Chuyện tình đẹp của Janet Yellen - nữ Chủ tịch tương lai của FED

16/10/2013 08:56 AM |

“Tôi là chỗ dựa tinh thần cho Yellen trong những cơn bão chính trị hàng ngày" - ông George Akerlof.

Nội dung nổi bật:

Bà Janet Yellen hiện là nhân vật lớn thứ hai tại FED và sắp tới nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm cơ quan này.

Chồng của bà là George Akerlof, sinh năm 1940, lớn hơn bà 6 tuổi, cũng là một giáo sư kinh tế, từng người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001.

Nhận xét về mối quan hệ của mình, chồng bà Janet nói: "Chúng tôi không chỉ hợp nhau hoàn hảo về tính cách, chúng tôi luôn hợp nhau về mọi vấn đề nhưng hoàn hảo nhất vẫn là về kinh tế vĩ mô. Bất đồng duy nhất của chúng tôi là bà ấy ủng hộ thương mại tự do hơn tôi một chút". “Tôi là chỗ dựa tinh thần cho Yellen trong những cơn bão chính trị hàng ngày".



Bà Janet Yellen, vừa được Tổng thống Obama đề cử làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu được Thượng viện thông qua, bà sẽ trở thành nữ chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của cơ quan này. Bên cạnh sự nghiệp, ít ai biết được rằng bà có một tình yêu rất đẹp với người chồng hiện tại, cũng là chuyên gia về kinh tế, từng đoạt giải Nobel năm 2001.

Bà Janet Yellen sinh năm 1946, là người gốc Do thái. Bà học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Brown, sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Yale. Bà cũng đã từng giảng dạy tại Đại học danh tiếng Harvard, trường Kinh tế London, và trường Kinh tế Haas của Berkeley. Trong khoảng thời gian từ 1997-1999, bà làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Bill Clinton. Bà làm Chủ tịch FED tại San Francisco từ 2004-2010 và sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch FED liên bang.

Chồng của bà là George Akerlof, sinh năm 1940, lớn hơn bà 6 tuổi, cũng là một giáo sư kinh tế, từng người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001.

Mặc dù cả hai cùng làm trong lĩnh vực kinh tế vốn được cho là khô khan nhưng họ đã có một tình yêu rất đẹp và đáng ngưỡng mộ. Bà đã gặp ông trong một bữa tiệc vào năm 1977, tình yêu ‘sét đánh’ đã đưa họ tới hôn nhân chưa đầy một năm sau đó.

Bà Janet Yellen cùng chồng George Akerlof.

Kể về lần đầu tiên gặp nhau, bà vui vẻ nói: “Khi ấy, tôi đang làm việc về tài chính quốc tế, còn ông ấy lại chuyên về lĩnh vực nghiên cứu và thống kê. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau trong bữa trưa sau một cuộc hội thảo”.

Khi tiếp xúc nhiều hơn với George Akerlof, Yellen phát hiện ra rằng ông không chỉ là một người bạn tâm giao mà còn có cùng chung nhiều quan điểm về những tác động xã hội của các chính sách kinh tế.

Họ là một trong những cặp đôi quyền lực nhất về kinh tế học hiện đại. Sau khi kết hôn, họ vừa cùng nhau thực hiện những nghiên cứu đầy tham vọng vừa nuôi dưỡng cậu con trai của mình, người sau này cũng có niềm đam mê kinh tế giống như họ.

Yellen hiện là nhân vật lớn thứ hai tại FED và sắp tới nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của một trong những cơ quan quyền lực nhất thế giới này.

Đứng sau một người đàn ông thành công luôn có một người phụ nữ. Ông Akerlof đã từng cho biết rằng, bà Yellen đã giúp ông rất nhiều để ông có thể giành giải Nobel kinh tế 2001. Và ngược lại, để bà có được vị trí như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự hỗ trợ của ông Akerlof.

Ông đã từng viết một cách hóm hỉnh trong cuốn tự truyện cho Quỹ Nobel (đăng trên Nobelprize.org) về tình cảm của vợ chồng ông: "Chúng tôi không chỉ hợp nhau hoàn hảo về tính cách, chúng tôi luôn hợp nhau về mọi vấn đề nhưng hoàn hảo nhất vẫn là về kinh tế vĩ mô. Bất đồng duy nhất của chúng tôi là bà ấy ủng hộ thương mại tự do hơn tôi một chút".

Trong thời gian gặp gỡ bà Janet, ông Akerlof đang giảng dạy tại Trường Kinh tế London trong khi bà đang là một chyên gia kinh tế bộ phận Tài chính quốc tế tại FED. Ông Akerlof đã từng tâm sự: “Sau khi gặp gỡ với Yellen một thời gian, chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân một cách nhanh chóng, không chỉ vì chúng tôi rất tin tưởng nhau mà còn vì những lý do khách quan, nếu chúng tôi không muốn chia tay, Janet sẽ phải làm việc ở Anh”.

Ted Truman khi đó làm Trưởng bộ phận Tài chính quốc tế tại FED cho biết: "Chúng tôi đã rất thất vọng khi bà ấy tới London cùng với ông ta, mặc dù tôi rất hiểu. Chúng tôi đã rất cố gắng để bà ấy vào làm việc tại đây”.

Tại London, Yellen và Akerlof đều gặp khó khăn. Akerlof viết: “Chúng tôi đều là người Mỹ, không phải người Anh”. Hai năm sau đó, họ quay trở lại giảng dạy tại trường Kinh tế Haas, Berkeley.

Các đồng nghiệp của vợ chồng Yellen cho biết, trong thời gian này họ đã cùng thực hiện nhiều nghiên cứu kinh tế và những nghiên cứu này có kết quả rất tuyệt vời khi có sự kết hợp của hai phong cách khác nhau.

Andrew K. Rose, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế Haas của Berkeley cho biết: "George là một người có tính sáng tạo, phóng khoáng; Janet là người mẫu mực và nhạy cảm”.

Jim Adams, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Michigan cho biết mối quan hệ của bà Yellen với Akerlof cho thấy "họ rất chín chắn để có tình yêu rất sâu sắc với nhau vì họ rất khác nhau. George là một người vô cùng sáng tạo. Ông ấy có những ý tưởng khác thường. Trong khi đó Yellen là một người suy nghĩ rất chín chắn – suy nghĩ mọi thứ rất cẩn thận".

Sau này họ tập trung vào nghiên cứu giảm đói nghèo và nhiều chính sách kinh tế khác, bao gồm cả nạn thất nghiệp.

Yellen trở lại FED vào năm 1994, Akerlof tiếp tục giảng dạy tại Berkeley dù vẫn ở Washington. Khi Yellen làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Bill Clinton, Akerlof nghỉ dạy và tập trung vào chăm sóc gia đình, nuôi dạy con trai và thực hiện các nghiên cứu riêng. Ông đã từng viết: “Tôi là chỗ dựa tinh thần cho Yellen trong những cơn bão chính trị hàng ngày”. Bạn bè của hai người cho biết, Yellen vẫn duy trì được sự cân bằng trong công việc và cuộc sống gia đình với vai trò là người mẹ và bà nấu ăn cũng rất ngon.

Năm 1999, họ trở lại Berkeley. Bà làm Chủ tịch FED tại San Francisco vào năm 2004 và năm 2010, bà bắt đầu làm Phó chủ tịch của FED. Trong khi đó, ông Akerlof đã giành giải Nobel Kinh tế vào tháng 10/2001.

Khi Yellen được đề cử làm Chủ tịch FED, bạn bè của bà cho biết, bà sẽ làm cho FED trở thành một tổ chức lớn mạnh hơn. Một người bạn khẳng định: “Bà là mẫu người sẽ làm cho mọi người xung quanh trở lên tốt đẹp hơn”.


Theo Phạm Khánh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM