Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch Phú Nhuận Maseco: Người liều thận trọng

20/09/2012 07:59 AM |

Chậm mà chắc.

Tự nhận mình là người có tính thận trọng, phương cách mà ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Maseco, đưa ra để giành chỗ đứng trên thị trường đơn giản chỉ là triết lý chậm mà chắc. 

Thế nhưng, ông chỉ chấp nhận cho cái “chậm” diễn ra ở giai đoạn thăm dò. Khi đã biết đường đi, với ông, phải tiến với tốc độ cao nhất có thể. Cách làm này đã giúp ông đưa Maseco vững tiến suốt hơn 12 năm qua và sẽ còn dài hơn thế...

Máu liều của người... thận trọng

Năm 2000-2001, tin Công ty Vật tư Dịch vụ và Du lịch Phú Nhuận cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác trên địa bàn TP.HCM sẽ chuyển đổi, tiến đến cổ phần hóa để có thể “chiến đấu” trên thương trường bằng sức mạnh của chính mình, của tập thể thay vì “yên ổn” trong cơ chế cũ khiến những người trong cuộc vừa mừng vừa lo.

Mừng vì sẽ được cởi trói khỏi cơ chế, còn lo vì phía trước là con đường họ chưa thể biết đích xác là gì nhưng đã phải bỏ tiền túi mua cổ phần. 

Giữa những đắn đo, việc đầu tiên ông Nguyễn Xuân Hàn làm là bàn bạc với gia đình để có thể... cầm nhà, lấy một tỷ đồng mua cổ phần, tham gia vào quá trình cổ phần hóa để tiến đến thành lập Maseco. Nhưng, động cơ khiến ông có quyết định này lại không phải là lợi nhuận tương lai như cách nghĩ của nhiều người...

* Đầu tư, lại là đầu tư vào doanh nghiệp (DN) do mình tham gia điều hành, bảo ông không phải vì tiềm năng lợi nhuận trong tương lai như cách lý giải của nhiều người thật khó mà tin được, đúng không, thưa ông?

- Cổ phần hóa là quyết định khiến không chỉ mình tôi, mà cả tập thể Công ty Vật tư Dịch vụ và Du lịch Phú Nhuận ngày ấy bỡ ngỡ và hoang mang vì không hiểu mô hình cổ phần hóa là như thế nào. Bao nhiêu năm hoạt động dưới cơ chế DN nhà nước, nếu từ hiện tại nhìn về thì sẽ thấy đó là một quyết định đúng đắn và kịp thời, giúp DN có thể trang bị các kỹ năng cần có trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, tất cả chỉ là khoảng sương mù phía trước, mọi thành viên đều băn khoăn. Tôi cũng có cùng tâm lý đó, nhưng còn thêm một áp lực khác: “Mình không mua thì ai dám mua cổ phần”, tôi đã nghĩ như thế và quyết định liều. Xem ra trong tôi cũng có chút máu liều.

Cầm nhà để có hơn 1 tỷ đồng giao cho tôi bỏ vào Công ty, vợ tôi cũng xót và lo lắm chứ. Tôi biết, đó không phải là chuyện của riêng nhà tôi, mà các thành viên khác cũng vậy.

Chưa kể, quá trình cổ phần hóa không hề đơn giản, phát sinh rất nhiều vấn đề. Để vượt qua được giai đoạn chuyển đổi ấy, trở thành một tập thể vững mạnh như Maseco hiện nay cũng là nhờ sự đồng lòng của tập thể.

Chưa bao giờ lợi nhuận của chúng tôi được chia dưới 25% từ ngày đầu thành lập đến tận bây giờ. Vài năm sau thì tôi trả hết nợ.

* Maseco có đến 4 lĩnh vực hoạt động khác nhau, sự phong phú về mặt hoạt động có thể chia nhỏ tính chuyên nghiệp, tại sao Ban lãnh đạo Maseco lại đầu tư dàn trải như thế?

- Maseco hình thành từ sự sáp nhập các công ty dịch vụ khác nhau nên có nhiều lĩnh vực hoạt động. Chúng tôi đã tiết giảm, chỉ giữ lại những lĩnh vực kinh doanh là thế mạnh để phát huy.

