Lê Vũ Kỳ tàn giấc mơ xa xỉ vì bầu Kiên

22/05/2014 09:31 AM | Nhân vật

Nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Lê Vũ Kỳ - bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên - là một lãnh đạo kín tiếng.

Tuy nhiên, trong giới tài chính ông khá nổi tiếng, được biết đến như một người thức thời với cái mới, nghiêm túc và nhiệt huyết cao trong công việc. 

Con đường thăng tiến của một vị tiến sỹ toán lý tại Nga khá tuần tự trước khi rơi vào vòng xoáy đồng tiền khắc nghiệt trên thị trường tài chính, nhất là khi người góp phần tạo ra vòng xoáy lại là ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên - người từng có quyền uy lớn nhưng cũng đầy lỗi lầm.

Đứt gánh giữa đường

Cũng giống như lần trước, trong vụ xử bầu Kiên và đồng phạm lần 2 bắt đầu từ 20/5/2014, ông Lê Vũ Kỳ trông không mấy suy sụp như ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải. Ông khá béo tốt bởi thời gian bị tạm giam ngắn, chỉ khoảng nửa tháng.

Hơn 1 năm rưỡi trước đó, ông Kỳ cùng các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang được tại ngoại do có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, và vì tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật.

Trước phiên tòa, người ta dễ dàng nhận ra ông bởi sự phương phi, mặt vuông chữ điền và cặp kính dày cộp của một trí thức từng trải qua nhiều vị trí chủ chốt ở các doanh nghiệp nổi tiếng như ngân hàng ACB, Liên doanh Việt Nga thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Xuất nhập khẩu Thiên Nam...

Ông Lê Vũ Kỳ được biết đến là một trong các "trụ cột" ở ACB. Ông nổi lên khá nhanh chóng tại ngân hàng này với vai trò là người đưa ra tham vọng thay đổi ngân hàng cùng như thói quen của người dân đối với các hoạt động thanh toán dựa vào nền tảng CNTT.

Với cương vị là phó tổng giám đốc (1997-2008), ông Kỳ được đánh giá là người tạo nền móng về CNTT cũng như hệ thống ngân hàng cốt lõi cho ACB. Năm 2006, với chức vụ phó TGĐ kiêm CIO (giám đốc thông tin), ông được IDG Việt Nam trao giải lãnh đạo CNTT (CIO) xuất sắc Việt Nam và khu vực Đông Dương lần thứ 2. Bên cạnh đó, ông cũng là người góp phần gây dựng lên mô hình quản trị độc lập cho ngân hàng này.

Trước đó, tất cả những khái niệm về CNTT hay "quản trị độc lập" là những điều xa lạ và xa xỉ đối với các ngân hàng. Việc đưa chúng vào ngân hàng thời kỳ đầu thực sự khó khăn vì quá mới mẻ. Tuy nhiên, sự nổi bật của ACB về công nghệ, hàng loạt các giải thưởng "ngân hàng tốt nhất", vị trí dẫn đầu trong khối NH TMCP... những năm sau đó đã phần nào cho thấy những giấc mơ xa xỉ của ông Kỳ dần thành hiện thực.

Có lẽ cũng chính nhờ những thành công này cùng việc dồn đầu tư tiền bạc vào ACB, ông Kỳ đã nắm giữ vị trí phó chủ tịch ACB cho tới giữa tháng 9/2012 sau khi bầu Kiên bị khởi tố một loạt tội danh, trong đó có tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", mà ông Kỳ cùng với nhiều "trụ cột" khác cũng phạm vào.

Mất phanh vì quá nóng?

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ông Kiên chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ACB và thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội; các ông Giá, Quang, Cang, Kỳ, Hải đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên TTCK; ông Kiên và ông Kỳ tổ chức thực hiện. Việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo nói trên còn bị xem xét về hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank, gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng do bị Nguyễn Thị Huyền Như lừa đảo.

Những diễn biến ban đầu cho thấy, các bị cáo đều lên tiếng không nhận tội. Trong phiên tòa chiều 20/5, ông Lê Vũ Kỳ cho rằng, với nhận thức của mình, ông Kỳ chưa bao giờ cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Những cáo buộc nói trên đối với ông Lê Vũ Kỳ cũng như các bị cáo khác đang được tòa xét xử và đưa ra những kết luận trong tháng tới. Tuy nhiên, có một thực tế là, những hành động đó đều là của những con người có tham vọng lớn. Ông Kiên có tham vọng của một trùm ngân hàng; ông Hải muốn chứng minh là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất; ông Giá "vì danh dự và trách nhiệm của một con người"; ông Kỳ tiến từng bước trên cỗ máy tăng trưởng như vũ bão ACB.

Tất cả đều rất hừng hực khí thế, dưới bàn tay dẫn dắt của một người không muốn bất cứ gì - từ thị phần cho tới quy mô của ngân hàng - bị nhỏ bé, co hẹp lại. Đó là bầu Kiên.

Cũng như những lãnh đạo khác ở ACB, ông Lê Vũ Kỳ được biết đến là một con người có học thức cao, có hiểu biết rộng, nhiệt huyết lớn. Tuy nhiên, dường như sức nóng của cuộc đua trên thị trường ngân hàng, áp lực tìm kiếm lợi nhuận cũng như giấc mơ tiền tài danh vọng đã khiến gần như toàn bộ dàn lãnh đạo của ACB, trong đó có ông Lê Vũ Kỳ, mất phanh, không cân đo cái được mất trong những quyết định của mình.

Bên cạnh đó, vụ việc cũng cho thấy tác hại của sự chủ quan trong hoạt động điều hành, quản trị DN, nhất là trong hệ thống ngân hàng. Ở bất cứ đâu, với bất cứ cương vị nào, sự thành công rất có thể khiến con người ta rơi vào tình trạng chủ quan, không sát sao với bản thân mình, với những việc mình làm.

Có lẽ cũng giống như ông Lý Xuân Hải - nguyên TGĐ ACB, các cựu lãnh đạo ACB khác cũng rơi vào tình trạng "cưỡi lên lưng hổ" với hàng loạt các mục tiêu trước mắt. Ở vào cái thời điểm mọi thứ diễn ra như một đoạn phim quay nhanh thì khả năng kiểm soát được tình hình, chế ngự được bản thân, sáng suốt gạt sang một bên tham vọng, tìm lối thoát khỏi tình trạng quyết định nóng vội là không hề dễ dàng.

Theo Huấn Tú

duchai

Cùng chuyên mục
XEM