Nghĩ về thế hệ doanh nhân hội nhập
13/10/2012 10:42 AM
|
Thế hệ Doanh nhân Đổi mới.
Đất nước đổi mới được trên 20 năm, cũng là thời kỳ chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của một lớp doanh nhân dũng cảm bung ra làm kinh doanh, khi mà hai chữ “Doanh nhân” vẫn còn đang mơ hồ.
Từ thế hệ Doanh nhân Đổi mới
Họ chính là thế hệ Doanh nhân Đổi mới. Bằng nỗ lực thoát nghèo và đam mê làm giàu, họ đã cùng xã hội tạo nên một bước chuyển đổi mang tính lịch sử, tất cả mọi công dân đều được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Từ chỗ phải đứng ra kêu gọi sự ủng hộ, đi tìm sự thừa nhận của xã hội, họ đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình, là một phần tạo ra lịch sử và thay đổi diện mạo của đất nước. Thế hệ Doanh nhân Đổi mới không ngừng lớn mạnh. Thị trường cứ thế phát triển, nở ra cùng với sự trỗi dậy của một nền kinh tế mới, khát khao làm giàu, khát khao khẳng định mình.
Nhưng cũng trong giai đoạn trở mình đó, thị trường sơ khai của Việt Nam đã quá dễ dãi cho những người làm kinh doanh, một bộ phận không nhỏ nhanh tay nhanh mắt kiếm được lợi nhuận lớn và giàu lên nhanh chóng, mục tiêu làm giàu cho bản thân đã lớn hơn việc làm giàu cho đất nước.
Họ dựa vào lợi thế có sẵn: khai thác tài nguyên, chênh lệch địa tô, lao động giá rẻ… không cần sáng tạo, cũng không cần đem đến những giá trị mới cho người tiêu dùng. Rất nhiều trong số những người được gọi là “Doanh nhân” đã giàu lên theo cách đó. Vì thế mà chúng ta có một đội ngũ doanh nhân “đông” nhưng “yếu”, “hùng hậu” về số lượng nhưng lại nghèo nàn về sự “sáng tạo”.
Cả một thời gian dài, khái niệm “Doanh nhân” bị lẫn lộn. Bên cạnh những doanh nhân được xã hội nể trọng vì những giá trị thực họ mang lại cho doanh nghiệp và cho đất nước, thì cũng có không ít những người xưng danh là “doanh nhân” đã và đang làm tổn hại đến “Tinh thần Doanh nhân”.
Có nhiều người tự xưng và được gọi là “Doanh nhân” chính họ cũng không thực sự hiểu thế nào là “Doanh nhân” và sứ mệnh mà họ mang. Khi một tầng lớp có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội mơ hồ về sứ mạng của mình thì đấy là một điều nguy hiểm đối với sự phát triển của một quốc gia.
Thấy gì sau cơn bão
Những công trình không được xây dựng từ nền tảng vững chắc thì sớm muộn gì cũng bị trả giá. Khi cơn bão suy thoái ập đến, năng lực thực lộ ra, những người làm kinh doanh không thể che giấu được mình và cách làm ăn của mình được nữa. Tất cả lung lay như một điều không thể nào khác được.
Hai năm trở lại đây, hàng ngày, con số doanh nghiệp phá sản liên tục được đưa ra, hàng nghìn, rồi hàng vạn, hàng trăm nghìn…và câu chuyện đang ngày càng trầm trọng. Đó là còn chưa có một con số thống kê cụ thể xem đằng sau con số hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản đó là bao nhiêu người công nhân mất việc, bao nhiêu hộ gia đình mất đi những trụ cột về kinh tế, bao nhiêu trẻ em phải dở dang sự học vì gia đình không thể tiếp tục cáng đáng…
Về việc khai tử của hàng loạt doanh nghiệp lớn bé, một doanh nhân đã ví von rằng, hãy thử tưởng tưởng, có ba anh bạn doanh nhân ngày hôm nay còn khoác vai đi với nhau thì ngày hôm sau bốc hơi đi một, chỉ còn hai anh, cứ thế, ngày thứ 3 chỉ còn lại một anh đơn độc…
Có người coi cuộc khủng hoảng này như một cuộc thanh lọc doanh nhân và doanh nghiệp, đây thực sự là một cuộc thanh lọc khắc nghiệt, nhưng không phải là không cần thiết. Bởi lẽ từ đó, những ai chưa nhận ra bản chất của hành trình làm doanh nhân và sứ mệnh của doanh nhân thì bắt buộc phải nhìn lại, và nếu vẫn muốn tiếp tục hành trình này, họ phải làm khác đi.
Cũng trong cơn bão này, nhiều doanh nhân ngậm ngùi nhìn doanh nghiệp của mình từng ngày đi dần đến bờ vực phá sản nhưng chính bản thân họ không tìm được câu trả lời. Có những doanh nhân nhìn lại vẫn chưa biết mình làm sai ở khâu nào để biết thay đổi ở đâu và thay đổi ra sao khi bầu trời trong lành trở lại.
Không ít trong số họ vẫn trông chờ nhiều vào sự thay đổi của chính sách như một phép màu. Nhưng không có phép màu nào cả. Không thể có phép màu khi mà cả thế giới đã chơi chung trên một sân chơi và luật chơi vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt khi những người tham gia cuộc chơi đều đã quá sành sỏi. Cả thế giới đã đến kinh doanh và cạnh tranh ngay trên đất nước của chúng ta.
Thiếu một nhận thức sâu sắc, một tầm nhìn dài hạn, và thiếu cả một khát vọng chinh phục khẳng định thương hiệu Việt với thế giới, đó là rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay trong muôn vàn cái khó. Không có phép màu, chỉ có sự thay đổi từ chính bản thân mỗi doanh nhân trong cách nghĩ về kinh doanh và làm kinh doanh mới xoay chuyển được cục diện.
Đến thế hệ Doanh nhân Hội Nhập
Một ván bài kết thúc, điều đó chưa có nghĩa là kết thúc cả cuộc chơi, vì làm doanh nhân nghĩa là dám chấp nhận thua cuộc và bắt đầu lại từ đầu. Khi cuộc chơi không còn dễ dàng nữa, những người có thể đứng lên đi tiếp là những người phải có bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo thực sự. Và đó mới là điều mà cuộc chơi hội nhập toàn cầu đòi hỏi ở mỗi doanh nhân.
Kế tiếp thời kỳ “Đổi mới” là một tương lai mang tính lịch sử khác: thời kỳ Hội nhập. Và hơn ai hết, doanh nhân vẫn chính là lực lượng quan trọng sáng tạo nên lịch sử. Sứ mệnh thì đã rõ, nhưng nếu vẫn loay hoay và mơ hồ trong những tư duy làm kinh doanh kiểu cũ thì dẫu có đi giữa một bầu trời trong xanh sau cơn bão, họ cũng không thể đi được xa. Điều quan trọng nhất mà doanh nhân cần hơn lúc nào hết là nhận thức và tư duy mới - tư duy của một Thế hệ Doanh nhân Hội nhập.
Đáp ứng yêu cầu bức thiết tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng thế hệ Doanh nhân Hội nhập, Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam đang triển khai Chương trình Tinh hoa Quản trị dành cho Doanh nhân. Chương trình là công cụ thay đổi nhận thức, cung cấp nền tảng tư duy mới cho thế hệ doanh nhân hội nhập về kinh tế - kinh doanh và quản trị doanh nghiệp – giúp các doanh nhân trang bị bản lĩnh làm chủ cuộc chơi và tự tin bước ra sân chơi toàn cầu.
Chương trình được đúc kết từ những trải nghiệm thực tiễn sau hơn 10 năm kinh doanh, nghiên cứu tại các thị trường Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Trung Đông và các quốc gia khác trên thế giới của Doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam.
Chương trình sẽ góp phần tạo ra một lớp doanh nhân có nhận thức đúng đắn về cách làm kinh doanh chân chính và nhận ra sứ mệnh thực sự của mình đối với sự phát triển của kinh tế đất nước, có khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hội nhập toàn cầu. Một tín hiệu đáng mừng là từ Chương trình Tinh hoa Quản trị, đã có nhiều doanh nhân bước qua được cách làm ăn đơn giản, dễ dãi chứa đựng nhiều rủi ro của họ từ trước đến nay để tư duy lại về kinh doanh, bắt tay vào làm theo một cách khác, sáng tạo hơn, nhiều nỗ lực trí tuệ hơn, và khát vọng vì những điều lớn lao hơn.
Đó là những hạt giống đã bắt đầu nảy mầm cho một thế hệ doanh nhân mới, có đủ phẩm chất và khát vọng đương đầu với thách thức Hội Nhập.
Theo Thu Hương
Dân Trí