Cơ chế đào thải trên thương trường khốc liệt lắm, nên không thể tham lam mà phải đi bằng những bước chân vững chắc của mình. Một trong những lĩnh vực chúng tôi quan tâm nhất là xuất khẩu.

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, có nhiều sản phẩm có thể làm chủ thị trường nông sản thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển đúng mức. Tiềm năng ở lĩnh vực này khá nhiều nên chúng tôi sẽ tập trung cho lĩnh vực này ở sản phẩm cà phê và hồ tiêu. 

Mảng điện tử tiêu dùng của Maseco cũng đã có những bước tiến vững chắc nhờ nắm bắt được công nghệ nhanh. Riêng lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, những năm trước, nhu cầu thị trường lớn nhưng chúng tôi đã xác định chỉ phát triển trong năng lực có thể chứ không ôm đồm, đi quá khả năng của mình. 

* Nổi tiếng ở mảng điện tử nhưng cũng thành công ở mảng nông sản và chế biến nông sản, như việc Maseco có hồ tiêu, cà phê chẳng hạn...?

- TP.HCM không có thế mạnh sản xuất nguyên liệu nhưng lại là đầu mối giao dịch của cả nước và khu vực. Đồng thời, Thành phố còn có thế mạnh về khoa học kỹ thuật.

Hai yếu tố này kết hợp lại khiến địa bàn này trở nên rất lý tưởng để phát triển chế biến nông sản nếu DN biết chủ động nguồn nguyên liệu. Bản thân Maseco cũng đầu tư nhà máy ở Gia Lai để có nguồn nguyên liệu tốt.

Công thức để phát triển lĩnh vực này đơn giản là kết hợp thế mạnh địa phương với thế mạnh dịch vụ, kỹ thuật của Thành phố.

* Biết rõ công thức để phát triển xuất khẩu nông sản, vậy mà 3 năm trở lại đây Maseco mới giảm xuất thô, đưa ra thị trường sản phẩm nông sản đóng gói đã qua chế biến. Dù sản phẩm được đón nhận tốt nhưng vẫn khó tránh khỏi mọi người nghĩ ông đi chậm?

- Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã suy nghĩ về việc giảm xuất khẩu thô, chế biến để gia tăng giá trị cho sản phẩm nhưng mãi đến 3 năm trở lại đây, sản phẩm tiêu đóng gói mang thương hiệu Maseco mới có mặt trên thị trường.

Không sai khi nói rằng chúng tôi mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị (7 năm), nhưng tôi thừa nhận là chúng tôi phải thận trọng, bởi để đưa một sản phẩm, nhất là sản phẩm tiêu dùng, ra thị trường thì không thể ngày một, ngày hai được.

Chúng tôi phải tính toán rất kỹ, thử nghiệm nhiều lần rồi mới dám quyết định.

* Tính toán kỹ đến thế nhưng hình như phải mất đến 3 năm, mãi đến thời gian gần đây, các sản phẩm tiêu chế biến của Maseco mới bắt đầu được thị trường chú ý và đón nhận?

- Thất bại Maseco gặp phải khi đưa sản phẩm chế biến ra thị trường cũng lớn. Nhưng nguyên nhân lại thuộc về niềm tin của người dùng. Thực tế là khách hàng trong nước phần lớn không phân biệt được sản phẩm tiêu tốt hay không tốt, sạch hay không sạch...

Nói thật, quy trình sản xuất tiêu ở Việt Nam đơn giản kinh khủng, đem xay và dùng, không qua bất kỳ công đoạn làm sạch nào hết. Còn quá trình phơi tiêu thì “thoải mái”, phơi trên mặt đường, tiêu lẫn lộn với bao nhiêu đất và tạp chất khác.

Maseco không chấp nhận được chuyện này. Sản phẩm phải qua nhiều công đoạn, từ chọn lựa đến xử lý... nên giá thành đương nhiên là cao hơn mặt bằng chung. Do vậy, thị trường không đón nhận cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dùng bắt đầu biết lựa chọn, yêu cầu về sản phẩm của họ cũng cao hơn.

Tôi cũng biết đây là điều tất yếu khi thị trường phát triển đến một mức độ nào đó nên cũng không nản lòng khi đối mặt với thất bại. Thị trường đã bắt đầu trả lời chúng tôi về những cố gắng của mình rồi đấy! Maseco thận trọng cũng đâu có thừa.

* Khi nãy ông bảo mình có chút “máu liều”, cái máu ấy không giúp ông làm giảm bớt sự thận trọng của tập thể chút nào sao?

- Tôi là một trong những người thận trọng ở Maseco. Chúng tôi có truyền thống thận trọng trong các quyết định. Có thể, thận trọng làm chậm quá trình phát triển nhưng sẽ hạn chế được những rủi ro bất ngờ.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thận trọng ở giai đoạn nghiên cứu, đầu tư... để trong trường hợp có rủi ro thì vẫn kiểm soát được. Một khi đã chắc chắn về con đường, chúng tôi sẽ dồn hết sức chạy nước rút để không mất thêm nhiều thời gian.

Trường hợp của Arirang là một ví dụ. Maseco đi sau nhưng lại tiến nhanh để có thể dẫn đầu thị trường đầu máy karaoke đấy thôi.

Đau với bản quyền

Thời điểm năm 1994-1995, 10 năm trước khi Công ước Berne có hiệu lực ở Việt Nam, Maseco đã làm chuyện hết sức “trái khoáy” là trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ khi sử dụng ca khúc của họ cho các ấn phẩm karaoke. Người đề ra và quyết định phải thực hiện triệt để và nghiêm túc việc này là ông Nguyễn Xuân Hàn. 

* Thành công của Arirang trên thị trường không thể nói là nhờ công nghệ vì chắc chắn công nghệ của ta không bằng các nước phát triển, vậy theo ông, điều gì khiến Maseco thắng lớn ở thị trường này?

- Điện tử Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với mức phát triển rất xa của các nước. Chúng ta không kém về tư duy nhưng điều kiện phát triển chưa được tốt.

Do vậy, Maseco chọn cách đi tắt, không tham gia nghiên cứu cơ bản mà tập trung vào mảng ứng dụng, mua công nghệ rồi sản xuất ngay. Ba yếu tố thị hiếu, giá cả và sáng tạo đã làm nên thành công cho Arirang. Phần cơ bản của sản phẩm đã có sẵn, tính năng ứng dụng mới là quan trọng nhất.

Lĩnh vực nào cũng vậy, phải hiểu linh hồn của sản phẩm là gì thì mới phát triển kinh doanh sản phẩm ấy được. Với đầu máy karaoke, linh hồn là bài hát.

Phải đầu tư cho phần hồn này thì mới chinh phục được thị trường. Maseco có thế mạnh sản xuất thiết bị cùng với âm nhạc, cả “phần hồn” và “phần xác” đều tương thích với nhau nên mới được đón nhận như thế. 

* Trong quá trình chuẩn bị và phát triển “phần hồn” cho Arirang, câu chuyện tuân thủ Luật Tác quyền khi Luật còn chưa được nói đến ở Việt Nam ngày trước khiến ông bị xem là “khác người”?

- Quá trình kinh doanh của Maseco đã phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ thị trường. Để “sống sót” trong cơ chế kinh doanh như thế, cách tốt nhất là tuân thủ pháp luật và tôn trọng con người.

Chúng tôi xác định, mình đang kinh doanh, tạo ra tài sản cho mình dựa trên những bài hát là tài sản của các nhạc sĩ thì đương nhiên phải trả tác quyền cho họ, ít nhiều gì cũng phải trả. Nhờ quan niệm này mà kinh doanh Arirang đã 18 năm chúng tôi chưa bao giờ bị tranh chấp.

Nghiêm túc trong tác quyền cũng là thể hiện thái độ nghiêm túc trong kinh doanh với khách hàng. Kinh doanh cần thiết phải có cái tình, cái tâm trong sáng và tinh thần trách nhiệm cao. Mình trọng cái tình thì người sẽ trọng mình.

* Đa số người Việt thích xài đồ “miễn phí” và họ biện minh là việc tiết giảm chi phí của họ cũng có thể giúp DN tăng khả năng cạnh tranh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Ở nước ta, việc nhìn nhận với nhau về tác quyền vẫn chưa đầy đủ. Cũng có vài vụ tranh chấp xảy ra, nhưng rồi mọi chuyện lại chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, thích xài đồ miễn phí không phải là thói xấu mà chỉ là thói quen của người Việt.

Tôi nghĩ, pháp luật đang điều chỉnh và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới. Tôi rất quan tâm đến các vấn đề sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Bản thân Maseco tuân thủ đến thế nhưng cũng là nạn nhân của nạn sao chép theo nhiều cách khác nhau.

Ước tính số đĩa lậu, đĩa sao chép bán trên thị trường nhiều gấp 2, 3 lần số lượng đĩa gốc của Maseco. Khoản thất thu này không phải nhỏ, tôi cũng đau lắm nhưng đành chịu.

Vấn đề là DN cũng phải biết bảo vệ mình, nâng cao chất lượng và các biện pháp kỹ thuật... thay vì chỉ thụ động ngồi chờ cơ quan quản lý giải quyết.

* Thành công trong kinh doanh của Maseco đã thấy rõ, nhưng hình như việc làm thương hiệu cho Maseco chưa tốt?

- Đó là sự thật và cũng là cách làm của chúng tôi. Tôi quan niệm marketing phải gắn liền với sản phẩm nên luôn tạo thương hiệu cho sản phẩm. Người dùng phải nhớ đến Arirang nhiều hơn là Maseco.

Đến bây giờ thì mọi chuyện đã khác, mọi sản phẩm của Maseco đều đã có chỗ đứng trên thương trường nên cái tên Maseco mới được nhắc đến nhiều hơn. 

* Tài trợ cho bóng chuyền cũng là một điểm lạ trong công tác marketing của Maseco?

- Tôi xem hoạt động tài trợ là một cách để đền đáp cộng đồng và xã hội. Ngày trước, khi phong trào bóng đá ở TP.HCM chưa tốt, chúng tôi tài trợ để khuyến khích phong trào này.

Đến nay, khi bóng đá đã có chỗ đứng nhất định thì lại thấy bóng chuyền đang yếu. Sau một năm tài trợ cho giải bóng chuyền, tôi cũng đã biết được các nguyên tắc của môn thể thao này.

Với công tác xã hội cũng vậy, chúng tôi làm là để nhân viên cảm thấy yêu người, yêu đời..., bởi khi tâm thanh thản thì mới làm tốt công việc được. Lợi ích marketing được đặt sau các yếu tố này.

Ông Hàn ở chợ

Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi thấy ông Nguyễn Xuân Hàn ngồi ăn ốc ở chợ hay nhâm nhi cà phê ở vỉa hè. Chủ tịch một công ty lớn như Maseco, với tài sản sở hữu đã lên đến con số chục tỷ đồng nhưng nhu cầu cá nhân của ông lại bình dị đến thế.

Ông bảo, đấy mới là sống thực với cuộc đời, vì cuộc đời đâu phải lúc nào cũng hào nhoáng...

* Nhiều năm liền là Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu đồng thời đạt được nhiều giải thưởng khác, ông có hài lòng về những gì xã hội dành cho ông?

- Tôi rất cảm ơn những gì xã hội dành cho mình. Khi làm việc, tôi không quan tâm công lao của mình sẽ được ghi nhận hay bản thân được tôn vinh mà chỉ biết làm hết sức mình vì đó là nhiệm vụ của mình. 

* Nói về Nguyễn Xuân Hàn, nhiều người bảo chỉ cần dùng một chữ “tình” để diễn tả là đủ. Ông nghĩ thế nào về chữ “tình” ấy?

- Khi nhận được một món quà nào đấy mà cứ phải mổ xẻ để đánh giá thì chẳng phải là phụ tấm lòng của người tặng hay sao? Tôi trân quý những gì sâu lắng trong tâm hồn, trong cuộc sống hơn là những vật chất hào nhoáng hay ồn ào ở bên ngoài. 

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo Phương Quyên
Doanh nhân Sài Gòn

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM