Phía sau các ứng viên Tổng thống Mỹ

10/09/2012 15:35 PM |

Là các phu nhân, mỗi bà mỗi vẻ... và các nhà hùng biện tài ba.

Mỗi dịp đại hội đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều là cơ hội bằng vàng cho hai chính đảng ấy lôi cuốn sự chú ý của cử tri vào ứng viên và chính sách tranh cử của mỗi bên. Cử tri Mỹ chú ý nhiều nhất vào cuộc tranh cử từ ngày đại hội đảng của bất kỳ đảng nào. Cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ luôn luôn là dịp cho những ai ưa chuộng văn hóa Anh ngữ, thưởng ngoạn những áng văn hùng biện và đầy hoa mỹ...

Trong hai tuần liên tiếp, phu nhân Ann Romney của ứng viên tổng thống từ đảng Cộng hoà và phu nhân Michelle Obama của đương kim tổng thống, ứng viên từ đảng Dân chủ đã trỗ tài thuyết khách để tìm kiếm sự ủng hộ cho hai đức lang quân. 

Và diễn giả được ca ngợi nhiều nhất trong Đại hội đảng Dân chủ vào tối 5/9 là cựu tổng thống Bill Clinton, người đã ứng khẩu suốt gần 50 phút để bảo vệ và giới thiệu đương kim tổng thống như người xứng đáng nhất cho nhiệm kỳ thứ hai. 

Một nhà hùng biện khác, ứng viên phó tổng thống Paul Ryan, tối 29/8 cũng đã lôi cuốn được sự xúc động của giới cử tri nữ, khi ông nói về bà mẹ mình như một phụ nữ đơn độc nuôi con đến chỗ thành tài.

Mỗi bà một vẻ...

Điều giống nhau là cả hai bà phu nhân không hề chỉ trích đối thủ của chồng, mà chỉ kể những câu chuyện của riêng mình, với mục đích để tranh thủ phiếu cho hai vị phu quân. Điều khác nhau là bà Ann Romney nói về phu quân với những kỷ niệm không phai từ ngày cưới đến lúc thành đạt; bà mô tả ông như một thanh niên xuất thân từ giới bình dân, một con người chăm chỉ, mực thước, đạo đức, liên tiếp thành công, và là người cần thiết để lãnh đạo nước Mỹ. 

Còn bà Michelle Obama thì kể lại một vài kỷ niệm lứa đôi từ thuở hàn vi, nhấn mạnh ở sự nghiệp học vấn vất vả, gốc gác gia đình không mấy sung túc của họ, để ca ngợi đường lối chính sách thiên về xã hội, tận lực yểm trợ tầng lớp trung lưu của tổng thống Obama.

Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa khai diễn tại Florida. Diễn từ của bà Ann Romney, phu nhân ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney tối 28/8 đã gây ngạc nhiên từ phút đầu, khi bà nói: "Tối nay tôi không nói chuyện về chính trị, về đảng phái, mà nói về những gì xuất phát từ con tim, đó là "Tình Yêu". 

Và từ sự ngạc nhiên chuyển sang thích thú, tán thưởng, khi cái "nửa tốt hơn" của ông ứng viên tổng thống làm cho hầu hết cử toạ phụ nữ trong đại hội rơi nước mắt với bài nói chuyện gọi là về tình yêu giữa bà và phu quân Mitt Romney.

Rồi Ann Romney kể lại cuộc sống bình dị của hai người sau lễ cưới. Đôi vợ chồng trẻ phải thuê buồng ở dưới tầng hầm, cùng chia nhau làm việc nhà, cùng nhau tới trường đại học, tối về cùng ăn trên chiếc bàn con là cái bàn xếp để ủi đồ, được mở ra để dọn bữa tối, thường là mì gói và cá hộp, rồi cùng học bài, làm việc trên chiếc bàn, là một cánh cửa đặt trên chiếc giá bàn cưa". Và suốt từ ngày đó tới nay, người thanh niên tên Mitt Romney vẫn giỏi pha trò làm người vợ luôn luôn cười vui trong mọi hoàn cảnh, cả khi đôi vợ chồng đã có 5 mặt con với nhau.

Rất hiếm khi giữa đại hội của một đảng chính trị lại có "câu chuyện tình" (Love Story) được nói lên bằng những lời tha thiết, chân tình, tạo được âm hưởng thân mật và gần gũi. Nhưng một "câu chuyện tình" như vậy đã gây xúc động cho hằng chục triệu khán giả truyền hình, đem lại thành công bất ngờ cho đại hội đảng Cộng hoà. 

Phu nhân Romey thuật lại với một phong cách nồng nhiệt và chân thực cả một lịch sử "câu chuyện tình" của bà với người thanh niên "dáng dấp cao gầy, thanh nhã, vui tính" đã đưa người thiếu nữ tên là Ann về nhà sau bản khiêu vũ đầu tiên trong tiệc cưới cách đây đã 47 năm tròn.

Còn đây là cách Michelle Obama tôn vinh người chồng của mình tại Đại hội đảng Dân chủ tại Bắc Carolina: "Barack hiểu giấc mơ Mỹ bởi vì anh ấy đã sống với nó và anh ấy muốn tất cả mọi người trên đất nước này phải có cơ hội như nhau, bất kể chúng ta là ai, bất kể chúng ta đến từ đâu, hay diện mạo của chúng ta như thế nào, hay những người chúng ta yêu thương là ai". 

Và bà đã truyền cảm hứng ấy cho cử tọa: "Anh ấy tin rằng khi các bạn đã làm việc chăm chỉ, và các bạn đã hoàn thành tốt, và đi qua cánh cửa của cơ hội, các bạn sẽ không bị đóng lại sau lưng; các bạn sẽ trở lại, và cho người khác cùng cơ hội đã từng giúp các bạn thành công".

Ông Clinton là lợi khí của ông Obama

Có thể thấy, sự đăng đàn của cựu tổng thống Bill Clinton là một nỗ lực nhằm tăng cường sức hút cho đương kim tổng thống Obama đối với các cử tri lao động da trắng, các cử tri độc lập, những người vẫn chưa quyết định có nên bỏ phiếu để ông Obama tiếp tục ở lại Nhà Trắng bốn năm tiếp theo hay không. 

Vốn luôn được nhiều người yêu mến, đặc biệt, với tài hùng biện lôi kéo của mình, lời nói của cựu tổng thống Bill Clinton có sức nặng đối với người Mỹ. Hơn nữa, khi ông còn đương nhiệm, kinh tế Mỹ rất phát đạt, bởi vậy giới chuyên gia nhận định ông Bill Clinton có khả năng giải thích và bênh vực thích hợp nhất cho kết quả nhiệm kỳ vừa qua của tổng thống Obama, vốn bị bao phủ bởi tình trạng kinh tế u ám.

Trong bài diễn văn chi tiết và lôi cuốn về tổng thống đương nhiệm Obama, cựu tổng thống Bill Clinton nói rằng các cử tri đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa các chính sách của đảng Dân chủ giúp mang lại một nền thịnh vượng to lớn hơn và các chính sách của đảng Cộng hòa ưu tiên tầng lớp giàu có. 

Một mặt, ông bảo vệ rất đanh thép các chính sách của tổng thống Obama và nói rằng các chính sách kinh tế của đương kim tổng thống đang phát huy hiệu quả. Mặt khác, ông phê phán mạnh mẽ chương trình kinh tế và các cam kết chính sách của đảng Cộng hòa.

Phát biểu trước toàn thể đại hội, cựu tổng thống Bill Clinton nói chính cử tri Mỹ sẽ "quyết định họ muốn sống trong một đất nước như thế nào" thông qua lá phiếu của mình. Ông nhấn mạnh: "Nếu quý vị muốn một xã hội mà thân ai người đấy lo, mạnh ai người đấy được thì hãy bầu cho đảng Cộng hòa. Nhưng nếu quý vị muốn một đất nước mà ở đó ai cũng chia sẻ các cơ hội và trách nhiệm, một xã hội mà mọi người cùng chung sức thì hãy bỏ phiếu cho Barack Obama và Joe Biden".

Với khả năng diễn thuyết lôi cuốn và lập luận chặt chẽ, Bill Clinton ca ngợi những đóng góp của ông Obama năm 2009 đã giúp kích thích sự phát triển xã hội, như chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên, hay các nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành năng lượng tái sinh. 

Cựu tổng thống Clinton giải thích vì sao luật y tế của ông Obama sẽ mang lại lợi ích cho tầng lớp bình dân Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng chính sách cắt giảm các chương trình y tế của đảng Cộng hòa sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những người thuộc tầng lớp nghèo khổ, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Ryan và Christie - bộ đôi hùng biện của ông Romney

Tuy nhiên những người quan tâm đến chính trị đã chú ý nhiều hơn đến bài diễn văn của thống đốc New Jersey Chris Christie. Diễn giả chính của ngày đầu tiên đại hội đảng Cộng hoà đã nói về thân mẫu của mình nhiều lần trong phần đầu bài diễn từ. 

Điều này chứng tỏ đảng Cộng hòa cũng áp dụng chiến thuật thu hút giới cử tri phụ nữ, là những cử tri mà đến nay vẫn tỏ ra ưa thích đảng Dân chủ và tổng thống Barrack Obama hơn, vì lập trường ôn hoà và cấp tiến đối với những vấn đề về phụ nữ và giới tính. Bài phát biểu (gần như nói vo) của thống đốc Chris Christie là áng văn hùng biện nhiều giá trị. Thành công của ông là đã xây dựng được hình ảnh của ông Mitt Romney như một tổng thống thực sự xứng đáng trong tương lai.

Diễn từ của ứng viên phó tổng thống Paul Ryan được đánh giá là thành công trong mục tiêu hiệu triệu đảng Cộng hoà hết lòng ủng hộ cựu thống đốc Mitt Romney trong cuộc tranh đua gay go vào Nhà trắng. 

Giới quan sát cho rằng bên cạnh cuộc tấn công mạnh mẽ vào chính sách bảo hiểm y tế và chính sách xã hội của tổng thống Obama, ứng viên phó tổng thống Paul Ryan cũng làm tròn nhiệm vụ nêu rõ hình ảnh của ứng viên tổng thống Mitt Romney như một nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới. Ryan đã chuẩn bị mọi thuận lợi để ông Romney đăng đàn vào tối hôm sau, chính thức ra hiệu lệnh cho đảng Cộng hoà xuất quân tham dự cuộc đua đầy hào hứng và ngoạn mục.

Mỗi dịp đại hội đảng là một cơ hội bằng vàng cho hai đảng chính trị ở Mỹ lôi cuốn sự chú ý của cử tri vào ứng viên và kế hoạch chính trị của đảng mình, vì người Mỹ thường chỉ chú ý nhiều nhất vào cuộc tranh cử từ ngày đại hội đảng đầu tiên của bất kỳ đảng nào trong cuộc tuyển cử. 

Những cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ luôn luôn là dịp cho người Mỹ và những ai ưa chuộng nền văn chương Anh ngữ, thưởng ngoạn những áng văn hùng biện và đầy hoa mỹ. Đằng sau những áng văn ấy là sự lồng ghép các chính sách nội trị và chiến lược toàn cầu của các nhân vật hàng đầu trong giới lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Theo Đinh Mai Hương 

Tuần Việt Nam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM