Cựu CEO NhomMua: Viết tiếp câu chuyện kinh doanh trực tuyến

10/06/2013 15:48 PM | Nhân vật

Tom Trần được biết đến như người đầu tiên viết thành công câu chuyện kinh doanh trực tuyến dưới hình thức mua theo nhóm tại Việt Nam, nhưng sau những ồn ào về nhomMua.com ông đã chấp nhận ra đi...

... và bắt đầu viết tiếp câu chuyện kinh doanh trực tuyến tại Kay.vn.

Luôn làm điều khác người

Tom Trần về Việt Nam vào năm 2002, là người vốn đam mê công nghệ và mong muốn làm một điều gì đó cho cộng đồng, chính vì thế ý định ban đầu của ông là xây dựng một sản phẩm liên quan đến bất động sản nhưng để có sản phẩm bên ngành này thì phải có bản đồ lúc đó ông bắt đầu xây dựng trang bản đồ trực tuyến diadiem.com. Sau một thời gian hoạt động ông bắt đầu đưa diadiem.com trở thành trang bản đồ địa phương số 1 Việt Nam vào năm 2005.

Lúc này, Tom Trần bắt đầu tìm cách kinh doanh trên website này, nhưng cái kinh doanh hay nhất của nó là đi bán cơ sở dữ liệu cho những công ty cần và bản đồ hiện nay vẫn phục vụ miễn phí cho cộng đồng.

Được biết, ông khởi nghiệp từ diadiem.com và vào thời điểm đó website này đang phát triển rất thuận lợi. Vậy sao ông không tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh trang web này mà lại nhảy sang lĩnh vực kinh doanh trực tuyến với nhomMua.com ?

Tôi là người luôn thích khám phá tìm ra cái mới. Tôi cũng sống ở nước ngoài khá lâu và rất đam mê cách bán hàng của amazon.com. Từ đó, tôi mong muốn mang hình thức kinh doanh này về Việt Nam. Khi biết được chuyện này mọi người trong gia đình và bạn bè đều ngăn cản, ai cũng nói thương mại điện tử sẽ không thành công ở Việt Nam, nhưng những gì tôi thích càng cố ngăn cản thì tôi càng quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, họ ngăn cản tôi không phải không có cơ sở vì lúc đó muốn làm mua theo nhóm thành công là một chuyện rất khó. Bởi vì, trong mô hình nước ngoài mua theo nhóm (Groupon - Mỹ) thì người mua phải có máy in ở nhà, mà ở Việt Nam thử hỏi có bao nhiêu người có máy in ở nhà. Ngoài ra, việc thanh toán tiền trên mạng qua ATM cũng là một trở ngại vì hình thức này ở Việt Nam chưa được phổ biến, thậm chí nếu có ATM thì người dân cũng không dùng vì họ không có lòng tin.

Dù khó khăn như vậy nhưng ông vẫn rất thành công với nhomMua. Vậy ông có bí quyết gì để giải bài toán đó?

Năm 2009, tôi hợp tác với một đơn vị khác để thành lập nhomMua.com. Tôi cùng các đồng nghiệp suy nghĩ rất nhiều và quyết định thay voucher (thẻ giảm giá) bằng một cái thẻ nhỏ chứ không phải là tờ giấy khổ A4. Vì nó phải đáp ứng được tính thẩm mỹ và tôn trọng người sử dụng. Do đó, tôi nảy ra ý tưởng in voucher nhỏ lại, kích thước giống cái name card để nhìn cho lịch sự.

Đồng thời, chúng tôi áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt, có người giao hàng tận nơi và nhờ nhiều yếu tố cộng lại nhomMua.com trở thành thương hiệu thương mại điện tử (TMĐT) số 1 ở Việt Nam vào thời điểm đó.

Những năm tiếp theo tôi bắt đầu đẩy nhomMua.com lên tầm cao mới đánh dấu sự tăng trưởng rất nhanh về thị trường và nội lực. Lúc này doanh số bán hàng bình quân của nhomMua.com đạt con số 44 tỷ/tháng trên toàn quốc (Hà Nội - TP.HCM - Hải Phòng).

Công việc kinh doanh đang thuận lợi nhưng tại sao anh lại chia tay nhomMua?

Đúng là không ai biết trước chữ “ngờ”, trong quá trình kinh doanh tôi và nhà đầu tư cũng có một số mâu thuẫn nhỏ nhưng có lẽ đỉnh điểm là vào cuối năm 2012. Do không đồng ý cách làm việc của nhau nên kết quả cuối cùng là chia tay và đến ngày hôm nay mọi chuyện đã giải quyết rất “sạch sẽ”. Việc này giống như bố mẹ ly dị nhau, con cái cũng bị tổn thương rất nhiều chứ không riêng gì bố mẹ. Tôi đã chuyển nhượng những gì cần chuyển nhượng và kết quả là nhomMua.com thuộc về bên kia, còn YuMe.vn và diadiem.com thuộc về tôi.

Lấy lại những gì đã mất

Thực sự mà nói việc ồn ào bên nhomMua.com khiến tôi rất thất vọng, không ai muốn vấn đề đó xảy ra nhưng nó đã xảy ra. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn thị trường TMĐT, ảnh hưởng đến uy tín của tôi và của bao nhiêu người xây dựng nên. Vì thế tôi và các đồng sự nhận thấy rằng cần phải làm lại một thứ gì đó để lấy lại niềm tin của thị trường về thương mại điện tử và kay.vn ra đời.

Anh có học hỏi kinh nghiệm từ nhomMua không?

Có chứ, rất nhiều (cười)!

Tôi đã biết đưa ra các chiến lược marketing một cách hiệu quả nhất khi xây dựng thương hiệu. Việc này rất quan trọng vì hoạt động marketing cần nhiều thứ, không chỉ online mà còn offline, cách xây dựng các event, xây dựng thương hiệu đi cùng,… 

Tôi đã bỏ ra một số tiền rất lớn để học được một bài học trong kinh doanh vì thế bây giờ muốn đẩy thương hiệu mới lên cũng với số tiền đó thì tôi có thể tiết kiệm bằng 1/10. Và việc tôi xây dựng kay.vn không phải từ bàn tay trắng vì ngoài kinh nghiệm, tôi cũng có sẵn nhà cung cấp cũng như các khách hàng cũ.

NhomMua thành công rất lớn khi thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn. Vậy anh có tiếp tục xây dựng kay.vn theo hình thức góp vốn đó không?

Tôi nghĩ nếu như muốn xây dựng mô hình mua theo nhóm thành công giống như nước ngoài cần rất nhiều vốn nhưng trước mắt tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu để chứng minh với mọi người rằng mô hình kay.vn thành công sau đó mới bắt đầu kêu gọi góp vốn, nhưng tôi không đẩy vốn lên một cách ồ ạt mất kiểm soát mà đợi công việc tương đối ổn định mới đẩy thêm một lượng vốn lớn hơn.

Khi thành lập kay.vn vấn đề khó khăn nhất của anh là gì?

Khó khăn nhất của tôi là giải quyết chuyện quá khứ trên cơ sở pháp luật một cách rõ ràng. Thứ hai là khi ta bắt đầu lại cái gì đó mà không giống ngày xưa cũng là cái khó, vì nếu mình lặp lại giống cái cũ thì không còn sự khác biệt rất khó để thu hút thị trường.

Muốn làm tốt lĩnh vực này thì mình phải đứng ở vị trí 1,2, 3 ngay lập tức cái đó mới là cái khó. Do đó, mình phải cực kỳ sáng tạo để tìm ra những sản phẩm mới lạ, hạ tầng phải hoàn thiện mới, tài chính phải tốt…và một vấn đề quan trọng nhất là trong thời gian có được vị trí “top” thì công việc kinh doanh của mình không được lỗ, phải tồn tại song song với phát triển.

Hiện nay người tiêu dùng sử dụng voucher có cảm giác rằng mình sử dụng đồ khuyến mãi nên dịch vụ không tốt, thậm chí nhiều nhà cung cấp dịch vụ còn thu thêm các khoản phụ thu, điều này tạo tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Vậy anh làm sao để hạn chế tình trạng mất khách hàng đó?

Bản chất của mô hình Groupon là thu hút nhiều người tiêu dùng khi nhà cung cấp bán hòa hoặc bán lỗ, để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Nhưng gần đây, mô hình đã biến đổi nhiều nhà cung cấp vì lợi ích trước mắt bỏ quên những lợi ích lâu dài, làm ăn không đàng hoàng và từ đó gây ảnh hưởng xấu tới thị trường.

Nắm được những điểm yếu từ các khâu này nên trong quá trình làm việc chúng tôi rất chú trọng việc tư vấn cho nhà cung cấp cam kết thực hiện đúng các điều khoản ghi trong voucher và bán hàng đúng giá. Khi nhà cung cấp bán đúng giá trị của mặt hàng sẽ tạo được niềm tin từ người tiêu dùng, khách hàng có thể quay trở lại nhiều lần. Vì vậy mới nói kéo khách hàng lần đầu tiên đến với nhà cung cấp là nhiệm vụ của các website nhưng làm sao giữ người tiêu dùng lâu cần có sự kết hợp tốt của các nhà cung cấp.

Về phần mình chúng tôi luôn cung cấp những thông tin minh bạch về sản phẩm giúp người tiêu dùng tránh hiểu sai, hiểu lầm những thông tin ghi trong voucher.

Đồng thời trong quá trình hợp tác Kay luôn cố gắng hỗ trợ nhà cung cấp xây dựng thương hiệu, xây dựng các chiến lược marketing gúp bán hàng thành công, khi nhà cung cấp kinh doanh tốt thì lợi ích giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng luôn được đảm bảo tốt, vì đây là việc có lợi cho cả ba bên.

Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường mua bán trực tuyến thức hiện nay? Liệu sau sự cố nhomMua niềm tin người tiêu dùng vốn mong manh liệu có dễ vỡ hơn?

Nếu đánh giá thị trường thì hiện nay nhu cầu thực có rất nhiều, nhưng lòng tin người sử dụng không còn nữa, điều này cũng sẽ gây bất lợi cho ngành thương mại điện tử. Tôi còn nhớ hồi xưa khi xây dựng nhomMua mỗi lần mua người ta mua cả đống voucher, mua đến mức ghiền nó. Nhưng sau khi xảy ra nhiều chuyện tâm lý bị ảnh hưởng, lòng tin đó dần mất đi, muốn xây lòng tin lại không phải chuyện đơn giản. Việc này cần có sự chung tay của cả cộng đồng và không phải một sớm một chiều có thể làm được.

Theo Gia Bảo

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM