Kiến trúc sư 8X, bán nhà thủ đô, về quê mua trang trại

01/11/2012 10:16 AM | Nhân vật

Căn nhà 5 tầng tại phố Hàng Trống (Hà Nội) được gia đình Cường bán với giá 1000 cây vàng, khoảng 18 tỷ đồng (năm 2001), đổ vào trang trại 50ha ở Nam Định.


Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, ít ai ngờ anh kiến trúc sư trẻ Nguyễn Hữu Cường lại trở thành ông chủ trang trại thủy sản có tiếng của tỉnh Nam Định. Theo như tâm sự của anh thì để có được thành quả như ngày hôm nay, anh và gia đình đã bỏ không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt.

Đến tận bây giờ Cường vẫn không thể tin mình lại làm giàu bằng con đường đi theo ngành thủy sản. Năm 2002, Cường tốt nghiệp đại học, con đường rộng mở với chàng kiến trúc sư trẻ với bao ước mơ và hoài bão. Nhưng cũng chính thời gian đó gia đình anh quyết định đầu tư vào thủy sản tại Nam Định. 

Căn nhà 5 tầng tại phố Hàng Trống được bán đi để lấy vốn. Vào thời điểm ấy 1000 cây vàng là một số tiền không nhỏ, tính ra tiền mặt, năm 2001 lúc bấy giờ vào khoảng 18 tỷ đồng. Cường từ bỏ tất cả để cùng về làm với gia đình.

Sau hơn một năm cải tạo, công ty thủy sản Đại Dương ra đời với trang trại rộng hơn 50 hecta với 100 hồ nuôi lớn nhỏ có đầy đủ hệ thống điện nước riêng biệt.

 
Trang trại với hệ thống điện nước riêng biệt

Năm đầu tiên, gia đình đầu tư tất cả vốn liếng vào nuôi tôm. Nhưng vì ít kinh nghiệm, cộng thêm con tôm giống không chịu được thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc, nên sinh bệnh chết hàng loạt. Vụ đầu coi như mất trắng. 

Sang năm thứ hai vẫn tiếp tục kiên trì với con tôm nhưng tình hình cũng chưa được cải thiện là bao, tôm vẫn chết hàng loạt. 

Nhận ra điểm yếu là thiếu kiến thức trong ngành nên Cường quyết tâm đi học. Anh vào các trang trại lớn trong miền Nam học hỏi kinh nghiệm. Nhận ra con tôm không phù hợp với khí hậu miền Bắc, lại rất dễ bị nhiễm bệnh, nên anh cùng gia đình quyết định chuyển hướng. Con giống mới lần này là baba. 

Lại bắt đầu từ đầu. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước lần này anh quyết định sang Trung Quốc vừa học hỏi vừa nhập khẩu con giống, vì đặc điểm thời tiết và khí hậu khá giống với miền Bắc. Ngoài ra anh còn mời hẳn chuyên gia người Trung Quốc sang chăm sóc và trị bệnh cho baba. 

Để tận dụng hết diện tích trang trại Cường nuôi xen kẽ thêm cả các loại cá nước ngọt khác như cá trắm đen, cá quả, cá chép, rô phi…

Theo Cường lần quyết định chuyển hướng này đã mang đến cho anh thành công. Con baba mặc dù những vụ đầu có bị bệnh nhưng do có sự phòng ngừa từ trước nên số lượng con chết không nhiều. 

Ngoài ra sự đầu tư có hiệu quả vào cá nước ngọt cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho công ty. Giờ đây, công ty xuất đi gần 2 tấn cá mỗi ngày. Kế hoạch mở rộng quy mô công ty vẫn tiếp tục không ngừng vì sản lượng xuất bán như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ hết nhu cầu. 
 

Chưa dừng lại ở các loại mặt hàng thủy sản truyền thống, Cường còn lặn lội sang Thái Lan để nhập khẩu giống các loại cá cảnh, mặt hàng giờ đây rất được ưa chuộng.
 
Tính đến thời điểm hiện tại doanh thu của công ty đạt khoảng hàng tỷ đồng mỗi tháng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân. Ông chủ trẻ còn nuôi tham vọng sẽ làm một siêu thị cá quy mô lớn nhất miền Bắc trong tương lai không xa. 

Công Vân

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM