John Kerry chính thức được Obama bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ

22/12/2012 08:55 AM |

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/12 đã chính thức bổ nhiệm Thượng nghị sỹ bang Massachusetts John Kerry làm Ngoại trưởng trong nội các mới để bắt đầu nhiệm kỳ hai từ tháng 1/2013 tới.

Thông báo bổ nhiệm được ông Obama đưa ra tại Nhà Trắng với Phó Tổng thống Joe Biden và ông Kerry đứng ở bên cạnh.
 
“Tôi rất lấy làm tự hào được thông báo sự lựa chọn của tôi cho chức ngoại trưởng sắp tới của nước Mỹ, John Kerry", ông Obama nói và cho biết thêm: “cả cuộc đời của John Kerry đã chuẩn bị để cho ông giữ chức vụ này”.
 
Tổng thống Obama đã đưa ra một loạt lời khen đối với vị Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc ông từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam như một cựu chiến binh và các mối quan hệ cá nhân của ông với các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.
 
“Từng tham gia với sự dũng cảm mà ông thể hiện ở Việt Nam, ông ấy hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm sử dụng sức mạnh của Mỹ một cách sáng suốt, đặc biệt về sức mạnh quân sự”, ông Obama nói.
 
Thượng nghị sỹ Kerry, năm nay 69 tuổi, từng được điều động tới Việt Nam trong vai trò trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong từ năm 1968-1969. Thời gian này ông đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington. John Kerry quyết định phản đối chiến tranh. Sau khi trở lại Mỹ đầu những năm 1970, ông Kerry được công chúng đánh giá cao khi đứng đầu một nhóm cựu binh tham chiến ở Việt Nam phản chiến.
 
“Trong rất nhiều năm qua, Kerry đã giành được sự tôn trọng và tin tưởng của các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Ông ấy không cần phải đào tạo thêm nhiều về nghề ngoại giao nữa”, ông Obama nhận định.
 
“Tôi nghĩ thẳng thắn mà nói rằng ít người có được sự hiểu biết một cách chắc chắn về nhiều tổng thống, thủ tướng hay nắm rõ các chính sách đối ngoại của chúng ta như Thượng nghị sỹ John Kerry, và điều này khiến ông trở thành một sự lựa chọn hòan hảo để dẫn dắt sự nghiệp ngoại giao của Mỹ trong những năm tới”, ông Obama nói thêm.
 
Lần đầu tiên ông được bầu làm Thượng nghị sỹ đại diện cho bang Massachusetts là vào năm 1984 và đến nay là nhiệm kỳ thứ năm. Ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ vào tháng 12/2008 sau khi ông Biden, người giữ chức vụ này khi đó, được bầu làm phó tổng thống.
 
Ông từng là ứng cử viên của đảng Dân chủ ra tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2004, nhưng thua sát nút cựu Tổng thống George W. Bush chỉ với khoảng cách 34 phiếu đại cử tri.
 
Tuy nhiên, ông Obama vẫn biết ơn vì được ông Kerry mời ra đọc bài phát biểu quan trọng tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tổ chức ở Boston tháng  7/2004, thời điểm ông Obama vẫn là một thượng nghị sỹ vô danh đến từ bang Illinois.
 
“Tất nhiên, tôi cũng phải nói lời cảm ơn vì Thượng nghị sỹ Kerry đã mời một thượng nghị sỹ trẻ bang Illinois ra phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ ở Boston", ông Obama nói và gọi ông Kerry là “một người bạn lớn”.
 
Thực ra, ông Kerry đã được ông Obama “nhắm” vào chức ngoại trưởng từ năm 2008 trước khi ông chọn bà  Hillary Clinton, đối thủ trong sự lựa chọn của Đảng Dân chủ để chạy đua vào Nhà Trắng.
 
Việc bổ nhiệm ông Kerry trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama đã được dự đoán trước sau khi bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và là sự lựa chọn hàng đầu của ông Obama cho chức ngoại trưởng, rút lui tuần trước sau những tranh cãi xung quanh vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Libya hôm 11/9 làm 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Christopher Stevens.Về mặt nào đó, vụ Benghazi cũng tạo bàn đạp để ông Kerry được chỉ định vào vị trí ngoại trưởng.
 
Mới tuần này, ông đã triệu tập các thành viên trong ủy ban của ông để nghe điều trần về vụ khủng bố ở Benghazi, Libya, và sau đó đã phê phán việc làm của Bộ Ngoại giao tại đó.
 
Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton, người mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói là đang phục hồi sau khi bị ngất và tuần này phải làm việc tại nhà, đã không có mặt tại buổi bổ nhiệm ông Kerry tại Nhà Trắng.
                                                                                                            
Nếu được Thượng viện chấp nhận, ông Kerry ngay lập tức phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng ngoại giao, ví dụ tình hình suy sụp tại Syria, nơi có nhiều người lo ngại các nhóm nổi dậy có liên hệ với al-Qaida đang mạnh lên.
 
Ngoài Syria, ông Kerry còn đối mặt với Triều Tiên, nơi vừa mới thử tên lửa tầm xa thành công; đó là chưa kể Iran, vẫn muốn tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.
 
Theo Lê Minh - Vũ Quý
Dân Trí/AP

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM