Cuộc đời thăng trầm của Cựu quốc vương Campuchia

15/10/2012 11:02 AM |

Norodom Sihanouk có 90 năm cuộc đời đầy thăng trầm cùng lịch sử đất nước, với hai lần phải sống lưu vong và hai lần trở lại ngôi vua.

Cựu Vương Campuchia Norodom Sihanouk ngày 15/10 đã qua đời ở Bắc Kinh do tuổi già, hưởng thọ 90 tuổi.
Thông tin kể trên được các hãng thông tấn AFP và Tân Hoa Xã đăng tải. "Norodom Sihanouk đã từ trần ở Bắc Kinh," hãng tin Trung Quốc dẫn lời một quan chức không nêu tên, và không cho biết thêm chi tiết.
 
Phó Thủ tướng Campuchia Nhik Bun Chhay đã xác nhận thông tin này.

Trao đổi với Tân Hoa xã qua điện thoại, ông Bun Chay cho biết: “Cựu Vương của chúng tôi đã qua đời lúc 2 giờ sáng nay tại Bắc Kinh do tuổi già. Đây là mất mát lớn đối với Campuchia. Chúng tôi rất đau buồn. Cựu Vương là một vị vua tuyệt vời mà tất cả chúng tôi đều kính trọng và yêu quý.”
 
Phó Thủ tướng Bun Chay cho biết thêm Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ bay tới Bắc Kinh ngay trong sáng ngày 15/10 để đưa thi thể cha mình về Campuchia an táng theo truyền thống.
 
Cựu Vương Norodom Sihanouk bị mắc nhiều chứng bệnh ung thư, đái tháo đường, cao huyết áp và thường xuyên tới Bắc Kinh để chữa bệnh.

Norodom Sihanouk sinh 31/10/1922, từng là vua của Campuchia trong nhiều giai đoạn cho đến ngày thoái vị và trở thành Thái Thượng Hoàng để nhường ngôi cho quốc vương Norodom Sihamoni vào ngày 7/10/2004. 
 
Ông là con trai của cựu quốc vương Norodom Suramarit và hoàng hậu Sisowath Kossamak. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau kể từ 1941. 
 
Sách kỷ lục Guiness đã đưa ông vào danh sách các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất, bao gồm 2 lần làm vua, 2 lần thái tử, 1 lần chủ tịch nước, 2 lần thủ tướng và một lần quốc trưởng Campuchia cùng nhiều chức vụ khác.

Bức ảnh chụp ngày 29/7/1941 cho thấy cựu quốc vương Sihanouk, khi đó 19 tuổi, tươi cười tại một địa điểm chưa xác định. Trước đó ba tháng, thực dân Pháp đưa ông lên ngôi tại Campuchia. Sihanouk là nhân chứng của lịch sử đầy biến động của Campuchia, với những cuộc đảo chính, chiến tranh, nạn diệt chủng và cuối cùng là nền hòa bình ổn định ngày nay. Ảnh: AP

Tháng 11/1947, quốc vương Sihanouk tham gia Lễ hội Nước (Bon Om Thook) ở Phnom Penh. Ảnh:Sina

Jacqueline Kennedy, phu nhân của cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy và ông Sihanouk cùng tham gia một đoàn xe đi trên đường phố ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia hôm 6/11/1967. Sau khi Pháp trao trả độc lập cho Campuchia vào tháng 11/1953, Sihanouk thoái vị để đi theo con đường chính trị, trong khi cha của ông là Norodom Suramarit lên ngôi. Ông vài lần là thủ tướng trong những năm sau đó trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia sau khi cha ông qua đời năm 1960. Ảnh:Corbis

Ngày 9/9/1975, Sihanouk (giữa) cùng cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vẫy tay chào người dân ở Bắc Kinh. Đây được coi là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Campuchia, khi chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu tiến vào Phnom Penh và mở đầu cho nạn diệt chủng dẫn tới cái chết của khoảng hai triệu người dân vì đói, bị đánh đập và hành hình. Cũng trong tháng 9/1975, Sihanouk trở về nước nhưng từ chức sau đó vài tháng, rồi bị quản thúc trong hoàng cung.

Năm 1979, khi quân tình nguyện Việt Nam sắp giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ diệt chủng, Sihanouk được đưa sang Bắc Kinh. Năm 1982, ông lập một chính phủ lưu vong với tên Kampuchea Dân chủ, liên kết đảng bảo hoàng Funcipec với Khmer Đỏ. Tháng 1/1985, ông Hun Sen được bầu làm thủ tướng chính phủ Campuchia. Cuối năm 1989, quân đội Việt Nam rút về nước. Sau đó hiệp định Paris được ký, với nội dung trao cho Liên Hợp Quốc quyền giám sát lệnh ngừng bắn và bầu cử. Cũng trong năm 1989, Sihanouk trở lại Bắc Kinh để chữa bệnh. Ảnh: Sina

Sihanouk vẫy tay chào khi trở lại Campuchia từ Trung Quốc vào năm 1996. Ảnh: AFP

Năm 2004, quốc vương Sihanouk thoái vị để truyền ngôi cho con trai là Sihamoni, người có nhiều năm sinh sống và học tập ở Czech. Ảnh:Comli

Sihanouk trả lời phỏng vấn tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm 18/8/2004. Ảnh: Xinhua

Cựu quốc vương Campuchia và cựu hoàng hậu Monineath vẫy tay chào tại sân bay Phnom Penh hôm 20/10/2004. Ảnh: AP

Một bức ảnh khác chụp ngày 2/9/2006 cho thấy cựu quốc vương Sihanouk chào người dân Campuchia tại Sân bay Quốc tế Phnom Penh trước khi tới Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, ông thường xuyên phải tới Trung Quốc để điều trị các căn bệnh khác nhau. Ảnh: AP

Ngày 30/10/2011, ông Sihanouk phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm hoàng gia trở lại trị vì ở Campuchia sau nhiều năm nội chiến. Ảnh: AP

Cựu quốc vương Sihanouk chào các quan chức chính phủ Campuchia trước khi lên máy bay rời Phnom Penh để tới Bắc Kinh hôm 19/1/2012. Hai giờ sáng ngày 15/10 theo giờ Bắc Kinh, Sihanouk trút hơi thở cuối cùng khi sắp tròn 90 tuổi. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại Campuchia theo nghi thức truyền thống. Ảnh: AFP

Theo TTXVN/vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM