Ông chủ Đại Nam: Đừng chọn lối sống xa hoa, lấy vật chất làm của

05/02/2013 11:27 AM | Nhân vật

Thành công trên bước đường kinh doanh từ rất sớm nhưng ông Huỳnh Uy Dũng đã không chọn cho mình một lối sống xa hoa, hưởng thụ.

Trái lại, ông luôn ấp ủ trong lòng những ước mơ, hoài bão và lao vào thực hiện cốt để lại cho đời những công trình có giá trị. Ông đã có một quan niệm sống bình dị và may mắn có một người bạn đời tri kỷ - chính là vợ ông, bà Nguyễn Phương Hằng, để tiếp tục thực hiện đến cùng những hoài bão lớn lao của mình. Ông đã tâm sự với phóng viên về những trải nghiệm, triết lý sống của mình.

Thưa ông, thường thì người ta hay nghĩ đến chuyện ban phát vào lúc tuổi đã xế chiều, hay khi con cái đã trưởng thành, thành đạt thì họ mới nghĩ đến cho thiên hạ xung quanh. Còn ông là một trong những người hiếm hoi mà chúng tôi được biết, có lẽ ông là người duy nhất chọn cho mình một con đường đi thật nghiệt ngã và như thách đố bản thân mình, vừa làm kinh tế, vừa xây dựng một công trình quá “khủng”. Vậy ông có thể cho biết ông đã có niềm tin từ đâu và sức mạnh nào đã khiến ông vượt qua tất cả? 

Thứ nhất là ông không hề bệnh tật, thứ hai là sức khỏe phi thường, thứ ba là về chuyên môn- ông dựa vào đâu xây dựng một công trình cổ kính như vậy, và thứ tư là về mặt tài chính, ông đã phải khó khăn như thế nào để có ngày hôm nay? Quả là câu chuyện về ông như một huyền thoại mà chúng tôi xin mạn phép được chia sẻ cùng ông với tất cả những vui buồn, với tất cả những hạnh phúc, đắng cay, oan nghiệt mà ông cùng vợ đã nếm trải qua.

- Đa số là người phát tâm khi tuổi đã xế chiều, họ nghĩ đến những điều thiện nhưng riêng tôi thì sống rất đơn giản. Càng đơn giản tôi càng nhìn thấy lại chính mình. Tôi nói điều này rất thật, tôi tuy học rất ít nhưng trong con người tôi nó như có sẵn cả một kế hoạch đã lập trình nên khi nghĩ đến điều gì thì tôi cứ làm theo cái suy nghĩ đó mà đi tới. Lập trình như được khai mở, tôi được biết trước những điều thiên hạ biết.

Tôi nghĩ những điều không đúng với hiện tại nên thường người ta nói tôi khùng. Vì sao tôi nói lập trình trong con người tôi nó như có một sức mạnh nào đó thôi thúc tôi chỉ biết lao tới mà đôi khi không thấy đâu là bến, đâu là bờ, cứ thôi thúc tôi phải làm và trong suy nghĩ tôi cứ mở dần ra, đôi khi nghĩ lại cũng thật là kỳ diệu.

Khi tôi quyết định làm Khu du lịch Đại Nam thì ai ai cũng cản ngăn tôi, cho rằng tôi ngông cuồng, điên rồ và ngạo mạn nhưng thú thật trong giấc ngủ tôi đã từng thấy một Đại Nam đang hiện hữu trong lòng tôi và tôi đã quyết tâm làm mà không ai có thể cản ngăn được. Tôi làm công trình không tốn tiền thiết kế là một chuyện khó tin quá phải không! Nó như có sẵn trong tôi tự bao giờ và tôi cứ làm quên cả ngày đêm. Mười năm không phải là thời gian ngắn để tạo ra công trình như vậy.

Tôi nghĩ đó là ý trời, đó là điều hiển linh, vô cùng tâm linh đối với tôi; là một điều kỳ diệu mà khó có thể con người nào thực hiện được. Chỉ có tôi chơi vơi, lẻ loi giữa đời thường khi đi tìm một cõi mênh mông mà chỉ có tôi biết, trời biết và đất biết.

Có lẽ do tôi lao động cũng là một cách tập thể dục, suy nghĩ là một cách mở mang trí tuệ, khi tôi quyết định làm công trình thì tôi dư biết rằng đây là sứ mệnh, bởi tôi không làm gì để cho tôi cả, nó không thuộc về tôi và như có ai đã mách bảo với tôi trong giấc ngủ rằng: Hãy bước đi thì sẽ tới. Và như có một điều gì đó thật kỳ diệu, khi khó khăn xảy đến thì may mắn lại hé ra và sự thật trong tôi chưa bao giờ gục ngã.

Tôi tin và niềm tin đó đã luôn chứng minh cho tôi rằng tôi không thể thất bại. Tôi tin vào những điều kỳ diệu mà chỉ có ông trời mới giúp được tôi. Tôi cứ miên miên man man làm, không biết đâu là bến đâu là bờ. Bản thân tôi cũng không biết điểm dừng ở đâu. Lúc tôi đang miên man giữa cõi thật cõi hư thì vợ tôi là Phương Hằng xuất hiện, như một chiếc xe qua cầu bị mất trớn tuột dốc thì vợ tôi đã níu lại, cùng tôi tiếp tục cuộc hành trình gian khổ.

Không biết là do duyên phận hay tôi đã kéo vợ tôi vào cuộc để rồi bao nhiêu thị phi tai tiếng đổ trên đầu vợ tôi. Thật là oan nghiệt, cô ấy đã rất hiểu tôi và giống như người trong cuộc. Vợ tôi có những cái nổi bật riêng, thông minh, quyết đoán và có cùng quan điểm với tôi: Khi đã đi thì phải đến đích.

Từ khi có vợ tôi, tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa, như ai cũng thường nói với tôi: Bây giờ trẻ ra rất nhiều. Tôi được chia sẻ, được yêu thương, được một người vợ có đạo đức, có nhân cách tốt, có thể sống chết cùng tôi vào những lúc tất cả mọi người đã quay lưng bỏ tôi.

Chính vợ tôi đã cho tôi niềm tin yêu trong cuộc sống, mặc dù bản thân vợ tôi đã phải nếm trải tận cùng bằng sự khổ đau khi cống hiến hết cho sự nghiệp của tôi thì tôi, một Huỳnh Uy Dũng, không bao giờ vong ơn bạc nghĩa, phản bội lại sự hy sinh vô bờ bến mà vợ tôi đã dành cho tôi, kể cả mạng sống vợ tôi cũng không lấy làm tiếc và tình yêu của chúng tôi được lớn dần theo ngày tháng gian khổ; mất mát, oan nghiệt, tủi nhục lẫn đắng cay.

Cho nên vợ tôi thường hay nói đối với vợ tôi, đó là những ngày tháng hạnh phúc riêng của vợ tôi và chỉ có cái chết mới chia lìa chúng tôi. Và cậu con trai đã ra đời đúng như nguyện ước. Theo tôi, nó như được sắp đặt để tiếp nối hành trình của tôi.

Tôi nghĩ mọi thứ xảy ra nó là một sự thử thách, nó là một số phận, vì không ai chọn trước cho mình một điều gì tốt hay xấu. Trong phước có họa, trong họa có phước. Cho đến giờ phút này, cả tôi và vợ tôi đều không oán hận một điều gì ở cái kiếp làm người này. Chỉ mong sống được bình yên để tiếp tục thực hiện những ý tưởng mà vợ chồng tôi xem như là mục tiêu để sống, để cống hiến.

Ông cảm thấy như thế nào khi ông lại tiếp tục cuộc hành trình mới vào thời điểm kinh tế khó khăn như thế này? Ông có cảm nhận mình lại chơi vơi lội ngược dòng nữa không? Bởi cuộc trò chuyện với ông không những chúng tôi, mà tất cả các đọc giả đều muốn biết về “bí mật” của sự thành công của ông. Dù ai nói ngả nói nghiêng, hiện nay doanh nghiệp của ông vẫn là doanh nghiệp nếu không muốn nói là đứng đầu bởi ông không nợ nần, còn tài sản thì không ai thống kê được, thưa ông?

- Đối với tôi, làm kinh tế để kiếm tiền là phương tiện cứu cánh. May mắn thay tôi đã rất thành công, nhưng nó không phải là mục tiêu. Vì sao tôi muốn xây thêm 17 ngôi đền? Tôi là người hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế hiện nay rất khó khăn nhưng với tôi nó lại là niềm đam mê. Khi tôi không có gì, tôi cũng đã từng dám mơ ước và thực hiện được ước mơ hoài bão của mình.

Cái tôi có bây giờ đủ để thực hiện những ước mơ to lớn hơn như thế, bởi tôi không phải làm kinh tế, không phải đối phó kẻ nào muốn ám hại tôi. Đơn giản hơn rất nhiều, tôi không dám lội ngược dòng và không đủ sức lội ngược dòng và tôi tin rằng tôi sẽ làm được bởi đơn giản một điều ai khi sinh ra cũng trần truồng và chết đi cũng trơ trọi, có ai mang theo được thứ gì đâu. Cuộc đời là vô thường, tôi đã nghiệm ra 4 cái không - để sống cho thanh thản:

- Không ai có thể làm hết việc trên đời này.
- Không ai có thể ăn hết món ngon vật lạ trên đời này.
- Không ai có thể xài hết những thứ xa xỉ trên đời này
- Khi chết, không ai mang theo được thứ gì trên đời này.

Cuối cùng tôi cũng đã chọn được chân lý sống: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta; lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”.

Xin cảm ơn ông!

Theo Võ Đức Phúc (thực hiện)
Dân Việt

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM