Chuyện mất sừng tê giác: Ông Trầm Bê phải chịu trách nhiệm gì?

07/10/2012 08:49 AM |

"Ngay cả khi các cơ quan xác định đó không phải là tê giác nhập khẩu hợp pháp thì ông Trầm Bê cũng không phải chịu “tội” do ông không thể biết bộ hồ sơ của người bạn đúng, sai chỗ nào".

Theo Cites VN thì họ phải vào tận nơi, rà chip, xác minh mã số chip mới biết được lai lịch, tính hợp pháp của con tê giác. Đó là ý kiến của ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Cites VN (cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp), trước thông tin ông Trầm Bê (Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) vừa trưng ra hồ sơ nhập khẩu con tê giác đã bị trộm mất sừng.

Theo ông Tùng, đến thời điểm này Cites VN vẫn chưa nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng về việc xác định tính hợp pháp của con tê giác trên. Cites VN cũng chưa nhận được bộ hồ sơ con tê giác mà ông Trầm Bê đã cung cấp cho báo chí nên chưa thể đánh giá tính xác thực.

Khi lưu ý “chiếc sừng tê giác của ông Trầm Bê có thể là bất hợp pháp do ông không có tên trong danh sách những người nhập khẩu sừng tê giác vào VN”, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã cũng có nói hằng năm VN cho nhập khẩu một số mẫu động vật để trưng bày. Có thể con tê giác của ông Trầm Bê là một trong số những mẫu nhất định đó nhưng nay nó mất rồi nên không có cơ sở để khẳng định.

Do mỗi mẫu vật đều được gắn mã số chip nên khi có yêu cầu xác minh thì Cites VN phải vào tận nơi, rà chip, xác minh mã số chip mới biết được lai lịch, tính hợp pháp của con vật.

Sắp tới có thể cấm nhập khẩu

Bàn thêm về việc ông Trầm Bê cho rằng đã được một người bạn có giấy phép nhập khẩu tê giác từ Nam Phi tặng cho tê giác, ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), lưu ý: Việc xuất, nhập khẩu động vật hay các mẫu vật, sản phẩm của động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm buộc phải có giấy phép của Cites.
 
Ví dụ, nhập khẩu tê giác từ Nam Phi về Việt Nam thì cần có giấy phép của Cites Nam Phi cho phép xuất đi, giấy phép của Cites Việt Nam cho phép nhập vào.
 
Tùy thuộc vào từng nhóm động vật và mục đích nhập khẩu của cá nhân mà Cites Việt Nam sẽ cấp phép hoặc không.
 
Ông Khôi khẳng định dù là động vật còn sống, hay thú đã nhồi bông, hay một bộ phận của động vật hoang dã đều cần được kiểm soát để tránh các hình thức gian lận, do đó đều cần phải có giấy phép.
 
Hiện nay, cá nhân sở hữu các mẫu vật động vật hoang dã đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Khoảng năm 1992, Chính phủ có yêu cầu người dân khai báo các mẫu vật này. Giả sử ai đó có ngà voi, có sừng tê giác gia truyền để lại thì khai báo.
 
Còn từ năm 1992 trở đi mà có mẫu vật thì phải chứng minh sự hợp pháp của mẫu vật đó từ đâu mà có. Nếu không chứng minh được thì có nghĩa là bất hợp pháp và cá nhân đang chiếm hữu mẫu vật đó sẽ bị xử lý.
 
Ông Phùng Mỹ Trung (Cục Hải quan Đồng Nai, người điều hành trang web Sinh vật rừng Việt Nam http://www.vncreatures.net) cũng cho biết hiện nay việc nhập khẩu động vật hoang dã hay các mẫu vật, sản phẩm của động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần phải có giấy phép của Cites. Nước này cho xuất đi và nước kia cho nhập vào.
 
Tuy nhiên, hiện đã có những văn bản dự thảo hướng đến việc cấm nhập khẩu. Tới đây, nếu có quy định cấm chính thức thì cho dù Nam Phi có cho xuất khẩu đi chăng nữa thì cá nhân cũng sẽ không được phép nhập khẩu về Việt Nam.
 
Ông Trầm Bê phải chịu trách nhiệm gì
 
Theo thông tin từ ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cơ quan kiểm lâm sở tại có trách nhiệm xác nhận lâm sản, trong đó có động vật rừng và các bộ phận, dẫn xuất của chúng (như máu, dịch mật) nhằm xác định tính hợp pháp về hồ sơ lâm sản và sự phù hợp giữa hồ sơ với lâm sản. Đối với các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì hồ sơ phải có giấy phép Cites.
 
Chính vì thế, các cá nhân đứng tên nhập khẩu sừng tê giác phải đến cơ quan kiểm lâm địa phương làm thủ tục xác nhận và khi muốn tặng cho chiếc sừng cho người khác thì cũng phải đến cơ quan kiểm lâm làm thủ tục đổi chủ.
 
Trường hợp người đang cất giữ chiếc sừng không phải là người đứng tên nhập khẩu thì khi kiểm tra, cơ quan kiểm lâm có thể lập biên bản, xử phạt hành chính và buộc phải làm thủ tục.
 
Đối chiếu thông tin này với trường hợp của ông Trầm Bê thì tới đây ông có bị xử lý về tội mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm như có ý kiến lo ngại?
 
Luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: “Do tội trên chỉ áp dụng đối với hành vi mua bán trái phép nên ông Trầm Bê sẽ không bị xem là vi phạm pháp luật hình sự nếu các cơ quan chức năng xác định được tê giác đó là của người bạn ông nhập khẩu hợp pháp và sau đó tặng lại ông.
 
Việc ông không đi làm thủ tục với cơ quan kiểm lâm (nếu có) chỉ là một vi phạm về hành chính. Ngay cả khi các cơ quan xác định đó không phải là tê giác nhập khẩu hợp pháp thì ông Trầm Bê cũng không phải chịu “tội” do ông không thể biết bộ hồ sơ của người bạn đúng, sai chỗ nào.
 
Thời gian tới, nếu điều tra được đối tượng trộm cắp chiếc sừng thì cơ quan pháp luật có thể xử đối tượng về tội trộm cắp tài sản. Khi đó, nếu thu giữ được chiếc sừng thì tùy thuộc vào yếu tố có hợp pháp hay không, cơ quan pháp luật sẽ cho phép ông Trầm Bê tiếp tục cất giữ hoặc sẽ tịch thu”.

Theo Phát luật Tp.HCM

duchai

Cùng chuyên mục
XEM