Loạt bê bối 'tấn công' ĐCS Trung Quốc trước thềm Đại hội 18

05/09/2012 14:46 PM | Nhân vật

Đảng Cộng sản Trung Quốc khó đạt mục tiêu “đánh bóng” hình ảnh.

Trung Quốc đã đình chỉ một quan chức quân đội sau khi tin ông này tấn công một tiếp viên hàng không lan tràn trên Internet, khơi dậy phản ứng dữ dội của dư luận về cách ứng xử của một số quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tạo dựng hình ảnh đẹp trước thời điểm chuyển giao lãnh đạo 10 năm một lần sắp diễn ra nhưng hình ảnh của Đảng Cộng sản đang bị tổn hại bởi các vụ quan chức lạm dụng chức quyền. Một loạt các vụ bê bối tham nhũng, tin về một buổi tiệc tùng trác táng cũng như những vụ việc liên quan đến con cái của các vị lãnh đạo đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc khó đạt mục tiêu “đánh bóng” hình ảnh của mình.

Hôm qua, Tân Hoa Xã cho hay Fang Daguo, một quan chức quân đội tại thành phố Quảng Châu, đã bị đình chỉ sau khi ông này và vợ, trong tình trạng nồng nặc mùi rượu, xô xát với tiếp viên hàng không Zhou Yumeng về hành lý xách tay của hai vợ chồng ông này.

Ban đầu, Tân Hoa Xã đưa tin rằng báo cáo sau điều tra sơ bộ cho biết ông Fang đã xin lỗi và không hề tấn công tiếp viên Zhou.

Sau đó cô tiếp viên hàng không đăng tải trên trang mạng xã hội Sina Weibo những bức hình cho thấy tay cô bị thâm tím và đồng phục của cô bị rách, khiến cư dân mạng phản ứng đầy giận dữ.

“Ông Fang Daguo, ông đã làm Trung Quốc mất mặt trước thế giới”, một blogger viết trên Weibo.
Tân Hoa Xã cho biết sau khi những bức hình trên được tung lên mạng, chính quyền địa phương đã điều tra kĩ lưỡng hơn và đình chỉ vị quan chức trên.

Tờ Hoàn Cầu cho biết các báo cáo về những vụ việc như trên đang được lan truyền trên mạng nhanh như vũ bão do mâu thuẫn giữa người dân và các quan chức địa phương ngày càng gia tăng.

“Rất khó có thể cải thiện hình ảnh của các quan chức trong con mắt người dân nếu họ không lên tiếng công khai trước sự soi mói của công luận và vẫn bị động trong cách thức giao tiếp với nhân dân”, tờ Hoàn Cầu nhận xét.

Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn coi trọng giữ gìn hình ảnh, chỉ cho lưu truyền những hình ảnh tích cực và kiểm soát nghiêm ngặt thông tin từ giới truyền thông.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Internet và các trang mạng xã hội như Sina Weibo là một thách thức rất lớn đối với hoạt động kiểm soát đó của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Trong quá khứ, đã nhiều lần giới cầm quyền không bị kiểm soát và những vụ việc như trên có thể đã xảy ra rất nhiều lần mà chúng ta không hề biết, nhưng bây giờ, người ta có thể đăng tải mọi thứ vào bất kỳ lúc nào và vì thế rất nhiều thứ nhanh chóng bị lộ”, Chen Minglu, một giảng viên tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney, nhận xét.

“Xã hội văn minh đang dần được hình thành ở Trung Quốc. Tôi nghĩ người dân đang ngày càng học cách thể hiện ý kiến phản biện; họ đang học cách chỉ trích những người cầm quyền và ngày càng muốn làm điều đó”, ông Chen nói.

David Zweig, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học khoa học và công nghệ Hồng Kông, cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn trở nên nhạy cảm hơn với công luận trước thời điểm chuyển giao lãnh đạo.

“Câu hỏi then chốt ở đây là liệu đây có phải là một cuộc cách mạng theo đó các trang mạng và mạng xã hội sẽ thay đổi Trung Quốc mãi mãi hay đó chỉ là điều được phép xảy ra trước thềm Đại hội Đảng”, ông Zweig đặt câu hỏi.

Không may cho Đảng Cộng sản Trung Quốc là các quan chức nước này ngày càng cung cấp thêm các vụ việc để cư dân mạng nước này mổ xẻ và tô vẽ thêm khiến chúng trở nên xấu xa hơn và gây tác động mạnh đến người dân đến mức ngoài tầm kiểm soát.

Năm nay đã là một năm khó khăn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc sau vụ bỏ trốn và xin tị nạn của nhà hoạt động Trần Quang Thành và vụ “ngã ngưa” của ủy viên không thường trực Bộ chính trị Bạc Hy Lai với vụ giết doanh nhân người Anh của vợ ông.

Cuối tháng 8, camera ghi lại hình ảnh một quan chức của cơ quan về an toàn lao động tỉnh Thiểm Tây cười lớn khi xem cảnh tai nạn xe buýt khiến 36 người thiệt mạng.

Dư luận lại càng giận dữ hơn đối với vị quan chức này sau khi một số cư dân mạng Trung Quốc còn phát hiện ra bộ sưu tập đồng hồ đắt tiền của ông này xuất hiện trong các bức ảnh.

Những chiếc xe hơi thể thao đắt tiền cũng là mục công kích của dư luận, đặc biệt là sau vụ tai nạn xe Ferrari hồi tháng Ba mà một số nguồn tin cho rằng có liên quan đến con trai của một quan chức cấp cao và 2 cô gái trẻ.

Lo sợ dư luận nhìn nhận rằng con cái của các vị quan chức cấp cao trong Đảng có cuộc sống xa hoa đặc quyền, chi tiết về vụ tai nạn vẫn là điều bí ẩn.

Tháng trước, chính quyền một huyện thuộc tỉnh An Huy đã phủ nhận rằng những người có mặt trong bộ ảnh thác loạn được tung tràn lan trên mạng là các quan chức của tỉnh này.

Một vụ việc khác cũng thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc là vụ một người đàn ông mà người dùng Weibo xác định là quan chức đảng tỉnh Liêu Ninh lạm dụng chức quyền đe dọa một cảnh sát giao thông sau khi xe ông này bị yêu cầu dừng lại.

“Mẹ kiếp! Mày dám kiểm tra xe của tao à? Nếu ngày hôm nay mày không “tiêu đời” thì tao vào Đảng làm quái gì”, là lời nói của vị quan chức trên được đăng tải kèm theo bức hình một đám đông chứng kiến vụ việc và một cảnh sát bị xé rách áo.

“Nếu vị quan chức này không chết đi, thì có lẽ chính Đảng sẽ phải chết”, người dùng Weibo có tên MingJun3488 viết trên mạng.

Chen Ziming, một học giả chính trị độc lập ở Bắc Kinh, cho rằng báo chí lo sợ nếu công khai các vụ việc này sẽ bị trừng phạt nhưng người dùng Internet thì không phải lo sợ như giới báo chí.

“Các chính quyền địa phương vẫn chưa theo kịp tình hình. Nếu họ nghĩ rằng họ có thể trấn áp được tình trạng đó, thì họ sẽ tìm cách. Nhưng người dùng Internet ngày càng không chấp nhận thông tin bị trấn áp”, ông Chen nói.

Theo Tùng Lâm
Zing/Infonet

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM