'Lão giám đốc' 75 tuổi của Vinappro

13/01/2015 14:02 PM |

Lê Tùng Hiếu đã qua tuổi 75 nhưng ông vẫn chưa từ bỏ công việc sáng tạo trong xưởng cơ khí nhỏ sau nhà. Ngôi nhà nơi ông ở cũng luôn sống động với những âm thanh phát ra từ bộ sưu tập hàng trăm chiếc đồng hồ cúc cu, đồng hồ quả lắc bằng gỗ tuyệt đẹp. Hầu hết những chiếc đồng hồ này đều do bàn tay khéo léo của ông thực hiện, sửa chữa.

Kỹ sư cơ khí Lê Tùng Hiếu từng là Phó giám đốc Tổng công ty máy động lực – máy nông nghiệp Việt Nam và Giám đốc Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ông được biết đến là một người có nhiều cống hiến cho ngành cơ khí, sáng tạo nhiều sản phẩm máy nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới như: động cơ dieSel sáu mã lực đầu tiên của Việt Nam, máy bơm nước, máy gặt lúa, máy tuốt lúa, máy xay xát gạo… và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2004.

* Có vẻ như ông chưa bao giờ về hưu…

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu khi tay chân còn khả năng làm việc, đầu óc còn đủ minh mẫn để suy nghĩ, tư duy. Khi không còn làm việc để kiếm tiền thì tôi làm cho đam mê của mình. Đồng hồ cơ khí là đam mê của tôi từ lúc nhỏ.

* Để sáng tạo ra những chiếc đồng hồ này, cần có kiến thức về ngành cơ khí chính xác. Trước đây, khi Việt Nam chưa có ngành này, ông đã học ở đâu?

- Đúng là thời đó Việt Nam chưa có ngành cơ khí chính xác, tôi may mắn học được ở Tây Đức (CHLB Đức) sau khi tốt nghiệp tú tài của Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. Học viên được đi tham quan, tìm hiểu nhiều xưởng cơ khí, nhất là tại vùng Black Forest, một vùng chuyên chế tạo đồng hồ cúc cu của Đức.

Sau đó, khi trở về nước, tôi sưu tầm khá nhiều loại đồng hồ cúc cu từ Đức, Thụy Sĩ, Pháp, đồng thời tự thiết kế ra các loại đồng hồ của riêng mình. Ngày nay, việc sản xuất đồng hồ đã được công nghiệp hóa nhưng chiếc đồng hồ cúc cu chủ yếu vẫn được lắp ráp thủ công vì yêu cầu kỹ thuật chế tác tỉ mỉ, công phu, riêng phần khung gỗ bên ngoài cũng mất nhiều công đục đẽo, chạm khắc, đánh bóng sơn… Có những chiếc đồng hồ phải làm đến hơn nửa năm trời mới xong.

* Nghe nói ông học nghề cơ khí từ năm 12 tuổi, ở cái tuổi mà hầu hết trẻ con đều chỉ biết rong chơi?

- Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo tại Long An nên phải mưu sinh từ rất sớm. Năm 12 tuổi, tôi đã theo người anh thứ tư lên Sài Gòn, vừa làm việc trong các garage sửa xe hơi vừa học thi vào Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. May mắn là tôi nằm trong số mười người có điểm tốt nghiệp Tú tài ngành Kỹ thuật toàn phần cao nhất nên được cấp học bổng học tập ở CHLB Đức.

Năm 1972, tôi trở về nước và làm việc cho Công ty chế tạo động cơ Vinappro. Tôi cùng các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu và chế tạo thành công hàng loạt sơ-mi, piston phục vụ các tàu đánh cá.

Cuối năm 1987, Vinappro đã đưa ra thị trường những động cơ diesel sáu mã lực hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%, thay thế cho động cơ diesel nhập khẩu. Động cơ này không những khắc phục được nhược điểm về chất lượng, độ bền và tiêu hao nhiên liệu mà còn bảo đảm chất lượng cho quá trình sử dụng.

Sau đó, tôi bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công động cơ 15 mã lực và sau này là 24 mã lực, rất được ưa chuộng trên thị trường.

Tôi cũng là người tổ chức và chỉ đạo nghiên cứu chế tạo thành công các loại máy xay xát lúa, cối chà trắng gạo… và các sáng kiến cải tiến công nông nghiệp. Tôi cũng chủ trương mở ra chương trình bán máy trả chậm cho bà con nông dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam.

* Không chỉ là người có duyên với nghề cơ khí, ông còn được biết đến là một nhà giáo có tâm. Về hưu hơn mười năm rồi mà mọi người vẫn gọi ông là “thầy Chín Hiếu”. Xin hỏi danh xưng này có từ bao giờ?

- Tôi bén duyên với nghề sư phạm từ những ngày còn đi học ở Đức. Tôi mang phương pháp sư phạm dạy nghề cơ khí theo hệ thống song hành của Đức về truyền đạt lại cho giáo viên trong nước.

Sau đó, tôi tiếp tục quay sang Đức để hoàn thiện chương trình kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhà trường giữ lại làm trợ giảng, cùng với các thầy hướng dẫn cho sinh viên Đức.

Sau khi làm việc tại Công ty Vinappro, tôi được công ty cử sang Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu, học tập cách thức thiết kế, sản xuất phụ tùng thay thế cho động cơ diesel và máy nông nghiệp.

Đến khi trở thành giám đốc nhà máy từ năm 1982, tôi thường nghĩ cách để góp phần đào tạo rất nhiều kỹ sư cơ khí, thợ giỏi cho đất nước. Tôi còn thường xuyên tập hợp con cháu của công nhân để đào tạo nghề cho họ, giúp họ có việc làm và trả lương cho họ.

Đến nay tôi làm cố vấn cho chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật (Technisch Gewerbliche Ausbildung – TGA) của Trường Trung cấp Cơ điện Đông Nam Bộ (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Chương trình này do Công ty Wiap Thụy Sĩ tài trợ từ năm 2010. Học viên tốt nghiệp được nhận bằng trung cấp nghề do Tổng cục Dạy nghề cấp và một chứng nhận tốt nghiệp của Thụy Sĩ.

* Xin ông chia sẻ kỹ hơn về chương trình TGA?

- TGA là chương trình đào tạo nghề tiên tiến đúng tiêu chuẩn đang ứng dụng ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, phần đào tạo kiến thức lý thuyết tại một trường dạy nghề chỉ chiếm khoảng 25% còn phần đào tạo thực hành tại một phân xưởng chiếm khoảng 75% thời gian học. Mục tiêu của chương trình này là trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng, có tay nghề cao để đáp ứng cho công nghiệp phụ trợ và lực lượng lao động địa phương.

Mô hình này đã xuất hiện ở Long Thành, Đồng Nai vào năm 2013. Công ty Bosch Việt Nam (nhà đầu tư công nghệ cao lớn nhất châu Âu tại Việt Nam) đã đầu tư và hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ LILAMA 2 để triển khai chương trình TGA này. Bosch đầu tư thiết bị máy móc và phương tiện dạy nghề.

* Những khác biệt dễ nhận thấy nhất trong quá trình dạy và học theo giáo trình mới là gì, xin ông giải thích rõ hơn?

- Theo giáo trình mới, khi áp dụng vào trường học nơi tôi làm cố vấn thì năm ngày học sinh học ở xưởng, một ngày học lý thuyết ở lớp. Về phương pháp thực hành cũng có nhiều cải tiến, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trước đây, trong ba năm học, học viên chỉ làm ra các chi tiết nhỏ theo từng học kỳ, sản phẩm cuối kỳ thường không sử dụng được. Còn với chương trình mới, mỗi năm, các em đều có thể tự làm ra sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Học viên được trợ cấp lương hằng tháng và các chế độ lao động phù hợp.

Các trường nghề cơ khí hiện nay trang bị máy móc rất nhiều và liên tục đầu tư mới nhưng cả thầy và trò đều chỉ sử dụng để học lý thuyết và thực tập “suông”. Trong khi đó, nếu trong lúc học mà thầy trò cùng thực hành tốt thì có thể làm ra sản phẩm cơ khí để bán ra thị trường và có thu nhập, nhất là các phân xưởng cơ khí nhỏ lẻ ở khu vực Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài công việc cố vấn, tôi còn tham gia vào nhóm tập thể anh em Việt kiều Đức (trước đây học và làm việc tại CHLB Đức) trong nhóm tủ sách Nhất nghệ tinh của Ủy ban Tương trợ của Việt kiều Đức, mua bản quyền của nhà xuất bản sách Europa Lehrmittel CHLB Đức dịch cuốn Chuyên ngành cơ khí. Sách này đã tồn tại từ gần 60 năm tại Đức sau Thế chiến thứ hai, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt.

* Hẳn đây là một tài liệu được đánh giá cao vì từ trước đến nay ngành cơ khí chưa có giáo trình hoàn chỉnh như thế này…

- Đúng vậy. Từ trước đến nay, mỗi giáo viên dạy nghề cơ khí có giáo trình riêng, chưa có giáo trình thống nhất và đầy đủ. Quyển sách này được xem là giáo trình hoàn chỉnh nhất, được hội đồng giám khảo Sách hay 2013 nhìn nhận và đánh giá cao.

Năm ngoái, chúng tôi in 1.000 bản, giá bán đến 560 ngàn đồng, hiện nay sách đã bán hết và chúng tôi đang chuẩn bị tái bản. Sau cuốn Chuyên ngành cơ khí, chúng tôi đã tiếp tục ra mắt cuốn Điện và điện tử cách đây hai tháng cũng với số lượng 1.000 cuốn. Công ty Bosch và Tổng cục Dạy nghề đã mua số lượng lớn cho trường dạy nghề của họ.

Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ) mua mỗi đầu sách chuyên ngành 200 cuốn để sử dụng trong các trường dạy nghề do GIZ tài trợ. Dự kiến GIZ sẽ mua thêm 500 cuốn Chuyên ngành cơ khí sau khi tái bản vào đầu năm 2015. Điều này cho thấy nhu cầu về sách dạy nghề ở nước ta là rất lớn.

Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ cho ra những đầu sách về các ngành nhựa, công nghệ ôtô, cơ điện tử, hóa, sinh học… để Việt Nam có những giáo trình dạy nghề theo đúng tiêu chuẩn quốc tế trong việc đào tạo nghề chất lượng cao, giúp các sinh viên, thợ thủ công có điều kiện nâng cấp tay nghề.

Việt Nam cần một loại bách khoa toàn thư kỹ thuật giống bộBách khoa toàn thư của Diderot và D’Alembert (được xem là công trình khai sáng lớn ở Pháp thế kỷ XVIII) vì đây là tài liệu thiết thực cho công cuộc xây dựng đất nước, để giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đồng thời ứng dụng kỹ thuật, công nghiệp vào đời sống.

* Ở nước ta, có vẻ như các nhà tuyển dụng thường chú trọng kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành cơ khí chế tạo, chứ công nhân thì không cần đào tạo tay nghề cao…

- Đó mới là điều đáng lo ngại. Thạc sĩ, tiến sĩ mà không có tích lũy kinh nghiệm thực tế thì liệu có thể làm ra được sản phẩm để bán có người mua hay không? Bởi vậy mới có chuyện một quốc gia nhiều tiến sĩ như Việt Nam lại không thể làm được con ốc vít cho Tập đoàn Samsung Hàn Quốc.

Ngay như con bu-lông tán để siết bánh xe, chúng ta cũng phải nhập khẩu vì công nghệ của chúng ta còn kém, ngành thép chế tạo cũng chưa phát triển để chế tạo được loại thép có chất lượng cao.

Theo tôi được biết thì các cơ quan nước ngoài từ Đức, Pháp, Canada, Nhật… đã có nhiều chương trình đào tạo công nhân và kỹ thuật viên Việt Nam, nếu tận dụng tốt hẳn sẽ tạo những bước tiến lớn cho ngành cơ khí nước nhà.

Người ta nói đến con số hơn 2.000 tiến sĩ nhưng không nhắc đến số thợ thủ công, kỹ thuật viên, kỹ sư cho cuộc công nghiệp hóa. Trong khi đó, nếu không có một lực lượng thợ thủ công tay nghề cao, đất nước không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể phát triển kinh tế bền vững. Thực tế là ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu trong nước…

* Số liệu này khác xa so với số liệu do một quan chức của Bộ Công thương đưa ra mấy năm trước cho rằng ngành cơ khí đã đáp ứng được trên 40% nhu cầu nội địa…

- Hiện nay, có thể thấy rằng gần 75% doanh nghiệp nước ta nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, phần lớn là những thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả. Giá thiết bị này rẻ mà nhập khẩu dây chuyền cũ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác, thuế suất chỉ bằng 0%. Không thể đạt con số nói trên với thực lực về trang thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực bất cập và khả năng tài chính còn yếu.

Chúng ta phải tìm mọi cách phát triển được ngành cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp phụ trợ, mà trước hết là phải đào tạo cho được đội ngũ thầy ra thầy và thợ đúng nghĩa là thợ. Chỉ khi có đủ trình độ và năng lực sản xuất, chúng ta mới tham gia được vào chuỗi sản xuất, công nghệ của nước ngoài. Từ đó, chúng ta mới chủ động thỏa thuận về thời gian, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài.

* Vấn đề là chúng ta cần đào tạo những người thầy trước, từ đó mới có được những người thợ lành nghề?

- Đúng vậy. Ở nước ngoài, thầy phải có kinh nghiệm thực tế ở xưởng từ năm năm trở lên, để có thể dạy cả kinh nghiệm cho học trò. Còn ở Việt Nam thì từ trước đến nay, thầy chủ yếu dạy về lý thuyết còn thực hành thì đôi khi thầy còn… bối rối.

Với chương trình mới, chúng tôi muốn cả thầy và trò cùng thiết kế, tính toán và cho ra thành phẩm các sản phẩm cơ khí như: máy móc thiết bị dùng cho nông nghiệp từ khâu làm đất đến khâu chế biến. Học viên luôn phải được học và hiểu kỹ về an toàn sản xuất, kỷ luật trong sản xuất và bảo vệ môi trường.

* Các trường nghề của Đồng Nai có thể tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Phát triển công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện nay mới đang bắt đầu. Các trường nghề còn rất nhiều cơ hội để nắm lấy cơ hội này, nhưng phải chủ động hơn để hiểu được doanh nghiệp cần nguồn nhân lực như thế nào, chứ không có sẵn gì thì đào tạo đó như hiện nay.

Tôi vui mừng khi thấy Đồng Nai đang có nhiều tiến bộ trong đào tạo nghề. Lãnh đạo tỉnh hiện đang có những chương trình khuyến khích đổi mới giáo dục. Tại trường tôi làm cố vấn thì hiệu trưởng sẽ giữ vai trò như một ông giám đốc xí nghiệp, thậm chí phải đi tiếp thị để đưa hợp đồng về cho trường sản xuất.

* Danh hiệu Anh hùng lao động là sự công nhận những đóng góp lớn đó của ông trong suốt thời gian qua. Động lực nào đã khiến ông say mê lao động sáng tạo đến như vậy?

- Đó là niềm vui khi khám phá ra những nhu cầu mới và làm ra sản phẩm mới. Chẳng hạn như chiếc xe máy gắn với tưới tiêu nước dùng cho miền núi, nhà nào cũng có xe gắn máy mà không có điện, ra cánh đồng bơm nước rồi chạy về.

Từ khi chiếc xe gắn máy không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển mà còn giúp họ bơm nước tưới cây, chạy máy phát điện, xay xát, xịt thuốc trừ sâu… với công suất 1kW/giờ, tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt họ.

Nếu cần máy phát điện có công suất 1kW/giờ, người nông dân phải bỏ ra 4-5 triệu đồng mua máy, thì việc đầu tư bộ gá chuyên dùng gắn vào xe máy chỉ tốn không quá 1 triệu đồng.

Khi ra đồng, cần làm công việc tưới tiêu nhưng không có điện, bà con có thể biến chiếc xe gắn máy của mình thành một máy bơm nước nhờ thiết bị bơm nước gắn vào phía sau xe. Người ở vùng sâu chưa có điện thì chiếc xe gắn máy có thể cung cấp nguồn điện cho tivi, quạt máy và đèn thắp sáng sinh hoạt gia đình…

Tôi là người con của nông thôn, lớn lên từ ruộng đồng nên tôi luôn muốn làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, giúp cho bà con bớt đi nỗi vất vả, khó khăn.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

>> Đinh Hồng Kỳ: Công ty gia đình luôn có giá trị riêng

Theo Xuân Lộc

Cùng chuyên mục
XEM