẽ trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa – tư tưởng. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ những năm 1990 diễn ra và kéo dài dai dẳng, nhiều người Triều Tiên bắt đầu lén lút kinh doanh buôn bán để kiếm sống. Các thị trường chính thức lẫn không chính thức bắt đầu manh nha và phát triển âm thầm, vụng trộm ở Triều Tiên.

Theo một nghiên cứu được công bố năm 2011 bởi Marcus Noland, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế, 60% người Triều Tiên bỏ xứ cho biết, họ phải tự mua lương thực ở các nguồn cung cấp bên ngoài chứ không thể trông cậy vào hệ thống bao cấp của chính phủ.

Hơn nữa, các nhân tố khác của một xã hội hiện đại cũng đang bắt đầu xâm nhập vào Triều Tiên. Hiện ở Triều Tiên có hơn một triệu thuê bao di động, hàng nghìn người dùng internet.
 
Các thị trường, thuê bao di động và mạng lưới Internet là những yếu tố tiềm tàng nhiều nguy cơ có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ họ Kim nhưng một khi xâm nhập vào xã hội, chúng sẽ không thể bị nhổ bỏ tận gốc. "Mùa xuân Arab" diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi từ đầu năm ngoái là một ví dụ điển hình cho sự tác động mạnh mẽ của internet đến sự tồn vong của một chế độ.

Do đó, để bảo vệ quyền lực của dòng tộc, Kim Jong-un phải áp dụng lập trường cứng rắn nhằm tìm kiếm sự kiểm soát chặt chẽ hơn một xã hội đang có xu hướng cởi mở nhiều hơn cũng như kìm chế và loại bỏ các nhân tố bất mãn trong quân đội. Đó là lý do ông làm sống lại hệ tư tưởng Juche.

Trong khi đó, với một chương trình cải cách thực sự, Triều Tiên sẽ phải chấp nhận đón nhận tất cả các ảnh hưởng ngoại lai. Điều này có nguy cơ tạo ra những bất ổn xã hội mà Bình Nhưỡng không thể kiểm soát được và kịch bản xấu nhất không gì khác ngoài sự sụp đổ của chình quyền Kim Jong-un.

Nếu không cải cách, Kim Jong-un sẽ làm gì?

Tân Chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau cái chết của cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, với tuổi đời còn quá trẻ (truyền thông Hàn Quốc nhiều lần khẳng định, ông Kim Jong-un ở vào độ tuổi 30) cộng với việc chưa từng chính thức giữ bất cứ chức vụ nào trong chính phủ, Kim Jong-un bị cho là thiếu các thành tích để giành được sự tín nhiệm và lòng trung thành tuyệt đối từ quân đội. Do đó, ông bắt buộc phải tìm cách nào đó để thị uy.

Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hồi tháng 4 được xem là hành động thị uy của tân Chủ tịch Kim Jong-un (Ảnh minh họa).

Vừa lên cầm quyền không lâu, ông Kim Jong-un tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh vào tháng 4/2012, chỉ 16 ngày sau khi chấp thuận ký thỏa thuận trao đổi lương thực lấy chương trình hạt nhân với chính quyền Obama.
 
Động thái này của chính quyền Bình Nhưỡng được xem là đã dội cho Washington một gáo nước lạnh, làm căng thẳng giữa Mỹ - Hàn Quốc – Triều Tiên leo thang đỉnh điểm.

Sau khi chỉ trích, lên án thậm chí, đe dọa đều vô tác dụng, chính quyền Obama cũng tuyên bố đình chỉ các gói cứu trợ lương thực lẫn kế hoạch thanh tra các cơ sở hạt nhân bởi các thanh sát viên của IAEA (Cơ quan Nguyên tử Quốc tế) ở Yongbyon, Triều Tiên. Nói cách khác, Washington ngừng các nỗ lực thương lượng với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên sau đó, kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên thất bại. Nói cách khác, động thái thị uy của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trước công chúng sụp đổ.
 
Do đó, nhiều chuyên gia phân tích quan ngại, thất bại này sẽ kích thích ông Kim Jong-un, người đang cần phải chứng minh bản thân mình trước giới lãnh đạo quân sự, tiến hành một vụ thử tên lửa hạt nhân thực sự bất chấp phản ứng của Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh phương Tây của họ.

Một giả thiết khác, theo Giáo sư Cha, nếu không tiến hành thử tên lửa hạt nhân, có thể Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vài động thái quân sự nhằm vào Hàn Quốc tương tự như vụ dùng ngư lôi đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc, Cheonan tháng 3/2010 hay vụ pháo kích đảo Yeonpeong của láng giềng chỉ vài tháng sau đó.

Tất cả các kịch bản trên, nếu xảy ra, đều có khả năng thổi bùng lên một cuộc chiến đẫm máu trên Bán đảo Triều Tiên, khi Hàn Quốc, dưới áp lực mạnh mẽ từ dư luận, chắc chắn sẽ không thể kiên nhẫn và kìm chế như trước mà sẽ phải tấn công đáp trả.

Ngoài ra, hiện Hàn Quốc và Mỹ đang bước vào giai đoạn bầu cử tổng thống vô cùng nhạy cảm. Ứng viên đảng bảo thủ Hàn Quốc rõ ràng không có ý định thực thi chính sách mềm dẻo với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp ứng cử viên phe tự do Hàn Quốc, theo đuổi chính sách bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên giành chiến thắng, thì vẫn chưa chắc Bán đảo Triều Tiên sẽ “trời yên bể lặng”.

Lý do là, Triều Tiên thường có thói quen khiêu khích, dằn mặt tân tổng thống Hàn Quốc nhằm chứng tỏ, ai mới thực sự là lực lượng quan trọng ở Bản đảo Triều Tiên.

Đương nhiên, nếu Bình Nhưỡng gây sự, Seoul sẽ phải đáp trả và trong một cuộc chiến mà ở đó, cả hai bên đều sử dụng tên lửa và bom hạt nhân sẽ không chỉ đe dọa hủy diệt bán đảo Triều Tiên mà còn ảnh hưởng lớn đến hòa bình và an ninh của cả nhân loại.

Chưa hết, kịch bản Triều Tiên có thể kích động một hành động quân sự đầy khiêu khích nhắm vào Hàn Quốc còn xuất phát từ một động cơ khác. Họ muốn kéo Washington quay lại bàn đàm phán với một thái độ sẵn lòng nhượng bộ nhiều hơn. Giáo sư Cha nghiên cứu lịch sử quan hệ Mỹ - Hàn kể từ năm 1984 và đi đến kết luận, trung bình trong vòng 5 tháng sau khi Bình Nhưỡng có động thái khiêu khích, Washington sẽ quay lại bàn đàm phán với mục đích làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh Tổng thống Obama đang phải đối mặt với một kỳ bầu cử khó khăn và sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay, ông rõ ràng không mong muốn cuộc chiến tiềm năng trên Bán đảo Triều Tiên bùng nổ để rồi ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cuối cùng. Đó là lý do hoàn hảo, theo Giáo sư Cha, để Triều Tiên có thể kích động động thái quân sự khiêu khích mà không lo bị Mỹ trả đũa.
 
Theo Phương Đăng
Zing/Infonet

duchai

Cùng chuyên mục
XEM