Đặng Lê Nguyên Vũ: Starbucks không có gì ghê gớm

22/02/2013 10:28 AM |

"Nhìn thẳng vào bản chất, nói thật về bản chất, chính là hệ giá trị mà Trung Nguyên (TN) sẽ theo để bắt vào đó xác định giá trị cốt lõi TN cần phải làm", ông "vua cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, cần phải nói, phải nêu những gì mình thấy không phải vì Trung Nguyên mà vì nhiều thứ khác.

Chia sẻ tham vọng muốn làm nhà "Lãnh đạo cà phê thế giới", ông cho biết đang bắt đầu chinh phục nước Mỹ và lấy Asean làm thị trường nội địa chứ không phải là Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về những khó khăn trước mắt?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Thật sự mà nói thì tôi luôn quan niệm một công ty cũng giống như một quốc gia. Trong sự nghiệp, một thành công phải được nhìn nhận trên 3 góc độ.

Thứ nhất: Văn hóa, tư tưởng: Đấy là yếu tố xác lập, là cốt lõi của sự phát triển.

Thứ 2: Phải có chiến lược để thực thi. Phải hiểu mình, hiểu đối thủ, hiểu được bối cảnh xung quanh, hiểu thời đại để có một chiến lược đặc sắc.

Thứ 3: Phải thiết lập được những tổ chức thực thi chiến lược đó. Cái này là khó nhất ở Việt Nam, khó nhất của Trung Nguyên. Vì muốn thực thi được thì phải có bản lĩnh.

Điều gì khiến ông tin Trung Nguyên sẽ thành công ở Mỹ?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Nếu xét lại các đối thủ hiện diện trên thế giới thì tôi không quá coi trọng lắm. Qua tìm hiểu họ tôi thấy họ cũng chẳng có gì ghê gớm cả.

Nước khác làm được mình cũng làm được. Starbucks làm được, Trung Nguyên cũng sẽ làm được.

Trung Nguyên muốn chinh phục được nước Mỹ thì phải hiểu thực sự nước Mỹ như thế nào. Phải thu phục được người Mỹ, phải có gì hay ho hơn Starbucks, hay hơn hệ thống đó chứ.

Làm được điều đó, Trung Nguyên phải trả lời 3 câu hỏi:

Sản phẩm chiến thắng nước Mỹ là gì?

Mô hình kinh doanh chiến thắng trên đất Mỹ là gì?

Người Mỹ cần câu chuyện gì bên ly cà phê TN, cà phê của Việt Nam. Phải có chiến lược, và mô hình kinh doanh. Nhưng bây giờ chưa phải lúc để nói về điều đó. Hãy để chúng tôi làm đã.

Sự kiện Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam đầu tháng 2-2013 với hàng trăm người xếp hàng dài chờ mua hàng đã đánh tiếng tốt cho thương hiệu này tại Việt Nam. Không ngại về chất lượng Starbucks nhưng ông lại cho rằng họ sẽ không gặp khó vì sự ngưỡng vọng của người Việt. Trung Nguyên đã đề ra chiến lược gì để giữ thị phần trong nước?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Những gì chúng tôi hoạch định thì chúng tôi cứ làm thôi, với Starbucks tôi nghĩ rằng không có gì là ghê gớm cả, tôi không ngại Starbucks. Mọi người phải nhìn lại cái lịch sử phát triển của họ chứ đừng nhìn vào cái đồ sộ hiện có, sẽ bị nó che mờ. Phải nhìn vào cái bản chất thực sự của họ là hông phải cái mà chúng ta đang thấy.

Tuy nhiên, từ vật chất đến ngưỡng vọng của người tiêu dùng cũng là một khó khăn lớn.

Qua việc của Starbucks mình phải hiểu về cái ý thức dân tộc, cái tự tôn của đất nước nhìn nhận dưới góc độ nào mới là quan trọng. Còn việc xếp hàng thế này thế kia tôi cũng chỉ nghe đồn thổi vậy, chứ tôi cũng không biết.

Đất nước hùng mạnh hay không thì phải nhìn vào hàng hóa, con người, dịch vụ Việt. Phải vươn đến được mọi nơi trên thế giới. Phải chinh phục được New Your, London, Bắc Kinh, Maxcova... thì lúc đó mới chứng tỏ nó hùng mạnh thế nào.

Nếu không, đất nước này chỉ là nơi cung ứng những gì thấp kém nhất, sức lao động, mặt bằng sản xuất, nguyên liệu thô hay chỉ là thị trường tiêu thụ văn hóa, hàng hóa của xứ khác. Nếu như vậy thì thành nô dịch hay nô lệ rồi. Tôi không muốn cái đó, suốt cuộc đời tôi căm ghét điều đó.

Xét cho cùng, chúng tôi cũng chỉ muốn chứng tỏ rằng mình nói là mình làm được.

Theo ông, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn như hiện nay, có nên đề cao tinh thần Bạch Thái Bưởi ngày xưa, người Việt yêu nước thì phải dùng hàng Việt?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Nếu người Việt chối bỏ dịch vụ, hàng hóa của người Việt thì đó là một sự đau lòng.

Khi tinh thần yêu nước được thể hiện qua văn hóa tiêu dùng nó sẽ trở thành hậu phương rất vững cho dịch vụ, hàng hóa của chính nước đó. Và văn hóa của họ cũng trở thành một hiện tượng có sức mạnh rất ghê ghớm trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, chỉ khi nào ý thức người Việt trong tương lai thức tỉnh lúc đó mới làm được, nếu không sẽ trở thành nô lệ cho những tư tưởng bên ngoài, những thứ đã tôn vinh, bị tô vẽ tạo nên thương hiệu ảo.

Trung Nguyên đã bắt đầu tiến vào thị trường thế giới. Trên chặng đường này, theo ông đánh giá, Starbucks có phải là vật cản khó vượt qua?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Chắc chắn, nếu muốn chinh phục nước Mỹ, chúng tôi phải thắng, vượt được qua các ông lớn đồ sộ như vậy. Làm sao chinh phục được nước Mỹ khi mà có những vật cản án ngữ mà chúng tôi chưa thể vượt qua được. Chính vì vậy, vượt qua được Starbucks là bài toán chúng tôi cần phải giải.

Nếu chúng tôi quyết tâm giải được bài toán trên đất Mỹ thì không có lý gì lại không giải được bài toán ở Việt Nam.

Nếu người Việt Nam ngưỡng vọng ông ngoại quốc quá thì chúng tôi sẽ nỗ lực chứng minh rằng nó là chẳng có gì trên đất Mỹ cả. Đến lúc đó, khi quay về thì chắc đồng bào mình sẽ đón chào tốt hơn (cười...).

Trong một bài phỏng vấn, ông đã thẳng thắn rằng Starbucks thành công ở Mỹ nhưng không thành công ở các nước khác. Như vậy, theo ông, Mỹ không phải thị trường khó tính nhất nhưng ông lại dự định thâm nhập thị trường Mỹ để làm bàn đạp thâm nhập thị trường thế giới. Liệu có mâu thuẫn nào trong mục tiêu đó không, thưa ông?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Không có mâu thuẫn nào cả. Chưa ai có thể nhìn thấu suốt Starbucks và có thể lột trần Starbucks giống như tôi đã nói.

Nhưng Mỹ là nơi hội tụ của các tay chơi hàng đầu trong ngành cà phê hàng đầu thế giới. Còn vấn đề thành công không phải cứ cà phê anh ngon là thành công.

Đến được Mỹ thì chúng tôi sẽ đến được mọi nơi trên thế giới.

Điều gì khiến ông tin Trung Nguyên sẽ thành công chính nơi mà Starbucks đã thất bại?

Đặng Lê Nguyên Vũ : Không hiểu sao tôi vẫn cứ tin như thế. Trước tiên để đạt được một vấn đề gì đó thì mình phải có niềm tin trước đã.

Còn TN có bản sắc hay chưa, bản sắc gì, chinh phục được ai thì chúng tôi nói rằng chúng tôi mới 16 năm thôi. Hãy nhìn vào những gì chúng tôi nói trên con đường đi chứ đừng nhìn vào quá khứ, mà phê phán những hoài bão của chúng tôi, để mà đánh giá thì không đúng.

TN thành công bắt buộc phải có chiến lược, mô hình kinh doanh cụ thể. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là làm sao để người ta thấy và sờ mó vào được cái bản sắc, cái khác biệt đó.

Khi tập đoàn Starbucks loan báo sẽ bước vào thị trường Việt Nam, ông đã luôn thẳng thắn nói thật về sự thành công của Starbucks thực chất là ở cách làm thương hiệu, thị trường chứ không phải là chất lượng. Trong khi đó, Starbucks lại chọn cách giải thích đi vào gu thưởng thức, văn hóa, tiện dụng, coi Trung Nnguyên là bạn, là cùng chí hướng … Đây có phải là văn hóa ứng xử của Trung Nguyên ?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Việc nói thẳng vào bản chất, nói thật về bản chất, tôi nghĩ đó chính là hệ giá trị mà chúng tôi sẽ theo để xác định được giá trị cốt lõi cần phải làm.

Còn nói lòng vòng không phải là vấn đề ứng xử của TN. Văn hóa ứng xử thì cũng chỉ là cái cách nói thôi. Có lẽ cũng do cá tính của tôi quá mạnh.

Tôi thấy cần phải nêu lại những vấn đề mình thấy cần phải làm rõ. Mà không phải mình tôi nói, hãy hỏi thẳng những người từng uống Starbucks. Họ không thích cà phê, vậy thực chất nó là cái gì?

Những ai thích uống loại cà phê đó thì tôi không nói làm gì. Hoặc xếp hàng để giống cái này cái kia tôi cũng không bàn. Nhưng nếu cố gắng uống để chứng tỏ một đẳng cấp ảo, giống Mỹ, giống tây thì tội nghiệp quá.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Vũ
Đất Việt

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM