Doanh nhân Lê Phương Lan: Từ ‘Ngôi nhà mơ ước’ đến Trường Phổ thông liên cấp Olympia

20/10/2015 12:02 PM | Nhân vật

Trường Phổ thông liên cấp Olympia mới được thành lập cách đây 5 năm, nhưng đã sớm được lựa chọn là nơi gửi gắm thế hệ tiếp theo của các gia đình doanh nhân, khi có đến 75% học sinh là con của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao tại Hà Nội.

Trò chuyện với Cafebiz, bà Lê Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Olympia chia sẻ: Chúng tôi muốn thế hệ doanh nhân kế cận phải được chuẩn bị và hậu thuẫn để đi nhanh hơn, thành đạt hơn nhưng trên đôi chân và năng lực của chính họ chứ không phải sự thừa hưởng sẵn có và đương nhiên từ gia đình.

Khởi đầu từ Ngôi nhà mơ ước - Dream House...

Quay lại thời gian hơn 10 năm trước, cơ duyên nào đã khiến bà bước chân vào ngành giáo dục?

Lúc đó tôi còn đang đi làm tại Shell Việt Nam, đứa con đầu lòng được gửi học tại trường mầm non 20/10, vốn là trường điểm và cũng phải nhờ quen biết thì con tôi mới nhận được vào học.

Theo dõi con học tại đây, tôi nhận thấy vì là trường công nên các cháu rất đông, các cô không thể chăm sóc kỹ cho từng cháu được. Dẫn tới các con sẽ có cảm giác không thoải mái, phụ huynh cũng không yên tâm. Chưa kể việc con cái thường xuyên bị gửi ngoài bảo vệ vì bố mẹ đón muộn, rồi thì cảnh ăn uống nhồi nhét khổ sở của cô giáo và con trẻ…

Về chương trình học, mầm non Việt Nam là một trong những nội dung học tôi thấy khá tốt, rất chi tiết nhưng đôi khi chi tiết quá nên độ sáng tạo không được nhiều. Ví dụ, hình vuông với hình tam giác ghép với nhau thì lúc nào cũng là cái nhà, còn bông hoa thì lúc nào cũng là lá xanh hoa đỏ và 6 cái cánh xung quanh...

Khi sinh cháu thứ 2, trong một lần vô tình ngồi “kể khổ” chuyện con cái cùng vài người bạn, chúng tôi bàn với nhau ‘Hay là mình mở trường mầm non cho con?’ Sau đó chỉ vài tháng, trường mầm non Dream House được ra đời.

Xuất phát chỉ từ ước muốn có một ngôi trường dành riêng cho con mình, chúng tôi đặt tên ngôi trường là ‘Ngôi nhà mơ ước’ – mang đúng ý nghĩa là một ngôi nhà thứ 2 của các con.

Chắc hẳn bà cũng gặp phải những khó khăn lúc mới lập trường?

Thực sự lúc đó chúng tôi chỉ biết là cứ làm thôi, làm là vì các con của mình. Trong 12 học sinh thì có 5 là con của founder, vì vậy chúng tôi hiểu được các con cần gì và phải mang lại điều gì cho các con. Tôi đã từng có thời gian dài làm ở tập đoàn nước ngoài nên tính hệ thống rất tốt, đem áp dụng vào cách quản lý của Dream House.

Vài năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam mới đưa KPI vào quản lý thì năm 2003, tôi đã đưa KPI vào cho giáo viên trong trường rồi, một cách rõ ràng rành mạch, giáo viên cứ thế mà làm theo.

Dream House được tạo dựng như vậy từ 4 founder có các con đều ở lứa tuổi mầm non và chúng tôi cũng phải đi học, đi mời tiến sĩ trong lĩnh cực mầm non về dạy. May mắn là đúng lúc đấy chúng tôi có được một vị bác sĩ là Trưởng khoa Viện nhi rất có tâm về hỗ trợ. Hiện giờ bác vẫn còn gắn bó với trường.


Học sinh tại trường mầm non Dream House

Học sinh tại trường mầm non Dream House

Bài tính hiệu quả trong đầu tư đơn giản chỉ là đầu tư vào con cái - tài sản lớn nhất. Đây cũng là lý do xuất hiện các khoản đầu tư tiếp theo khi những người con lớn dần lên…

Đến 2007, con tôi lên lớp 1. Tôi nghĩ, “giờ ko mở tiếp trường tiểu học thì chết”. Những bạn đã lỡ ra trường, học lớp 1 rồi thì rất là tiếc. Bởi vì các cháu học ở mầm non Dream House đã rất tự tin, sáng tạo, khi lên lớp 1 các cháu chuyển sang môi trường học tập khác cảm giác bị thui chột phần nào.

Mọi người cũng khuyến khích bảo như thế rất là phí, các phụ huynh cũng động viên “cứ mở đi”, và thế là chúng tôi lại tiếp tục.

Nhờ sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi thuê được địa điểm xây trường tiểu học tại khu vực Hồ Tây. Ban đầu sĩ số của trường chỉ có 200 học sinh, nhưng may mắn là chúng tôi có được những người công sự rất là tốt, mọi thứ dần dần tiến triển hơn.

... đến Trường Phổ thông liên cấp Olympia

Mọi việc suôn sẻ đến 2008-2009, bà Lan cùng các founder quyết định xây dựng tiếp ngôi trường cấp 3. Ngoài số tiền do cổ đông đóng góp, những người sáng lập bắt đầu lập dự án, vay vốn ngân hàng để xây dựng ngôi trường riêng cho Olympia tại khu đô thị mới Trung Văn thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Năm 2012, trường bắt đầu đi vào hoạt động tại địa điểm mới. Kinh doanh giáo dục nhưng vốn vay hoàn toàn là vốn vay thương mại, không được hưởng lãi suất ưu đãi. Vào năm 2012, “tôi quyết định dừng hẳn công việc tôi đang làm, dành toàn bộ thời gian cho Olympia. Đến nay, khoản đầu tư đã lên tới khoảng 150 tỷ đồng.”

Đầu tư nhiều như vậy, bài toán lợi nhuận đã được bà và các cổ đông đã tính như thế nào?

Lợi nhuận chúng tôi nhìn thấy là từ con cái của mình, bạn bè, đồng nghiệp.

Cũng vì không có kinh nghiệm nên đầu tư cũng vất vả. Năm 2008 – 2009, khi bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất của trường, chúng tôi phải vay với lãi suất trên 20%, đẩy thời gian hoàn vốn dự kiến kéo dài hơn đến 2-3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi không phải bỏ thêm vốn cho hoạt động của trường nhưng lại đứng trước giai đoạn hai của sự phát triển. Chúng tôi nhận thấy cần phải xây dựng thêm cơ sở thực hành cho học sinh, vậy là lại lo lập dự án, tiếp tục vay vốn ngân hàng… Ngày thu hồi vốn còn xa, nhưng chúng tôi vẫn xác định đây là lĩnh vực kinh doanh tốt, ít nhất là khi con trai út của tôi sẽ học ở đây trong 10 năm tới.

Được biết tại Olympia, khoảng 75% học sinh là con của các gia đình doanh nhân, một số là đứng đầu các tập đoàn lớn, 10 - 15% là con của các nhà quản lý và công chức cấp cao. Có phải bà đã định vị đối tượng học sinh của Olympia là như vậy ngay từ đầu?

Thực ra khi thành lập trường, tôi chưa nghĩ là trường chỉ dành cho con em của các gia đình doanh nhân hay lãnh đạo. Tuy nhiên có thể vì cùng là người lãnh đạo, điều hành doanh nghiêp, cũng đối mặt với các vấn đề phức tạp trong chăm sóc, dạy dỗ, định hướng nghề nghiệp cho con cái trong khi rất bận rộn, thiếu thời gian, nên những mong muốn của tôi cũng rất gần với mong muốn, nhu cầu của các doanh nhân.

Ngoài ra, có một điểm thuận lợi cho chúng tôi là các doanh nhân thành đạt vốn là những người tân tiến, cởi mởi, đồng quan điểm về triết lý giáo dục. Họ sẵn sàng ủng hộ phương pháp day học hiện đại mà nhà trường đang ứng dụng.

Đã có trường hợp nào một học sinh nảy sinh “tự phụ” vì gia đình mình giàu có không?

Cũng có không ít trường hợp như vậy. Ngược lại, cũng có em quá tự ti vì cái bóng quá lớn của người cha. Vì vậy, việc học và dạy làm doanh nhân được xác định là không chỉ dành cho con cái mà cần có sự chia sẻ về quan điểm, tư duy của những thế hệ đi trước.

Chúng tôi muốn thế hệ doanh nhân kế cận phải được chuẩn bị và hậu thuẫn để đi nhanh hơn, thành đạt hơn nhưng trên đôi chân và năng lực của chính họ chứ không phải sự thừa hưởng sẵn có và đương nhiên từ gia đình. Chúng ta cũng không thể mong một ngày các em lớn khôn như Thánh Gióng với đầy đủ kiến thức, kỹ năng và quan trọng là tinh thần và tư duy của người làm chủ - của doanh nhân.

Cách dạy học ở Olympia có gì khác biệt?

Trước khi vào trường, Olympia sẽ cho học sinh ở bậc tiểu học làm test vân tay, từ đó có thể đoán biết được thiên hướng, sở trường của các con để có cách dạy phù hợp. Ngoài các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục – Đào tạo, chúng tôi chú trọng đến các môn ngoại khóa, thực hành và cố gắng hướng cho các con được học, trải nghiệm những gì các em thích để tạo cho các con niềm say mê hứng khởi.

Các con có khả năng về mặt tư duy, khả năng học tập nhưng lại có một điểm yếu là động lực, vì khi cha mẹ có điều kiện thì các con sẽ ỷ lại. Tuy nhiên tính lãnh đạo trong tiềm năng của các con đều có sẵn, nên chúng tôi hướng cho các con về tính chia sẻ.

Sự khác biệt của Olympia là tôi muốn học sinh có phương pháp tự học và đam mê với việc sau này tôi phải sống tự lập và tôi khẳng định bản thân của tôi, và tôi giúp được cho người khác như thế nào.

Chúng tôi dạy các con ngay từ bé rằng việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng là điều quan trọng, và ở Olympia không có các chức danh như là tổ trưởng, lớp trưởng như ở các trường khác. Chức danh ở đây của các con sẽ là người giúp đỡ, người chịu trách nhiệm về của công như công tắc điện, bàn ghế hoặc những vấn đề về ăn uống, giúp các bạn chia sách chia vở, đơn giản thế thôi…

Thứ hai là chúng tôi dạy các con về đạo đức, tư duy logic tại sao phải làm như thế. Bình thường các con học đạo đức thường chỉ là các bài dạy về đạo đức trong sách, còn dạy đạo đức ở đây là không chỉ là tâm hồn bên trong mà còn là hành vi thể hiện ra bên ngoài như thế nào.


Học sinh Olympia với dự án trồng cây dùng vật liệu tái chế trong khuôn viên trường

Học sinh Olympia với dự án trồng cây dùng vật liệu tái chế trong khuôn viên trường

Kỹ năng quản lý tiền bạc thì sao, bà có dạy học sinh điều này không?

Có, chúng tôi dạy các cháu từ rất sớm. Trong chương trình, các con được học một môn học gọi là Tài chính cá nhân. Từ bậc tiểu học các con đã biết tiền được sử dụng như thế nào, tiền tệ là gì và tại sao cần có tiền. Các con học cách tự sáng tạo ra tiền, sáng tạo ra cách trao đổi. Ví dụ như thấy các bạn đổi cho nhau 1 cái bút chì và 1 cái tẩy, thì mình phải tìm thêm cái gì đấy có thể đổi chác được .

Các con được dạy về thu và chi. Những thứ như đồ ăn thức uống thì bắt buộc phải chi, còn những cái mình muốn như đồ chơi, sách truyện thì các con sẽ phải biết lựa chọn những thứ thực sự cần thiết.

Học sinh cũng phải tự lập dự án để biết cân bằng giữa thu và chi, tôi muốn làm ra nhiều tiền nhiều hơn thì tôi phải thu về nhiều hơn. Có bạn lập dự án bán xôi , tự kiếm được 100.000đ đồng tuy ít nhưng phấn khởi, sung sướng lắm. Chúng tôi cũng phải giải thích rằng 100.000đ kiếm được ra khó như thế, trong khi chi tiêu của các con phải mất đến bao nhiêu tiền của bố mẹ, nên là phải học chứ đi bán xôi thi không ăn thua.

Vì có chương trình này nên Olympia là trường duy nhất có học sinh được lựa đi thi cuộc thi ‘Doanh nhân trẻ tương lai’ ở Đức cùng với 8 nước nữa như Indonesia, Malaysia,...

Bà nghĩ sao về văn hóa đút lót, tặng quà?

Tại trường, chúng tôi quy định là không được phép nhận bất cứ cái gì được cho, tặng từ các phụ huynh. Bởi vì như thế là không công bằng với học sinh và bản thân giáo viên. Nếu có thì sẽ chuyển lại văn phòng và văn phòng sẽ trừ vào tiền học phí của các con.

Chúng tôi đã mất khoảng 2 năm ‘chiến đấu’ với phụ huynh để thay đổi quan điểm đấy. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra cách, là sẽ nhận những cái gì đóng góp cho mục đích chung của trường và mang lại lợi ích cho học sinh thì tôi sẽ nhận. Ví dụ như có trường hợp phụ huynh ủng hộ 100 triệu cho trường, chúng tôi lấy số tiền đó đầu tư xây dựng ngay xưởng bánh dành riêng cho các con.

Được biết chồng bà cũng là một doanh nhân, gia đình bà có hướng các con sau này trở thành doanh nhân giống mình không?

Chúng tôi tôn trọng quan điểm riêng của mỗi các nhân, không ép buộc ai kể cả là con cái và khuyến khích các con phát huy hết khả năng của mình. Tốt nghiệp đại học, bố mẹ sẽ không trợ giúp mà các con sẽ phải tự tìm cho mình một công việc, để làm sao có được kinh nghiệm thực tế trước khi quay trở về kế thừa công ty của gia đình.

Xin cảm ơn bà!

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM