Chuyện về tỷ phú Trung Quốc xây kênh đào vượt Panama

10/05/2014 19:13 PM |

Rất ít người biết đến tiếng tăm của ngài Wang cho đến năm ngoái, khi sự án xây dựng kênh đào Nicaragua và kế hoạch phát triển các bến cảng trên biển Đen trị giá 3 tỷ USD được công bố.

Nội dung nổi bật: Wang Jing – doanh nhân bí ẩn đứng sau dự án kênh đào bắc ngang hai bờ đại dương trị giá 50 tỷ USD ở Nicaragua đang sở hữu một gia tài giàu có. 

- Tài sản chủ yếu của ông là 35,97% cổ phần ở Beijing Xinwei – tập đoàn phát triển truyền thông không dây được tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc. 

- Wang còn là chủ sở hữu công ty xây dựng - phát triển Nicaragua có trụ sở tại Hongkong và công ty quản lý đầu tư xây dựng kênh đào xuyên biển - Bắc Kinh. Dự án kênh đào bắc ngang hai bờ đại dương trị giá 50 tỷ USD.

- Wang còn nắm quyền kiểm soát một vài công ty con ở nước ngoài, bao gồm 7 công ty ở Hà Lan – hỗ trợ trong dự án Nicaragua; một công ty sản xuất máy bay ở đảo Virgin- Anh quốc, và nhiều công ty truyền thông thể thao khác. Ông cũng kinh doanh khai thác vàng và đá quý tại Campuchia cùng nhiều dự án bí ẩn khác



Wang Jing – doanh nhân bí ẩn đứng sau dự án kênh đào bắc ngang hai bờ đại dương trị giá 50 tỷ USD ở Nicaragua phủ nhận mọi nghi vấn về việc một thương nhân ít danh tiếng như ông có thể thực hiện kế một hoạch khổng lồ xuyên lục địa. Ông cũng giải thích mình không đại diện cho chính phủ Trung Quốc.

“Tôi biết chuyện này rất khó tin,” Wang nói khi chia sẻ về việc ông đã dành khoảng 100 triệu USD để tiến hành các bước chuẩn bị xây kênh đào, mỗi tháng dự án tiêu tốn thêm khoảng 10 triệu USD.

“Nhiều người cho rằng chính phủ Trung Quốc đang ngầm cung cấp vốn cho dự án này. Vậy, tại sao cuối cùng chỉ có mình Wang Jing đứng ra chịu trách nhiệm cho mọi việc?”

Các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc như Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các nhà lãnh đạo tiền nhiệm như Giang Trạch Dân và Ôn Gia Bảo đều có các chuyến viếng thăm đến công ty công nghệ truyền thông không dây của ngài Wang bốn năm trước.

Rất ít người biết đến tiếng tăm của ngài Wang cho đến năm ngoái, khi sự án xây dựng kênh đào Nicaragua và kế hoạch phát triển các bến cảng trên biển Đen trị giá 3 tỷ USD được công bố. Ông luôn từ chối việc tiết lộ thông tin cá nhân và thảo luận chi tiết các dự án của công ty.

Trong hai cuộc phỏng vấn tại trụ sở công ty tại Bắc Kinh và một vài hồi đáp qua thư điện tử, vị doanh nhân 41 tuổi đã tiết lộ một số thông tin về dự án kênh đào Nicaragua - thương vụ gần đây của công ty Beijing Xinwei được coi là vụ sáp nhập ngược lớn nhất trong lịch sự thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc sống đời tư của ông vẫn còn là một ẩn số.

“Tôi sinh ra vào tháng 12 năm 1972 tại Bắc Kinh” ông cho biết. “Từ trước tới giờ tôi chỉ là một doanh nhân bình thường.”

Đối mặt với rủi ro như “đi trên dây treo”

Tháng 6 năm ngoái, ông Wang xuất hiện liên tục trên các mặt báo khi giành được chiến thắng trong vụ đấu thầu gây nhiều tranh cãi về dự án kênh đào cạnh tranh với kênh Panama trị giá 50 tỷ USD; đổi lại ông phải ký cam kết nhượng bộ với chính phủ Sandinista của Nicaragua trong một dự án năng lượng tái chế có thời hạn hơn 50 năm.

Các bước chuẩn bị ở Nicaragua đã sẵn sàng – Wang cho biết. Tháng 1 năm nay, ông và Tổng thống Daniel Ortega ban hành tuyên bố chung để làm rõ nhiều nguồn  “thông tin sai lệch” rằng dự án đang bị đình chỉ.

Qui mô khổng lồ của dự án bao gồm việc xây dựng một tuyến đường thủy chính để lưu thông hàng hóa kéo dài hơn 130 dặm, cùng với hai bến cảng lớn, hệ thống đường sắt, đường ống dẫn dầu và một sân bay quốc tế.

Kênh đào này dự kiến sẽ dài hơn, sâu hơn và rộng hơn kênh đào Panama, kéo dài 500 dặm về phía Đông Nam.

Một dự án với qui mô tầm “khủng” như vậy đã khiến nhiều người người nghi ngờ nó chỉ có thể thực hiện được dưới sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc. Trong trường hợp này, dự án sẽ đóng vai trò cân bằng quyền lực chính trị với Mỹ và tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc lên khu vực Trung Mỹ.

“Tôi không tin rằng ngài Wang đứng ra thực hiện dự án này mà không nhờ tới bất cứ liên hệ nào với chính phủ Trung Quốc” R Evan Ellis – giáo sư nghiên cứu đến từ Trung tâm quốc phòng Hemispheric thuộc trường đại học quốc gia - Washington nói. “Các công ty lớn của trung Quốc không vô cớ đầu tư vào châu Mỹ Latin mà không có mục đích gì.

Theo đánh giá của Ellis, dự án này sẽ cung cấp đòn bẩy thương mại giúp Trung Quốc cân bằng vị thế với các nước châu Mỹ Latin, đảm bảo giao dịch thông thoáng và giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn nguyên liệu thô.

“Việc tiến hành dự án sẽ phụ thuộc lớn vào yêu cầu của chính phủ Trung Quốc” ông nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Wang đầu tư khá “mạnh tay” và mạo hiểm khi chỉ kiếm được một khoản lợi nhỏ từ việc cấp phép dịch vụ sử dụng dự án sau này. Việc xây dựng tuyến đường thủy kết nối hai đại dương từ lâu đã bị chỉ trích là tốn kém và lãng phí. Bên cạnh đó, ông Wang còn bị báo chí thế giới chê bai vì thiếu kinh nghiệp trong việc phát triển và đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tầm cỡ.

Tháng 8 năm 2012, ông Wang mới thành lập công ty đầu tư và phát triển kênh đào Nicaragua – Hong Kong. Trụ sở công ty đặt ở Trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong chỉ vài tuần trước khi dự án đầu tư được công bố vào tháng 6.

Các chính trị gia phe đối lập của chính phủ Nicaragua liên tục chất vấn ông Wang về cam kết xử lý các ảnh hưởng của dự án lên môi trường và cộng đồng địa phương. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường ở hồ Nicaragua – nơi cung cấp nguồn nước ngọt chủ chốt cho cả khu vực.

Wang đã mời một đội ngũ chuyên gia quốc tế chuyên nghiệp để giải quyết các lo ngại này. Công ty McKinsey & Co chịu trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu về tính khả thi kinh tế của khu vực, trong khi đó công ty quản lý tài nguyên môi trường tiến hành các khảo sát về tác động môi trường và tác động xã hội từ việc thi công các tuyến đường.

Dự án còn có sự tham gia của SBE – công ty công trình dân dụng đến từ Bỉ chuyên quản lý kênh và các tuyến thủy lực; MEC Mining – công ty tư vấn kỹ thuật chuyên nghiệp đến từ Australia. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng được ký kết với công ty tư vấn McLarty Associates  Washington và công ty luật Kirkland & Ellis. 

Hiện tại, có khoảng 400 kỹ sư và kỹ thuật viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đang làm việc để nghiên cứu tính khả thi của dự án - chủ tịch cơ quan quản lý dự án kênh đào Nicaragua – Manuel Coronel Kautz chia sẻ với tờ Reuters. Theo Wang, ước tính có từ 600 đến 700 nhân công đang làm việc cho dự án này.

Về phía các đối tác, đại diện công ty xây dựng McKinsey & Co - Stefan Matzinger từ chối cung cấp thông tin cho báo giới. Tổng giám đốc khu vực của ERM - David McArthur; giám đốc McLarty Associate's - Stephen Donehoo và đại diện công ty Kirkland & Ellis đều từ chối trả lời bất kỳ thư điện tử hay điện thoại.

Tìm kiếm 50 tỷ USD

Việc tìm kiếm các nguồn lực tài chính cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Wang chia sẻ ông đã chuẩn bị khoảng 300 triệu USD tiền mặt. Bên cạnh đó, ông sẽ sử dụng kết hợp các biện pháp sở hữu chéo cổ phần, vay ngân hàng và phát hành nợ để kiếm đủ nguồn lực tài chính cho dự án 50 tỷ USD này.

Đã có 5 tổ chức quốc tế đồng ý đầu tư vào dự án – ông nói thêm: “Chúng tôi không chỉ ký các biên bản thỏa thuận mà đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng để hoàn thiện hợp đồng ủy thác và xây dựng trên thực tế.

Ngày 23/4, tập đoàn xây dựng và sản xuất máy móc Xugong – một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận khung để có 1,5% đến 3% cổ phần trong công ty của ngài Wang.

Việc không có một công ty quốc tế (Mỹ) nào khác tham gia đã giúp Xugong trở thành nhà cung cấp thiết bị kỹ thuật độc quyền cho dự án kênh đào. Các thông báo tiếp theo dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới – Wang nói.

Dự án còn có sự tham gia của tập đoàn nhà nước Railway Construction Corp – nhà thầu xây dựng đường sắt lớn nhất hiện nay ở nước ngoài của Trung Quốc. Công ty này là một trong những đối tác chiến lược của ông Wang, tham gia vào dự án nghiên cứu tính khả thi. Wang còn tiết lộ ông đã nói chuyện với một vài ngân hàng nhà nước Trung Quốc nhưng không chắc chắn về việc cam kết bất kỳ khoản đầu tư nào.

“Tôi muốn khẳng định chúng tôi không cần dùng hết 50 tỷ USD tiền mặt để hoàn thành dự án,” Wang nói. Ngoài dự án Nacaragua, ông cũng đang gặp khó khăn trong một dự án khác là công trình xây dựng bến cảng nước sâu trị giá 3 tỷ USD ở khu vực biển Đen – 60km về phía Bắc Sevastopol. 

Tháng 12 năm ngoái, sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của cựu Tổng thống Ukraina - Viktor Yanukovich  - người đã bị lật đổ 2 tháng sau đó, Wang công bố thỏa thuận giữa HKND và một công ty giấu danh tính ở Ukraina. Một nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh ông Wang thảo luận dự án với ngài Yanukovich và phó thủ tướng Mã Khải. Vị trí bến cảng nằm giữa bán đảo Crimean – nơi vừa mới được sáp nhập lại vào Nga.

Tháng 2 năm nay, 20 công nhân của HKND vừa hoàn thành công tác nghiên cứu đã bị buộc quay trở lại Trung Quốc.

“Chúng tôi rất tự tin với dự án của mình; tuy vậy do tình hình phức tạp hiện tại ở Ukraina chúng tôi cần xem xét lại các vấn để thủ tục, hoạch định và tiến độ thi công có liên quan,” Wang nói. 

 “Tôi chỉ là một doanh nhân bình thường”

Wang dường như đang sở hữu một gia tài giàu có – ít nhất là dựa vào số liệu thống kê trên giấy tờ. Tài sản chủ yếu của ông là 35,97% cổ phần ở Beijing Xinwei – tập đoàn phát triển truyền thông không dây được tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc. Hiện nay, công ty này chỉ tập trung vào mạng lưới di động và phát triển các sản phẩm liên quan. Tháng 3 năm nay, Beijing Xinwei ước tính tài sản công ty vào khoảng 26,89 tỷ nhân dân tệ.

Ngoài ra, Wang còn là chủ sở hữu công ty xây dựng - phát triển Nicaragua có trụ sở tại Hongkong và công ty quản lý đầu tư xây dựng kênh đào xuyên biển - Bắc Kinh. Hai công ty này đều được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và đăng ký hợp pháp ở Hong Kong.

Đồng thời, Wang còn nắm quyền kiểm soát một vài công ty con ở nước ngoài, bao gồm 7 công ty ở Hà Lan – hỗ trợ trong dự án Nicaragua; một công ty sản xuất máy bay ở đảo Virgin- Anh quốc, và nhiều công ty truyền thông thể thao khác. Tất cả các công này đều mới được thành lập năm ngoái.

Tháng 9/2009, ông thành lập tập đoàn phát triển nông nghiệp Đông Nam Á đặt trụ sở tại Campuchia. Sau đó công ty này cũng được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải.

Rất ít thông tin được tiết lộ về sự nghiệp của Wang. Ngài chủ tịch trẻ tuổi từ chối thảo luận về hoàn cảnh xuất thân và chỉ cho biết: cha mình là một nhân viên bình thường, mất năm 2010 sau 11 năm trên giường bệnh; mẹ ông năm nay 70 tuổi và đã nghỉ hưu; ông có một cô con gái.

“Tất cả chỉ có vậy,” Wang nói. “Tôi chỉ là một người đàn ông bình thường.”

Ông từng theo học tại trường đại học Y học cổ truyền tỉnh Giang Tây nhưng bỏ dở giữa chừng; sau này ông làm việc tại trường văn hóa và y học cổ truyền Changping - Bắc Kinh.

Cuối những năm 1990, Wang đến Hong Kong để học tập về tài chính và đầu tư quốc tế. Sau đó, năm 1998 ông quay lại Bắc Kinh và thành lập công ty tư vấn đầu tư Dingfu. Ở Hong Kong, Wang cũng thành lập một chi nhánh của tập đoàn Dingfu vào năm 2001.

Ông còn kinh doanh khai thác vàng và đá quý tại Campuchia – quá trình được ông miêu tả khá vất vả bởi hậu quả của cuộc chiến tranh trong quá khứ. Bên cạnh đó, ông cũng thành lập công ty xây dựng và kỹ thuật Yingxi – một mắt xích nhỏ nhưng có vai trò quan trọng khi tham gia và các dự án ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Quảng Đông. Thông tin về các công ty được tiết lộ khá hạn chế.

Wang từ chối giải thích về nguồn gốc tài sản giàu có của mình. “Trung Quốc có câu ngạn ngữ: ‘những mảnh tốt nhất của bộ lông cáo, khi khâu lại với nhau  sẽ thành chiếc áo choàng hoàn chỉnh’ tương tự như vậy, tài sản của bạn sẽ dần được tích lũy theo thời gian” ông chia sẻ.

Theo Thảo Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM