Doanh nhân ước gì nếu ngày tận thế trở lại?

10/02/2013 01:49 AM | Nhân vật

"Câu hỏi thực tế không chỉ cho chúng ta, những người đang mạnh khỏe, tươi vui, đang chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn nhưng ở đâu đó, thì đây là câu hỏi dành cho chính họ”.

Một mùa xuân mới của năm Nhâm Thìn đang về trên đất nước Việt Nam mang bao ước vọng về một năm mới may mắn, tươi vui. Nhưng ở đâu đó trên đất nước này, trên thế giới này vẫn có những con người đang chờ hành quyết ngày mai. Nếu đặt mình vào vị trí của những người kém may mắn đó, bạn ao ước điều gì cho riêng mình? Những chia sẻ thú vị của các doanh nhân dưới đây sẽ khiến chúng ta bùi ngùi trước những rủi ro, bất trắc của cuộc sống.

Quay trở lại ngày 15/12/2012, thời điểm chỉ còn đúng một tuần nữa để sống theo quan niệm của người Maya cổ. Rất may những đồn đoán về ngày tận thế 21/12/2012 đã đi qua. Nhưng hãy giả định: nếu còn 7 ngày để sống, bạn sẽ làm gì và thứ tự ưu tiên như thế nào?


Ông Nguyễn Văn Tuấn: "iều đáng sợ nhất không phải tôi biết một tuần nữa tôi sẽ chết mà là tôi không biết khi nào mình chết".

Khi được hỏi sẽ làm gì nếu mất mạng, ngón nghề thương mại điện tử bị đánh sập thì sẽ làm gì, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Thương mại Điện tử Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam – VC Corp, cho biết: “Thực tế điều đáng sợ nhất không phải tôi biết một tuần nữa tôi sẽ chết mà là tôi không biết khi nào mình chết. Nếu biết rõ một tuần nữa sẽ chết thậm chí tôi còn vui. Tôi sợ nhất là làm điều gì không có kế hoạch vì không biết định hướng thế nào. Còn khi ta biết được mốc ấy rồi thì còn gì mà sợ nữa. Nếu còn một tuần nữa, tôi vẫn làm việc bình thường. Ngày cuối cùng sẽ mở tiệc to để chào đón điều ấy làm sao cho mình cảm thấy thỏa mãn nhất. Còn mạng sập nghe hơi buồn cười nhưng khi làm chúng tôi đã tính đến rồi. Chúng tôi đã có server để trên vệ tinh. Đầu tiên chúng tôi đặt server ở Hà Nội và TP HCM nhưng nhỡ may động đất thì sao. Bao nhiêu dữ liệu nếu chúng ta phải lấy lại từ đầu cực khó”.


Ông Phan Tất Thứ (ngoài cùng bên trái) trong lần ăn tối cùng George Soros.

Đi ngược với những “bán tín bán nghi” của nhiều người về ngày tận thế trước dịp 21/12, tiến sĩ Phan Tất Thứ, Giám đốc Công ty KNV cho hay: “Giả thiết về tương lai có quá nhiều và nếu tin chúng ta sẽ khổ vì những giả thiết ấy. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản có số người tự tử cao nhất thế giới. Thường số trường hợp tự tử lại rơi vào những người thành công vì khi đã dư dả về tiền bạc, họ cảm thấy cuộc sống vô vị. Vậy một giải pháp được đưa ra là cho chết thử. Người ta nói rằng, ở thời điểm nằm trong quan tài 55 phút họ mới thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Khi chúng ta không suy nghĩ quá nhiều về chuyện sống chết, chúng ta sẽ rất bình tâm. Tôi nhận ra một điều kiếp sống con người thực sự rất ngắn ngủi. Cá nhân tôi tin có nhiều kiếp sống. Đây chẳng qua chỉ là một cuộc dạo chơi”. 


Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: "Cuộc đời này chỉ là một “trạm” trong quãng đời vô cùng của mình trong tương lai".

Cho rằng câu hỏi không phải là không thực tế, không hề mang tính giả thiết là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình. Ông nói: “Trong lúc chúng ta ngồi đây, có những tử tù đâu đó trên thế giới đang đợi hành quyết ngày mai. Có những bệnh nhân ung thư, HIV được bác sỹ cho biết họ chỉ còn sống được một tuần nữa. Nên tôi không nghĩ đây là câu hỏi có tính chất giả định, mà là câu hỏi thực tế không chỉ cho chúng ta, những người đang mạnh khỏe, tươi vui, đang chuẩn bị một bữa ăn tối thịnh soạn nhưng ở đâu đó, thì đây là câu hỏi dành cho chính họ”. 

“Nếu ở trong trường hợp này, nếu còn một tuần để sống, tôi sẽ gọi cho gia đình và nói rằng tôi về với gia đình và gia đình về với tôi. (Hiện gia đình tôi đang ở nước ngoài và tôi không thuyết phục được họ về sống). Có lẽ, tôi sẽ gọi cho tất cả những người thân thiết nhất và xin họ một sự tha thứ. Trong cuộc sống chắc chắn tôi có làm điều gì sai quấy, làm phiền lòng họ. Trước khi đi tôi muốn một sự tha thứ. Điều thứ ba, tôi là người công giáo, chắc chắn tôi sẽ đi xưng tôi, xin chúa tha thứ cho những tội lỗi mình đã phạm để ra đi trong thanh thản”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông còn nói: “Nếu còn một ngày để sống, buổi sáng 8 giờ thức dậy và biết rằng 8 giờ tối tôi sẽ đi, có lẽ chỉ còn hai đối tượng tôi chia sẻ thời gian, đó là gia đình tôi và Thiên Chúa. Tôi dùng 6 tiếng đồng hồ đầu tiên để cầu nguyện, 6 tiếng đồng hồ sau tôi nói chuyện với gia đình để khi được gọi ra pháp trường hoặc đến giờ chết tôi đi”. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ một ý nghĩ của riêng mình. Ông nói ra điều này không phải là “đầu môi chót lưỡi” mà thực sự ông chưa bao giờ sợ chết. “Là người công giáo, tôi nghĩ rằng cuộc đời này chỉ là một “trạm” trong quãng đời vô cùng của mình trong tương lai. Khi tôi chết đi, tôi sẽ được đi đến một “trạm” tiếp theo. Chính vì thế, tôi vui khi chuẩn bị đi vào giai đoạn mới của cuộc sống này". 

Đó là những chia sẻ rất cảm động, đầy tính nhân văn của các nhân vật. Những tâm sự tận đáy lòng của các doanh nhân đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc thật đặc biệt, đáng để suy ngẫm khi xuân mới tràn đi muôn nơi, ngắm pháo giao thừa rực rỡ, ấm áp bên mái ấm của mình.

Tân Hoa (ghi)

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM