Kim Jong-un - 1 năm nhìn lại: Cởi mở nhưng chưa cải cách
18/12/2012 10:54 AM
|
Cởi mở hơn cha, song Kim được đánh giá không đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách kinh tế.
Ngày 18/12/2012 đánh dấu một năm kể từ khi Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi Chủ tịch Kim Jong-il từ trần. Mặc dù đã thể hiện một phong cách điều hành đất nước cởi mở hơn cha mình, Kim được đánh giá là không đạt được kết quả quan trọng trong cải cách kinh tế cũng như cải thiện quan hệ ngoại giao.
Một lãnh đạo với phong cách cởi mở hơn
Một chủ đề gây chú ý kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền là sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo. So với cha ông, người đã trung thành với phong cách cứng rắn, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đã thể hiện một phong cách cởi mở và thân thiện với người dân hơn, vốn được cho là do ảnh hưởng của thời gian học tập tại Thụy Sĩ.
Một ví dụ điển hình cho sự thay đổi này là bắt tay những người mà ông gặp hoặc khoác tay và ôm họ với nét mặt tươi tắn. Đặc biệt, Kim Jong-un đã gây ra một cú "sốc" khi xuất hiện trước công chúng với vợ mình, bà Ri Sol-ju vào hồi tháng 7 trong một buổi biểu diễn của ban nhạc Moranbong, một hành động không phổ biến ở Triều Tiên. Cặp đôi cũng được nhìn thấy cùng nhau cưỡi ngựa tại Công viên giải trí nhân dân Runga ở Bình Nhưỡng.
Kim Jong-un và vợ, bà Ri Sol-ju.
"Không giống như dưới thời Kim Jong-il, con trai ông đã gần gũi hơn với người dân và tạo được cảm giác thân thuộc," một quan chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận xét, đồng thời cho biết Kim Jong-un đang cố gắng xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo yêu dân.
Ông cũng thể hiện thái độ cởi mở hơn với báo chí. Hôm 13/4, khi Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa, Kim Jong-un đã mời phóng viên và các nhà quan sát nước ngoài tới Bình Nhưỡng cũng như tiết lộ về địa điểm vụ phóng. Sau khi vụ phóng không thành công, ông lập tức thông báo về sự thất bại thông qua đài truyền hình nhà nước Triều Tiên.
Ngoài ra, hôm 15/4, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành, bài phát biểu của Kim Jong-un đã được phát sóng trực tiếp trên TV. Từ khi ông trở thành lãnh đạo, truyền thông Triều Tiên tăng tốc độ và thời lượng phát sóng các chương trình trực tiếp đáng kể.
Kinh tế vẫn chưa được cải cách
Khi Kim Jong-un thể hiện thương hiệu lãnh đạo mới của mình, những hy vọng về cải cách kinh tế ở Triều Tiên cũng tăng lên. Đặc biệt, sau tháng 7, các tin đồn lan rộng rằng cải cách kinh tế với tên gọi "các biện pháp cải cách kinh tế 28/6" đã được thực hiện. Nội dung của chính sách cải cách được cho là nhằm tăng cường quyền tự chủ và các ưu đãi cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như kinh doanh.
Mặc dù đã có thông tin về nội dung rành mạch và các kế hoạch thực thi, tuy nhiên cho tới nay vẫn về các biện pháp 28/6 chưa được xác nhận. Chính phủ và các chuyên gia Hàn Quốc phân tích rằng dù là các doanh nghiệp thí điểm đang hoạt động ở một số khu vực nhưng kết quả vẫn chưa chắc chắn. "Có vẻ có chút tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp song cải cách kinh tế cơ bản vẫn còn thiếu. Lạm phát cao và sản xuất kém, hàng hóa khan hiếm là nguyên nhân chính," giáo sư Kim Yeon-chul tới từ Đại học Inje nói.
"Đối với cải cách kinh tế sẽ diễn ra, tài nguyên nhất định là cần thiết, nhưng nguồn tài nguyên này không thể đáp ứng được trong nước," Quan chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận xét đồng thời khẳng định cải cách kinh tế khó hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cải cách kinh tế một phần. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp do quân đội quản lý đã được chuyển cho chính phủ trong khi mối quan hệ giữa đảng và quân đội đã được điều chỉnh.
Chuyến thăm của chú Kim Jong-un, ông Jang Song-thaek tới Trung Quốc vào hồi tháng Tám cũng đã thu hút sự chú ý liên quan đến cải cách kinh tế. Ông Jang đã đề nghị Trung Quốc đầu tư cho sự phát triển của các khu kinh tế đặc biệt của Hwanggumpyong, Wihwado và Rason, gần biên giới Trung Quốc và Triều Tiên.
Sự thay đổi có thể về ngoại giao trong năm tới
Kim Jong-un giám sát phóng tên lửa hôm 12/12 vừa qua.
Các quan hệ ngoại giao của chế độ Kim Jong-un được đánh giá là đi đúng hướng khi đạt được một thỏa thuận với Mỹ vào hôm 29/2. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước lại bị "dội gáo nước lạnh" khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa vào hồi tháng Tư.
Đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryu Woo-ik về một kênh đối thoại đã được vạch ra vào đầu năm nay tuy nhiên kế hoạch này đã bị cản trở vào hồi tháng Chín khi Triều Tiên từ chối chấp nhận cứu trợ lũ lụt. Triều Tiên đã tổ chức các cuộc họp với Hội Chữ thập đỏ và chính phủ Nhật Bản từ tháng Tám tới tháng Mười một nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đáng chú ý.
Mối quan hệ với đồng minh truyền thống Trung Quốc vẫn mật thiết khi các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao diễn ra đều đặn. Mặc dù vậy, với hai vụ phóng tên lửa, Trung Quốc, nước ủng hộ ảnh hưởng duy nhất của Triều Tiên, đã phải mất nhiều thời gian để đưa ra những quyết định liên quan tới quốc gia này.
"Có khả năng Triều Tiên có những thay đổi để cải thiện các mối quan hệ ngoại giao một cách xông xáo hơn trong năm tới khi vấn đề ổn định hệ thống điện và phóng thành công tên lửa đã được giải quyết," Jang Yong-seok, một nhà nghiên cứu tới từ Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
"Nếu Triều tiên tự tin hơn, các cuộc đàm phán sẽ có thể tiến hành trơn tru hơn".
Theo Sầm Hoa
Vietnamnet/Hani