Phó giám đốc Sở đầu tiên được tuyển công khai kể chuyện thi tuyển

15/01/2013 15:27 PM |


Người này người kia có thể quen biết, vận động chỗ này chỗ kia, nhưng không thể làm như vậy với tất cả 100 người - thạc sĩ Ngô Văn Hợi kể lại chuyện bảo vệ đề án và hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước khi giữ chức Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh.

Năm 2011, thạc sĩ Ngô Văn Hợi, sinh năm 1959, đang giữ chức Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh. Với một vị trí Phó Giám đốc Sở phụ trách giáo dục trung học đang khuyết, cơ hội "lên chức" mở ra cho 7 cán bộ nằm trong quy hoạch, trong đó có ông.

Tự tin

Một người đã có kế hoạch chuyển công tác, một người cảm thấy chuyên môn không phù hợp, còn 5 người có thể được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này. Họ phải cạnh tranh theo một quy trình có nhiều điểm khác so với truyền thống: trình bày đề án công tác.

Đề bài đưa ra là "Những mục tiêu và giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục trung học tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2015". 

Với yêu cầu cụ thể về thời gian như vậy, theo ông Hợi, phải giải quyết những vấn đề trước mắt đang bức xúc: quản lý 57 trường trung học, nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, chất lượng đầu ra của học sinh, tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan...

5 ứng cử viên đều có những lợi thế riêng về chuyên môn, kinh nghiệm, các mối quan hệ..., nhưng thạc sĩ Ngô Văn Hợi tự tin mình có thể đảm nhận chức vụ này. "Sau 30 năm làm trong ngành giáo dục của tỉnh, tôi đã va chạm gần như tất cả các vấn đề lớn nhỏ của ngành", ông nói.

Không lo ngại những điểm có thể là lợi thế của các đối thủ, ông Hợi tin rằng người chiến thắng phải đưa ra được những giải pháp khả thi cho các vấn đề bức xúc trước mắt.

Ông Hợi cùng 4 ứng cử viên khác phải vượt qua một lần lấy phiếu tín nhiệm từ hiệu trưởng tất cả các trường trực thuộc Sở, lãnh đạo các cơ quan thuộc Sở, trưởng, phó các phòng ban cũng như các chuyên viên chính trở lên của Sở.

Công bằng

Ngày bảo vệ đề án, mỗi ứng viên có 30 phút trình bày và sau đó trả lời chất vấn trước Hội đồng chấm đề án và hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Cả 5 đề án đã được in ra gửi hội đồng nghiên cứu trước một tuần.

Hội đồng chấm đề án gồm 7 vị, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm chủ tịch, Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó chủ tịch. Hội nghị thì có khoảng 100 người gồm hiệu trưởng tất cả các trường trung học, trung tâm hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên trong tỉnh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, trưởng, phó các phòng ban.

Sau khi nghe tất cả các phần trình bày và trả lời chất vấn, 7 vị trong Hội đồng bỏ phiếu độc lập đánh giá theo 4 mức: tốt, khá, đạt yêu cầu và không đạt.

Cùng lúc, cử tọa 100 người bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu ở lần lấy phiếu để giới thiệu ứng cử viên, họ chỉ dựa trên sự quen biết trong quá trình công tác, thì lần này, họ thông qua chính nội dung bản đề án, sự nghiên cứu, chuẩn bị của các ứng cử viên thể hiện qua chất lượng đề án, khẩu khí của mỗi người khi trình bày... để củng cố lựa chọn của mình khi bỏ phiếu "5 chọn 1".

Hai kết quả này quyết định người chiến thắng cuối cùng. Có hai đề án được Hội đồng đánh giá tốt, nhưng chỉ một người nhận được trên 50% phiếu tín nhiệm của hội nghị. Đó là thạc sĩ Ngô Văn Hợi, với tỉ lệ tín nhiệm 54%.

Đây cũng là điểm ông Hợi đánh giá cao nhất về tính công khai, khách quan và công bằng của buổi bảo vệ đề án mình đã tham gia. "Người này người kia có thể quen biết, vận động chỗ này chỗ kia, nhưng chỉ có thể làm như vậy với vài người chứ không thể với tất cả 100 người", ông Hợi nói.

Thạc sĩ Ngô Văn Hợi được bổ nhiệm vào chức Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, phụ trách khối trung học, ngay sau khi bảo vệ thành công đề án. Sau gần hai năm, ông cho biết đang triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong đề án như cải tiến phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu kiến thức chủ động hơn, giao các trường tự cân đối kinh phí bồi dưỡng giữa trò kém và trò giỏi, xây dựng hệ thống trường chất lượng cao ở mỗi khu vực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số...

Ông Hợi cũng nắm trọng trách triển khai việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm mà đến nay đã có những chuyển biến khả quan.

Chưa nhận xét vì thời gian chưa nhiều, song cấp trên của ông Hợi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Thuấn, cho biết điểm ông hài lòng nhất về cách bổ nhiệm này là "người được bổ nhiệm rất sẵn sàng và quyết tâm nhận nhiệm vụ, vì họ đã có suy nghĩ và nghiên cứu về công việc sẽ đảm nhận".

Riêng với thạc sĩ Ngô Văn Hợi, những giải pháp ông ấp ủ sau 30 năm làm trong ngành giáo dục giờ có thể thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn. "Không phải vì chức vụ của tôi là Phó Giám đốc, mà quan trọng hơn là vì những giải pháp tôi đưa ra đã được cấp trên, anh em đồng nghiệp thấy thuyết phục ngay tại buổi bảo vệ đề án".

Theo Chung Hoàng
vietnamnet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM